Your browser doesn’t support HTML5
Tiểu thương tại Mỹ đóng một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế vì cung cấp hơn phân nửa việc làm và đứng đầu trong các ngành nghiên cứu kỹ thuật mới. Trong thông cáo báo chí ngày 24 tháng 4, văn phòng khu vực Washington D.C và vùng phụ cận của Cơ quan Quản trị Tiểu thương Mỹ SBA trích lời bà Linda McMahon, người đứng đầu SBA nói “Hơn một nửa người Mỹ, hoặc làm chủ hay làm việc trong lãnh vực tiểu thương, và ngành này tạo được hai trong số 3 việc làm mới tại Mỹ mỗi năm. Tôi rất hãnh diện về tất cả những người được giải thưởng trong năm nay. Những người này đã làm việc cật lực để phát triển ngành tiểu thương, tạo nên công ăn việc làm của thế kỷ 21, thúc đẩy sáng kiến và gia tăng sự cạnh tranh của nước Mỹ trên toàn thế giới. Thật là một vinh dự trong Tuần lễ Tiểu thương Quốc gia vinh danh và chào mừng việc làm và thành công của họ.”
Theo qui định của SBA doanh thu của tiểu thương tại Mỹ có thể lên đến 100 triệu đô la một năm và có từ 500 nhân viên trở xuống. Do đó đối với cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ thì có lẽ hơn 99% các doanh nghiệp của người Mỹ gốc Việt được xếp vào hạng tiểu thương.
Cũng như mọi năm, năm nay Sở Quản trị Tiểu thương Washington D.C và vùng phụ cận chọn 7 cá nhân xuất sắc để trao giải thưởng gồm có 3 người được trao giải thưởng nhân vật của ngành tiểu thương trong năm, hoạt động tại Washington D.C, Bắc Virginia, Maryland, một người có thành tích xuất sắc trong công tác đấu thầu chính của chính quyền, một người xuất sắc trong các công tác đấu thầu phụ, một người xuất sắc trong chương trình tiểu thương 8 (a) . Đây là một chương trình của chính phủ liên bang nhằm nâng đở các tiểu thương có được hợp đồng của liên bang mà không phải qua thủ tục đấu thầu, và một người nhận phần thưởng đặc biệt do Giám đốc Sở đặt ra. Phần thưởng này có tên là Director’s Legacy Award, giành cho những người có thành tích để lại một di sản quan trọng cho ngành tiểu thương. Ông Đỗ Quang Tỏa Tổng giám đốc BDAG nhận được giải thưởng đặc biệt này sau 23 năm phục vụ ngành tiểu thương.
Ông Đỗ Quang Tỏa giải thích về BDAG:
“BDAG là Business Development Assistant Group tức là Cơ quan Trợ giúp Phát triển Tiểu thương được thành lập vào năm 1993 ở quận Arlington thuộc tiểu bang Virginia. Lúc đó tôi có mở một công ty và một người trong chính quyền Arlington nói với tôi là quý vị là những di dân đến nước Mỹ thế hệ đầu và quí vị đã bắt đầu làm thương mại thành công, tôi xin quý vị giúp đỡ những người khác tới. Những di dân đến nước Mỹ có rất nhiều khả năng, nhưng không biết tiếng Anh, không có vốn liếng, không có nghề để có thể xin việc làm được. Nhiều người rất thích hợp trong công việc mở một cơ sở tiểu thương. Do đó BDAG được thành lập vào năm 1993. Đây là một tổ chức vô vi lợi để giúp di dân đến nước Mỹ thành lập một cơ sở tiểu thương để họ khỏi dựa vào những trợ cấp của chính phủ.”
Ông Tỏa cho biết là khởi đầu ông làm việc với cộng đồng Việt Nam. Khu chợ đầu tiên của người Việt Nam ở vùng Washington D.C nằm ở quận Arlington, là khu Clarendon, với tên gọi là Little Saigon. Ông Tỏa kể lại chuyện thành công của một gia đình tị nạn Việt Nam tại đây:
“Một gia đình qua đây với 4 đứa con, tuổi từ 10 đến 16, nếu làm việc với mức lương tối thiểu thì không đủ nuôi gia đình. Tuy nhiên ông gom góp tiền bạc mượn thêm tiền của gia đình mở một quán rất nhỏ thôi, chỉ có vài cái bàn, vợ và chồng lo việc nấu ăn, mấy đứa con chỉ chạy bàn. Sau hơn 10 năm đã trở thành một cơ sở thương mại rất thành công.”
Ông Tỏa nói tiếp là dần dần người Việt tại vùng này mở những cơ sở tiểu thương như buôn bán hàng lẻ, gởi hàng về Việt Nam và rầm rộ nhất là sự bành trướng của kỹ nghệ làm móng tay hay làm tóc và theo đánh giá của ông đây là một kỹ nghệ bạc tỉ của Hoa Kỳ và có gần 200.000 người Việt Nam làm việc trong ngành này. Riêng tại tiểu bang Virginia không thôi đã có hơn 1.500 tiệm làm móng tay và 90 đến 95% các tiệm này do người Việt Nam làm chủ.
Ông Tỏa cho biết thêm là công tác phát triển tiểu thương rất thành công và đã được nhiều cơ quan từ địa phương, tiểu bang cho tới liên bang công nhận đó là một cách giúp di dân đến nước Mỹ độc lập về kinh tế. Hiện BDAG đã mở rộng tầm hoạt động trợ giúp các sắc tộc khác như người Hàn quốc, người Trung Quốc và gần đây nhất là những người nói tiếng Tây Ban Nha, gốc Châu Mỹ La Tinh chiếm đến 50% tổng số các cơ sở tiểu thương BDAG giúp.
Ông Tỏa chia sẻ về những thành quả đạt được trong 10 năm qua:
“Chúng tôi giúp 13.155 người, mở được 563 cơ sở tiểu thương, tạo ra hơn 752 công việc làm. Hiện giờ chúng tôi cũng giúp người da trắng, người da đen và không giới hạn trong giới di dân nữa.”
Với những thành tựu như vậy trong những năm qua ông nhận được nhiều giải thưởng kể cả giải thưởng nhân quyền của quận Fairfax. Ông giải thích về giải thưởng này.
“Chúng tôi thấy cho đến khi mọi người có cơm no áo ấm, có tiền có bạc thì lúc đó chúng ta mới thực sự có đầy đủ những quyền lợi, chúng ta mới có tiếng nói, ngay cả ở xứ Hoa Kỳ này cũng vậy. Nếu chúng ta quá nghèo, đi làm quá cực khổ thì thực sự chúng ta không có thì giờ để hưởng tất cả những gì nước Mỹ tự do cung cấp. Tôi nghĩ ở Mỹ vấn đề kinh tế rất quan trọng chẳng hạn như chúng ta thấy có kỳ thị chủng tộc, chống người này, chống người kia, thực sự bắt nguồn từ vấn đề kinh tế. Khi kinh tế khó khăn, công việc khó khăn thì có nhiều người bản xứ nói rằng di dân đến đây lấy công việc của họ. Thực sự họ không kỳ thị về màu da đâu. Họ kỳ thị vì họ nghĩ di dân đến đây lấy hết công việc của họ.”
Ông Tỏa nói về cách thức BDAG giúp đỡ di dân:
“Chúng tôi có làm ra một số tài liệu về tiểu thương và chúng tôi tóm gọn lại muốn mở một cơ sở thương mại tại Hoa Kỳ thì chỉ cần có 5 bước thôi. Khi một người đến cơ sở chúng tôi thì câu đầu tiên chúng tôi hỏi là quý vị muốn mở một cơ sở thương mại để làm gì. Đó là một điều rất quan trọng. Câu hỏi thứ nhì quí vị muốn mở một cơ sở thương mại, như tiệm làm móng tay chẳng hạn, dưới hình thức pháp lý nào như mở công ty, tự mình làm chủ hay hùn hạp. Sau đó đến tìm địa điểm, vay vốn ngân hàng và quan trọng nhất là vấn đề tiếp thị.”
Tuy nhiên không phải dễ dàng thành công trong việc mở các cơ sở tiểu thương. Ông Tỏa cho biết trong số 100 người đến BDAG để được giúp đỡ thì chỉ có 10 người làm qua các thủ tục tức là 5 bước được chỉ dẫn để mở những cơ sở tiểu thương. Những cơ sở tiểu thương của di dân rất có nhiều cơ hội thành công hơn người bản xứ vì thứ nhất là di dân không mượn tiền được nên vốn liếng là vay mượn bà con bạn bè, nhân lực dùng những người trong nhà nên sở phí điều hành cơ sở rất thấp nên họ chịu được dù có ế năm ba tháng họ vẫn sống như thường. Trong số 10 người mở cơ sở tiểu thương thì 80% sống sót sau một năm.
Ông Antonio Doss giám đốc văn phòng khu vực Washington D.C và vùng phụ cận của SBA trong buổi phát giải thưởng cho biết là sở dĩ ông đề nghị ông Tỏa được giải Director’s Legacy Award vì qua một quá trình làm việc rất lâu dài và bền bỉ giúp các cơ sở tiểu thương phát triển, từ một cơ sở nhỏ nhất một hai nhân viên cho đến nhiều hãng BDAG đã giúp trong nhiều năm, nay đã trở thành những hãng trung bình có một hai chục nhân viên.
Ông Đỗ Quang Tỏa, một mình vượt biển sang Thái Lan vào năm 1980 sau khi Cộng sản Bắc Việt chiếm được miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông bị tù một thời gian tại miền Nam vì là công chức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa sau khi tốt nghiệp Cao học 8 trường Quốc Gia Hành chánh năm 1974. Sau đó ông bảo lãnh vợ và hai con trai sang Mỹ vào tháng 12 năm 1987.