Đức Giáo Hoàng Phanxicô được trao Giải thưởng Charlemagne Quốc tế cho "thông điệp hy vọng và khích lệ" của ông hôm thứ Sáu tại Vatican.
Trong bài phát biểu nhận giải của mình, Đức Giáo Hoàng kêu gọi châu Âu "xây dựng những cầu nối và phá đổ những bức tường," nơi mà việc là người nhập cư không phải là một tội phạm, mà là "một lời hiệu triệu đại diện cho phẩm giá của mỗi con người."
Mang âm hưởng bài diễn văn nổi tiếng "Tôi có một ước mơ" của nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ Martin Luther King Jr., Đức Giáo Hoàng nêu ra tầm nhìn của ông về một Châu Âu chăm sóc cho trẻ em, thanh niên, người già, và người nghèo và người tàn tật, cũng như "những người mới tới tìm kiếm sự chấp nhận" sau khi họ đã mất tất cả và hết sức cần nơi nương náu.
Đức Giáo Hoàng nói: "Tôi mơ về một Châu Âu thúc đẩy và bảo vệ quyền của tất cả mọi người, không lơ là những nghĩa vụ của mình đối với tất cả mọi người. Tôi mơ về một Châu Âu mà ở đó sẽ không thể nói rằng cam kết của nó đối với nhân quyền là điều không tưởng cuối cùng của mình."
Mượn lời của nhà văn và người sống sót Nạn Diệt chủng Do Thái Holocaust Elie Wiesel, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng Châu Âu cần nhớ lại tiếng nói của những "bậc tiền bối" để không lặp lại những "lỗi lầm của quá khứ."
"Điều gì đã xảy ra với người, hỡi Châu Âu của chủ nghĩa nhân văn và cổ súy nhân quyền, dân chủ và tự do?" ông đặt câu hỏi tu từ. "Điều gì đã xảy ra với người, hỡi Châu Âu, quê hương của những nhà thơ, triết gia, họa sĩ, nhạc sĩ, và những văn nhân hay chữ?"
Vua Felipe của Tây Ban Nha, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, và những nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên minh châu Âu Donald Tusk, Jean-Claude Juncker và Martin Schultz đều tham dự buổi lễ được tổ chức tại Sala Regia bên trong Tông Tòa ở Vatican.
Ông Schultz là người đoạt Giải thưởng Charlemagne năm 2015. Những người từng được trao giải thưởng này bao gồm Winston Churchill, Konrad Adenauer, Henry Kissinger, Vaclav Havel và Bill Clinton.
Giải thưởng Charlemagne được thành phố Aachen của Đức trao hàng năm cho những người đã đóng góp nhiều nhất cho sự hợp nhất của Châu Âu thời hậu chiến.