Một số công ty khởi nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam đang thu hút đầu tư từ một số công ty đầu tư mạo hiểm. Những công ty này tính toán rằng nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, môi trường đầu tư đang cải thiện và lực lượng lao động tương đối rẻ của Việt Nam sẽ có nghĩa là một tương lai mang lại lợi nhuận.
Lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đã thu hút sự chú ý tích cực bằng việc tạo ra một ứng dụng trò chơi phổ biến được gọi là "Flappy Birds," và Việt Nam là nơi đặt chi nhánh của những công ty công nghệ lớn của nước ngoài trong một khoảng thời gian. Lực lượng lao động của Việt Nam rẻ hơn so với Trung Quốc và có nhiều người có kỹ năng tin học và toán học.
Một trong những nhà đầu tư là "500 Startups," có kế hoạch đổ khoảng 10 triệu đôla khắp 100 công ty non trẻ hoặc nhiều hơn. Đối tác Eddie Thai của 500 Startups cho VOA biết rằng việc sử dụng Internet và điện thoại di động gia tăng và một thế hệ ngày càng đông đảo những doanh nhân định hướng công nghệ đã đạt được nhiều tiến bộ.
Anh nói rằng một số "sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh đã thành công ở nơi khác cần được bản địa hóa cho Việt Nam." Đó là một quá trình được hỗ trợ bởi những doanh nhân địa phương "hiểu rõ một vấn đề riêng biệt của Việt Nam hoặc một vấn đề của thị trường đang trỗi dậy mà chưa được giải quyết bởi những doanh nhân công nghệ chẳng hạn như ở San Francisco hay London, Tel Aviv."
Eddie Thai là một người Mỹ gốc Việt. Anh kết hợp giáo dục nước ngoài và kinh nghiệm với sự hiểu biết về thị trường Việt Nam và là một trong một số ít những người Việt Nam ở nước ngoài đang đầu tư vào quê hương nguồn cội. Eddie Thai cho biết chuyên môn từ nước ngoài có thể có ích vào lúc này vì Việt Nam đang ở "điểm hệ trọng." Anh nói Việt Nam đã có những bước đi dễ dàng nhất và hiển nhiên nhất đối với tăng trưởng và sẽ phải làm những việc phức tạp và khó khăn hơn để tiếp tục nới rộng bước tiến mạnh mẽ.
Một chuyên gia về sự phát triển của Việt Nam nói rằng Việt Nam là một nền kinh tế đang trỗi dậy và không phải là một nơi đặc biệt tốt cho những công ty khởi nghiệp phát triển. Trong một cuộc phỏng vấn qua Skype, Giáo sư Trần Ngọc Anh giảng dạy tại Đại học Indiana nói rằng những công ty khởi nghiệp nhận được rất nhiều sự chú ý từ những quan chức chính phủ, những nhà đầu tư và những học giả nhưng bị cản trở bởi cơ sở hạ tầng yếu kém, tình trạng tham nhũng và việc thiếu đào tạo cho một số người lao động ở Việt Nam.
Giáo sư Trần Ngọc Anh nói rằng những công ty khởi ngiệp thường phải nghĩ ra một phương thức mới đối với "công nghệ hoặc quản lý hoặc tiếp thị để có thể thành công." Ông nói rằng Việt Nam "không phải đang đi đầu" trong những lĩnh vực này. Ông nói rằng những công ty đã xác lập vị thế dễ thành công hơn với "vốn và khả năng kỹ thuật" cải biên "công nghệ hiện hành từ một nước tiên tiến hơn."
Nhưng ông cũng cho biết Việt Nam hưởng lợi từ một môi trường chính trị ổn định và một lực lượng lao động làm việc chăm chỉ, "rất có tinh thần sáng nghiệp."
Lực lượng lao động đó sẽ hưởng lợi từ sự thành công của những công ty vừa và nhỏ, theo ông Kim Eng Tan, giám đốc cao cấp của cơ quan Đánh giá Tín dụng Toàn cầu S&P ở Singapore. Ông Tan nói với VOA rằng những công ty nhỏ hơn có xu hướng sử dụng ít vốn hơn những công ty đa quốc gia khổng lồ, làm cho họ trở thành một nguồn cung cấp công ăn việc làm đặc biệt tốt.