Chị tôi là một bác sĩ gia đình. Thời trung học tại Úc, những môn chị học là toán (hai môn toán khác nhau), lý, hóa, Anh ngữ và Việt ngữ. Thời đó nó được xem là Gói Việt Nam (Vietnamese package), vì hầu như đại đa số sinh viên Việt Nam thuộc thế hệ một rưỡi đều chọn các môn này là chính. Thế hệ thứ hai và ba hiển nhiên là khác đi nhiều.
Con út của chị năm nay học lớp 10. Cách đây ba năm, bé Út có vẻ thích môn triết học. Chị tôi lo lắng không biết học triết có làm cho bé Út suy tư, sầu não quá không. Nghe chị tâm sự, tôi trấn an rằng hãy khuyến khích bé học những gì bé thích. Không thích thì không thể tồn tại lâu dài được. Năm năm, mười năm, hai chục năm đi nữa, nếu cố gắng thì cũng có thể chịu đựng được. Nhưng chịu đựng cả đời là điều không thể và không nên. Nếu có thành công thì cũng sẽ rất giới hạn. Hơn nữa, niềm đam mê của con chứ đâu phải của mình. Tại sao bắt bé học những gì mình thích, hoặc không học những gì mình không thích. Nó không những vô lý mà còn phản tác dụng.
Bí quyết thành công cũng đa dạng, nhưng có những điểm chính căn bản. Theo Carolyn Rubenstein thì ba yếu tố chính quyết định [1]. Một, phải biết mình muốn gì trước hết, sau đó mới là làm thế nào (Herman Cain có châm ngôn hay: Thành công không phải là chìa khóa đến hạnh phúc. Hạnh phúc là chìa khóa thành công. Nếu một người thích những gì mình đang làm, họ sẽ thành công). Hai, có can đảm để xác định lại “làm thế nào”. Lắng nghe, học hỏi kiến thức và kinh nghiệm của người khác là cần thiết, nhưng can đảm vượt rào, phá bỏ những khuôn khổ và mô thức không còn thích hợp, để tìm cách riêng của mình. Ba, chọn tinh thần kiên trì. Calvin Coolidge, tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ biện luận rằng: “Không có gì trên thế gian này có thể thay thế sự kiên trì. Tài năng sẽ không; không có gì phổ biến hơn những con người tài năng nhưng không thành công. Thiên tài sẽ không; thiên tài không được thưởng gần như là câu tục ngữ. Giáo dục sẽ không; thế giới này đầy những người vô chủ được giáo dục. Chỉ sự kiên trì và quyết tâm là toàn năng. Khẩu hiệu "Tiếp tục hành động" đã giải quyết và luôn luôn giải quyết các vấn đề của loài người.” Tóm lại, ai cũng có lúc này lúc kia, lúc đầy tinh thần và có lúc cạn kiệt, lúc thành công lúc thất bại, nhưng quyết tâm và kiên trì là yếu tố quyết định.
Paula Davis-Laack cũng có những nhận định tương tự, nhất là khi chia sẻ kinh nghiệm riêng của mình [2]. Một, thất bại là điều bình thường, là cơ hội để học hỏi, không phải để cảm thấy xấu hổ hay đổ lỗi. Hai, phát huy não trạng phát triển. Thất bại là điều không thể tránh khỏi, nhất là khi thử nghiệm những điều mới, nhưng chăm chỉ và học hỏi không ngừng sẽ giúp phát huy não phát triển. Ngoài ra, điều quan trọng để phát huy não phát triển là cách đánh giá, khen thưởng học sinh, trẻ con và nhân viên của mình [3]. Carol Dweck là một chuyên gia nghiên cứu về khoa học thần kinh và sự khám phá chân lý này đã thay đổi sâu sắc triết lý và phương thức giáo dục tại các quốc gia văn minh tiến bộ, nhất là qua tác phẩm chuyên về não trạng [4]. Nhưng quan trọng nhất là sự can đảm duy trì niềm đam mê và quyết tâm (tiếng Anh là grit), bởi nó tiên đoán gần như chính xác các mức độ thành công nhất tại học đường và tại công sở.
Qua lý thuyết tìm hiểu và kinh nghiệm từng trãi, tôi cũng đồng ý với các ý niệm trên. Nhưng tôi xin tóm gọn vào bốn yếu tố chính sau đây. Niềm đam mê (passion), chăm chỉ/quyết tâm (hard work/determination), có phương pháp (methodical) và kiên trì (resilience) sẽ giúp một người đạt được những thành công vượt bực, kể cả tột đỉnh.
Niềm đam mê của mỗi người mỗi khác. Bé Út con chị tôi đã thi đậu vào trường tuyển bốn năm trước, và được học bổng toàn bộ bốn năm qua. Năm ngoái bé Út đứng đầu trường về thi hùng biện/tranh luận. Năm nay, cách đây chỉ một tuần, bé cho tôi hay bé đã quyết định chọn hoàn toàn ngành nhân văn, các môn học triết học, xã hội học, ngôn ngữ học v.v… cho hai năm 11 và 12. Không có môn toán lý hóa nào trong này. Chị tôi giờ này hết phản đối rồi. Nhưng bé Út hỏi tôi nghĩ sao? Tôi chỉ ôm cháu vào lòng và nói “Cậu không ngạc nhiên. Con là người hiểu chuyện, và biết rõ mình muốn gì. Con quyết định như thế thì cậu rất tôn trọng và hãnh diện về con”. Tôi tin chắc rằng cháu tôi sẽ tiến rất xa với tư duy này.
Đại học là nơi không chỉ truyền kiến thức mà còn là nơi để sinh viên khám phá ra những chân trời mới, và thách thức những giả quyết sẵn có. Không có tư duy đó thì sẽ không có khám phá mới và không có tiến bộ. Triết học là một trong những môn quan trọng nhất trong kinh tế học, chính trị học, xã hội học, tâm lý học, hay nói chung là nền giáo dục cấp tiến (liberal arts/studies/education). Đối với kinh nghiệm của riêng tôi, khi trở lại học triết học, nó thách thức toàn bộ suy nghĩ của mình trước đây, những hành trang và vốn liếng mang từ Việt Nam sang. Nếu có được những phương pháp suy nghĩ này trước khi vào đại học mấy chục năm về trước, chắc chắn nó đã giúp tôi rất nhiều. Nhưng thôi, thà trễ trong nhận thức nhưng biết thức tỉnh còn hơn không!
Trường MacRobertson là một trong những trường trung học nổi tiếng nhất tại Melbourne, Úc châu, năm nào cũng chiếm vị trí đầu bảng, nhất nhì ba hoặc thấp nhất là bốn, về điểm thi phổ thông của học sinh lớp 12. Các em từ lớp 9 đã được tiếp cận với các môn địa lý và lịch sử, và có thể chọn môn học kinh doanh hoặc triết học, nếu muốn. Các bạn có thể đi chuyên và sâu hơn khi lên lớp 10, 11, 12. Môn Triết học Tây phương dạy từ thời cổ Hy Lạp cho đến thời cận đại, qua đó các học sinh phải tập làm việc đồng đội, trình bày qua đối đáp và luận văn. Triết học cũng là môn cốt lõi của đại học Harvard, như có trình bày trong bài trước, trong các bộ môn nghệ thuật cấp tiếp.
Xã hội học, tâm lý học, lịch sử… và nhất là triết học, cũng là các môn bắt buộc tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ West Point. West Point từng đào tạo những tướng lãnh thời chiến và sau đó tổng thống thời bình nổi tiếng như Ulysses Grant (Nội chiến Hoa Kỳ thời Abraham Lincoln) and Dwight Eisenhower (Thế Chiến II thời Franklin Delano Roosevelt), cũng như tướng Douglass MacArthur, tướng George Patton v.v… [5]. Nhưng không chỉ trong quân sự mà còn là lãnh đạo trong mọi địa hạt. Ở đó, với nền giáo dục cấp tiến, những người trẻ được đào tạo kỹ năng và trau dồi khả năng suy nghĩ tổng quát, biết về văn hóa và con người, hiểu về lịch sử và tâm lý, không chỉ trong xã hội mình mà còn bao xã hội và văn hóa mà họ sẽ hoạt động. Cách đào tạo này giúp họ trở thành những người có suy nghĩ nhanh nhẹn và thích nghi, để có thể giải quyết các vấn đề phức tạp, đa nguyên và luôn thay đổi.
Tóm lại, nền giáo dục cấp tiến đào tạo lãnh đạo, trong quân đội, chính trị và mọi địa hạt. Nó không phải đào tạo ra những người nghe và làm theo người khác mà là những người có thể thuyết phục người khác nghe và làm theo mình.
Những kỹ năng và khả năng này rất cần thiết cho thời đại thay đổi nhanh chóng, phức tạp và lắm cạm bẫy hôm nay, với đầy những tin giả và những thủ thuật trí trá. Nó giúp cho mọi người suy nghĩ kỹ lưỡng, chín chắn, biết giải quyết vấn đề, có khả năng truyền thông bằng nói và viết, và biết áp dụng kiến thức vào thực tế [6].
Cách đây ba năm, tôi có viết bài “Tự do học thuật: bí quyết thành công của giáo dục Úc” trên tạp chí Luật Khoa [7]. Sau khi tôi theo dõi một chương trình trên đài phát thanh, tôi nhận ra rằng phần lớn người Úc hiện nay, lớn cũng như trẻ, có lẽ không biết làm toán chia dài (long division). Nhưng điều đó không quan trọng. Thời đại công nghệ bốn này, máy móc có thể làm giỏi, nhanh và phức tạp hơn các thứ này rất nhiều. Tuy nhiên phần lớn người Úc, từ người có học vị cao đến người không có bằng cấp gì cả mà tôi biết (kể cả cựu thủ tướng Úc Paul Keating không có bằng cấp nào cả), đều theo dõi và nắm khá vững vấn đề thời sự và hiểu rất rõ quyền lợi của mình. Bởi vì họ đã có nền tảng căn bản, ngay từ thời tiểu học và trung học. Học sinh được khuyến khích và đào tạo để có suy nghĩ phóng khoáng và độc lập, từ đó xây dựng nền tảng để phân tích và xây dựng các lập luận hợp lý và chặt chẽ cho mọi vấn đề đối diện.
Nền giáo dục khai phóng cấp tiến cũng là con đường tốt nhất để người dân khắp nơi hiểu rõ bổn phận, trách nhiệm và phương thức bảo vệ mình và xã hội. Các chế độ và thế lực cường quyền và độc tài tất nhiên sẽ tìm mọi cách cản trở hành trình tri thức này. Họ hoàn toàn không muốn công dân của mình có kiến thức cao, hay sở hữu các khả năng và kỹ năng này. Điều này không có gì ngạc nhiên. Như trường hợp Hồng Kông, những người trẻ mạnh dạn đứng lên bày tỏ quan điểm và ước mong của mình, nhưng Bắc Kinh hoàn toàn không muốn thế. Nhưng những ai muốn học hỏi và tiến thân thì luôn luôn có cách. Vấn đề còn lại là cung và cầu: làm sao khuyến khích càng nhiều người tại Việt Nam học hỏi phương thức đúng đắn để giành lấy tự do cho mình và cho xã hội mình đang sống (chỉ khi nào toàn xã hội được bảo đảm thì quyền của mỗi cá nhân mới được đảm bảo); và làm sao những người quan tâm có sáng kiến và nỗ lực để tạo điều kiện và đáp ứng được nhu cầu lớn lao và bức thiết này.
Tài liệu tham khảo:
1. Carolyn L Rubenstein, “3 Essential Ingredients for Creating Unconventional Success”, Psychology Today, 7 October 2010.
2. Paula Davis-Laack, “Grit: The Secret Ingredient to Success”, Psychology Today, 25 August 2014.
3. Xin đọc “Decades of Scientific Research that Started a Growth Mindset Revolution”, Mindset Works, accessed on 15 September 2019;
4. Hai tác phẩm khác của Carol Dweck: Dweck, C. S. (2006). Mindset: The new psychology of success. New York: Random House; và Dweck, C. S. (2012). Mindset: How you can fulfill your potential. Constable & Robinson Limited.
5. David Spungin, “10 Leadership Lessons I Learned at West Point”, Accessed on 15 September 2019.
6. Jon Marcus, “The Unexpected Schools Championing the Liberal Arts”, The Atlantic, 15 October 2015.
7. Phạm Phú Khải, “Tự do học thuật – bí quyết thành công của giáo dục Úc”, Tạp chí Luật Khoa, 21 December 2016.