Đinh Hoàng Thắng
“Lỗi hệ thống” là khái quát chính xác mức độ đe dọa an toàn của chế độ. Trên đà tha hoá của quyền lực thể chế, lỗi hệ thống hiện đang lũng đoạn nhiều mặt đời sống đất nước và là mối nguy hiểm số một của quốc gia. Đó là thế lực nội xâm nham hiểm và đáng sợ không kém gì so với kẻ xâm lược trực tiếp.
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 20/1/2022, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời phóng viên về các chuyến bay giải cứu có nghi vấn tiêu cực: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”. Một tuần sau, ngày 27/1, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về tội “Nhận hối lộ”: Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Lê Tuấn Anh, Phó Phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự Lưu Tuấn Dũng.
Trước đó, Bộ Ngoại giao cũng cho biết, trong cùng ngày 27/1, Bộ đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ nói trên để phục vụ điều tra. Thông cáo BNG còn nêu rõ: “Xác định đây là hành vi trục lợi cá nhân, với tinh thần vi phạm đến đâu sẽ đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bao che, không dung túng, bất kể người đó là ai, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ toàn bộ vụ việc, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và theo đúng các quy định của pháp luật”. Thông cáo này mạnh mẽ nhưng thận trọng. “Vi phạm đến đâu xử lý đến đó”. Có thể hiểu đây là câu chuyện chỉ mới bắt đầu? Nghĩa là chưa thể biết toàn bộ câu chuyện rồi đây sẽ đi về đâu? Liên quan như thế nào cả trong lẫn ngoài Bộ. Song nếu gõ danh tính bị can đầu tiên, chỉ trong 0.48 giây, Google đã cho hơn 90 triệu kết quả.
Các bài tường thuật, phân tích và bình luận quả là thiên hình vạn trạng, là sự bùng nổ của các phản ứng đa chiều và dữ dội về một vấn đề nóng bỏng, nhất là nó liền kề với vụ kit test Việt Á. Cơn bão truyền thông bởi hai scandal dường như “sinh đôi” gây ra, nhưng đặc biệt là vụ của bị can Nguyễn Thị Hương Lan, chắc chắn sẽ còn kéo dài. Trong khi các cơ quan chức năng đang phải làm việc xuyên Tết, dư luận theo sát từng ngày vụ bê bối ở Cục LSBNG. Mọi cáo buộc đối với những người bị bắt sẽ phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ, trên nguyên tắc suy đoán vô tội trong mọi bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, ngay bây giờ vụ bê bối “trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo các chuyến bay giải cứu” đã đặt ra một số vấn đề rất nghiêm trọng sau đây mà các cơ quan đảng và chính quyền không thể không bão não (brain storming):
Thứ nhất, nhiều khả năng cá nhân Hương Lan chỉ là một mắt xích trong đường giây. Bởi vì, những quyết định có liên quan từ A dến Z nhiệm vụ thực hiện các chuyến bay giải cứu này đều vượt mọi thẩm quyền của một Bộ. Trong những quyết định cuối cùng như vậy ở phạm vi BNG, Ban Cán sự Đảng Bộ thường có tiếng nói cuối cùng trước khi nó trở thành quyết định chung của liên Bộ hoặc trình lên cấp cao hơn nữa. Từ hàng chục năm trước đây, câu hỏi “Ban Cán sự là ai?” từng được nêu ra. Và bây giờ cũng thế, hễ xảy ra các vụ kỷ luật nào thì “Ban Cán sự” bao giờ cũng là người chịu trách nhiệm về mọi sai lầm xảy ra. Thế nhưng Ban cán sự hầu như lại là một thực thể vô hình. Tồn tại mà không tồn tại! Ai cũng biết, nhưng không biết là ai! Hệ thống ĐCS có cái “ưu việt” như thế! Giả sử vụ CLS cũng đi tới khiển trách hay kỷ luật ban bệ nào đấy một cách chung chung thì mọi việc lại “vũ như cẩn”. Khi ngồi lại rút “sợi dây kinh nghiệm” thì rút mãi rồi vẫn như cũ, không bao giờ hết.
Thứ hai, còn một thực thể vô hình khác nằm ngay trong BNG. Mà các Bộ, các Ngành khác cũng không là ngoại lệ, đó là đại diện của các bên An ninh. Các đại diện này vẫn khoác áo Ngoại giao hay các áo “bình phong” và đều có tiếng nói trong quá trình lấy quyết định. Đây nhiều khi là “bí mật công khai”. Nghĩa là, nếu “quy trình tham nhũng” ở Cục Lãnh sự BNG bị Bộ Công an vừa bóc trần thì chính “các anh bên An ninh” ngay từ đầu đã nắm tường tận “mọi chuyện bếp núc” của cái quy trình ấy. Sóng yên bể lặng thì các anh an ninh “chung sống hòa bình” trong mọi sự vui vui vẻ. Còn khi công chuyện bị vỡ lỡ thì nhiều khúc quanh khác xuất hiện. Dích dắc và nhiều khi bí ẩn, không ai biết đâu mà lần. Một khi đấu tranh quyền lực được khởi động ở đâu đó, thì việc “xe pháo” bị thí là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Thứ ba, với scandal “giải cứu công dân” nói trên, thêm một nhành nữa của hệ thống “vào cuộc” tham nhũng. “Mồm Tuyên giáo, áo Ngoại giao”. Ngoại giao vẫn thường được coi là “mặt trước cái tủ kính” của chế độ. Phải chăng vì vậy, mọi đồn đãi về các vụ tiêu cực ở BNG ít khi bị đưa lên mặt báo. Lãnh sự là một cục nghiệp vụ đối ngoại, nó rất mạnh về mặt chuyên môn (tham mưu quản lý nhà nước chuyên về công tác lãnh sự và di dân…). Nhưng CLS không phải lúc nào cũng hội tụ đủ các thành phần elites nhất. Trong quá trình tư vấn chính sách cho lãnh đạo Bộ và trên nữa, vai trò của nó không phải bao quát như các vụ tổng hợp và các vụ khu vực. Nhân vụ bê bối trong CLS hiện nay, không nên và càng không được “vơ đũa cả nắm”! Nhiều thành phần elites khác trong BNG làm việc rất nặng nhọc nhưng sự đãi ngộ, quyền lợi vật chất họ hưởng thụ chẳng thấm bao nhiêu.
Thứ tư, phá đường dây tham nhũng ở Cục Lãnh sự, ít khả năng các cơ quan chức năng sẽ đánh tràn lan (chỗ này hơi khác với vụ Việt Á hiện nay). Nhiều đơn vị trong BNG chắc chắn vô can trong các chiến dịch “giải cứu” trục lợi. Họ ngày đêm “đổ mồ hôi sôi nước mắt” nghiên cứu, nắm bắt và tổng hợp tình hình thế giới, quan hệ giữa các nước lớn, tác động đến khu vực, ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao và kiến nghị các đối sách phù hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ cống hiến không mệt mỏi. Nhiều người trong số họ say mê nghiên cứu, hàng chục năm không đi luân chuyển. Các đơn vị tác chiến ấy coi bảo vệ quyền lợi quốc gia – dân tộc là nhiệm vụ thiêng liêng nhất và phấn đấu hết mình trong công việc hàng ngày. Nếu vơ đũa cả nắm, đánh cả các mảng này, “đối phương” của Việt Nam sẽ hả lòng hả dạ, quốc gia và dân tộc sẽ chịu hậu quả khôn lường.
Thứ năm, qua các Đại hội XI, XII và XIII, đấu tranh chống tham nhũng là ưu tiên số một của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Lãnh đạo đã ban hành không biết bao nhiêu là Nghị quyết, Chỉ thị liên quan đến vấn đề này. Nhưng một thực tế ai cũng thấy là càng chống thì tham nhũng giống như đầu Phạm Nhan (tướng quân Nguyên Mông), chém đầu này mọc đầu khác, thậm chí, mọc ra nhiều đầu khác. Gần đây Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn đặt câu hỏi, đại ý là tại sao tham những cứ “trơ” ra? Mà nó không chỉ tăng về lượng, tham nhũng ngày leo sâu trèo cao lên những cấp bự hơn, thậm chí can thiệp vào cả quá trình xử lý các vụ tiêu cực (đã phải bỏ tù nhiều kẻ chạy án). Điều này nói lên mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của quá trình thao túng chính sách và lũng đoạn quyền lực nhà nước ở những cấp cao trong hệ thống. “Lỗi hệ thống” là sự khái quát hoàn toàn chính xác mức độ đe dọa an toàn của hệ thống. Hơn bao giờ hết, trên đà tha hoá quyền lực thể chế, lỗi hệ thống hiện đang lũng đoạn nhiều mặt đời sống đất nước và là mối nguy hiểm số một của quốc gia. Đó là thế lực nội xâm nham hiểm và độc ác đáng sợ không kém gì so với kẻ xâm lược khác!