Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ đang lo ngại về việc Anh có thể rút ra khỏi Liên hiệp Châu Âu. Theo tường thuật của thông tín viên Anjana Pasricha của đài VOA tại New Dehli, sở dĩ có sự lo ngại như vậy là vì lâu nay Anh là cửa ngõ tiến vào Châu Âu của các công ty Ấn Độ.
Orient Craft, một công ty Ấn Độ chuyên cung cấp hàng hoá cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ ở Anh như Marks và Spencer, cho biết họ hết sức lo lắng về cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 6 tới đây, khi cử tri Anh quyết định có rút khỏi Liên hiệp Châu Âu hay không.
Gần một phần ba số quần áo mà công ty này xuất khẩu là bán sang Anh và Châu Âu.
Nhiều công ty khác ở Ấn Độ cũng bày tỏ những mối quan tâm tương tự về cuộc đầu phiếu sắp tới.
Ông Sudhir Dhingra, chủ tịch công ty Orient Craft, nói rằng ông cảm thấy lo lắng mặc dù thị trường Anh rất nhỏ so với phần còn lại của Châu Âu.
Ông Dhingra cho biết: "Tôi cảm thấy một cách rất chắc chắn là công việc làm ăn của chúng tôi ở Anh sẽ sút giảm và các khách hàng của chúng tôi, những công ty đang có những thị phần khá lớn, cũng sẽ bị thiệt hại, và nếu họ bị thiệt hại, chúng tôi cũng sẽ bị thiệt hại. Do đó, tôi rất lo lắng".
Vì những mối liên hệ lịch sử sâu đậm giữa hai nước, Anh đã là cửa ngõ vào Châu Âu cho các công ty Ấn Độ trong nhiều thập niên nay.
Ông Dhingra nói London là "địa điểm số một" cho những ai muốn lập văn phòng hay mở công ty ở Châu Âu. Ông cho biết: "Thành phố này rõ ràng là có rất nhiều lợi thế như luật pháp, hệ thống tư pháp, thuế khoá, và nhất là ngôn ngữ".
Trong những năm gần đây, nền kinh tế phát triển nhanh chóng của Ấn Độ đã giúp cho các tài phiệt của nước này có nhiều tiền hơn, trong lúc họ gia tăng các khoản đầu tư ở Anh, làm cho Ấn Độ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn hàng thứ ba, sau Hoa Kỳ và Pháp. Trong năm 2014, đầu tư của Ấn Độ ở Anh đã tăng 64%.
Liên hiệp Các phòng Thương mại và Kỹ nghệ Ấn Độ cảnh báo rằng dòng chảy của những khoản đầu tư này sẽ bị thiệt hại nếu nước Anh quyết định rời khỏi Liên hiệp Châu Âu vì điều đó tạo ra sự bất an cho doanh nghiệp Ấn Độ.
Ông Gurcharan Das, một cựu doanh nghiệp Ấn Độ, tán đồng nhận định đó. Ông Das nói: "Một trong những yếu tố hấp dẫn của việc đầu tư ở Anh là chúng ta sẽ có được cả thị trường Châu Âu. Nếu Anh rút khỏi Liên hiệp Châu Âu, con đường dẫn tới phần còn lại của Châu Âu sẽ trở nên ít rõ ràng hơn".
Khoảng 800 công ty Ấn Độ đang hoạt động ở Anh. Sự hiện diện lớn nhất là Tập đoàn Tatas, hiện làm chủ công ty sản xuất xe hơi Jaguar Land Rover, công ty Trà Tetley và một công ty thép đang thua lỗ mà họ đang rao bán. Các chuyên gia ước tính các công ty Ấn Độ ở Anh giúp tạo ra 110.000 công ăn việc làm ở nước này.
Khi đến thăm London hồi tháng 11 năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với Quốc hội Anh rằng Ấn Độ đầu tư vào Anh nhiều hơn phần còn lại của Liên hiệp Châu Âu.
Bà Arpita Mukherjee, một nhà phân tích của Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế Ấn Độ, cho biết một trong các lợi thế chính mà các công ty Ấn Độ có công ty con ở Anh được hưởng là những hiệp định thương mại tự do mà Liên hiệp Châu Âu đã ký kết với nhiều nước trên thế giới.
Bà Mukerjee nhận định: "Nếu Anh rút khỏi Liên hiệp Châu Âu, thì Anh cũng sẽ không có được tất cả những lợi ích mà những hiệp định thương mại này mang lại cho các nước khác. Vì thế cho nên các công ty này thật sự cần nghĩ lại những chiến lược của mình".
Trong lúc các công ty lớn của Ấn Độ -- những công ty dùng Anh như một chiếc cầu đi vào Châu Âu, cảm thấy lo ngại về việc Anh rút khỏi Liên hiệp Châu Âu, nhiều công ty nhỏ của Ấn Độ đặt trụ sở ở Anh và bán sản phẩm của họ trên thị trường nội địa của Anh tin rằng họ sẽ được hưởng lợi.
Bà Arpita Mukherjee giải thích: "Họ muốn thị trường khép kín, ít có cạnh tranh. Chiến lược của họ là như vậy".
Cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng 6.