Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo phận Vinh vừa ra thông cáo lên án chính quyền Việt Nam sử dụng bạo lực để ngăn chặn những người nộp đơn khiếu kiện Formosa, công ty đã gây ra ô nhiễm môi trường ở các vùng duyên hải miền Trung khiến người dân mất nguồn sinh kế.
Thông báo đăng trên website của Giáo phận Vinh ngày 17/2 tố cáo chính quyền tỉnh Nghệ An là “ngăn cản một cách thô bạo” người dân đi nộp đơn kiện Formosa bằng một loạt hành động như: cấm các chủ phương tiện vận tải công cộng chở đoàn người khởi kiện, cho lực lượng công an bố ráp, đánh đập và gây thương tích hàng chục người, trong đó có Linh mục Nguyễn Đình Thục, người dẫn đầu đoàn, và bắt giữ các phóng viên tự do đi tường thuật sự kiện này.
Hôm 14/2, hàng trăm người dân từ 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ tỉnh Nghệ An, đã phải đi bộ 200 km để nộp đơn kiện Formosa, sau khi các chủ xe của họ bị gây khó dễ. Khi đến xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, đoàn người đã bị tấn công “tàn nhẫn”, theo lời các nạn nhân thì nhiều người “sống dở chết dở”, phải đưa đi cấp cứu. Lm. Nguyễn Đình Thục cho VOA biết:
“Họ bắt người và họ đánh đập một cách tàn nhẫn. Có người gãy 4, 5 chiếc răng cửa, có người rách đầu, rách mặt… Không thể tưởng tượng được sự tàn ác của công an Việt Nam, an ninh và cảnh sát cơ động. Nó độc ác đến mức độ như thế. Không biết nó có phải người hay không nữa mà nó đánh đập người ta tàn nhẫn như thế, trong khi người ta không có một vũ khí nào để chống lại”.
Trong khi truyền thông “lề trái” và cư dân mạng liên tục cập nhật tình hình hôm 14/2, truyền thông chính thống Việt Nam gần như không đưa tin gì trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Chỉ sau khi xảy ra vụ tấn công, một số báo nhà nước nói Lm. Nguyễn Đình Thục đã kích động giáo dân tấn công lực lượng an ninh và tổ chức bạo loạn. Giáo phận Vinh nói đây là lời “vu khống một cách trơ trẽn, vi phạm đến quyền con người và quyền công dân Việt Nam”.
Trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, so sánh cách đưa tin của một cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài. Ông Nguyễn Anh Tuấn viết:
“Rõ ràng, khác với VNExpress chỉ phản ánh nhãn quan chính quyền, Reuters đã cho tất cả các bên liên quan có cơ hội nói tiếng nói của mình về sự kiện, giúp người đọc có một hình dung toàn diện về những gì đã xảy ra. Sự khác biệt này lại càng khó chấp nhận khi mà khác với Reuters, VNExpress có nhiều phóng viên ở trong nước rất dễ tiếp cận các bên liên quan, bao gồm cả Linh mục Thục”.
Thông cáo của Giáo phận Vinh kêu gọi các cá nhân, tổ chức yêu chuộng tự do, công lý và hòa bình lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân Formosa.
Ô nhiễm môi trường vùng biển miền Trung bắt đầu diễn ra từ tháng {4/2016. Sau khi tập đoàn thép Đài Loan Formosa thừa nhận các ống xả thải đã gây ra ra thảm họa môi trường, chính quyền Việt Nam và Formosa đã thỏa thuận đền bù 500 triệu đôla cho người dân bị thiệt hại ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, nhiều người dân ở tỉnh Nghệ An nói họ cũng là những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp, bị mất kế sinh nhai trong gần 1 năm qua, nên yêu cầu được bồi thường. Một số linh mục ở tỉnh Nghệ An đã giúp đỡ về mặt pháp lý cho người dân bằng cách thống kê thiệt hại và gửi hồ sơ lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên sau nhiều tháng gửi đơn, người dân vẫn không nhận được phản hồi từ nhà chức trách nên đã quyết định đến tòa án ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nơi Formosa hoạt động, để gửi đơn kiện.
Your browser doesn’t support HTML5