Trong lúc đà sát thương của biến thể Delta giảm dần tại nhiều nơi trên thế giới, các nhà khoa học đang tính toán xem khi nào và nơi nào đại dịch COVID sẽ giảm cấp chỉ còn là một bệnh dịch.
Các chuyên gia dự kiến những nước đầu tiên thoát đại dịch sẽ là những nước có một số yếu tố phối hợp giữa tỉ lệ tiêm chủng cao và miễn dịch tự nhiên nơi những người đã hồi phục từ COVID như Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha và Ấn Độ. Tuy nhiên, họ cảnh báo SARS-CoV-2 vẫn là một virus khó lường đang đột biến trong lúc lây lan giữa những người chưa chích ngừa.
Không ai loại trừ khả năng về “kịch bản tận thế,” khi mà virus biến thể tới mức vượt qua được sự miễn dịch mà khó khăn lắm loài người mới có được. Tuy nhiên, các nhà khoa học ngày càng tin tưởng rằng nhiều nước trong những năm tới sẽ bỏ lại đại dịch sau lưng.
“Chúng tôi nghĩ là từ nay cho đến cuối năm 2022 là điểm chúng ta kiểm soát được virus này…có thể giảm đáng kể bệnh nặng và tử vong,” bà Maria Van Kerkhove, một nhà dịch tễ học đứng đầu toán đáp ứng COVID của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với Reuters.
Quan điểm của WHO căn cứ vào việc cộng tác với các chuyên gia đang lập biểu đồ về khả năng đường đi của đại dịch trong 18 tháng tới. WHO nhắm tiêm chủng cho 70% dân số thế giới trước cuối năm sau.
Bà Van Kerkhove đồng thời cũng quan ngại về việc các nước gỡ bỏ những biện pháp giãn cách quá sớm.
Các ca nhiễm COVID và tử vong đã sụt giảm kể từ tháng 8 tại hầu hết các khu vực trên thế giới, theo phúc trình của WHO ngày 26/10.
Châu Âu là một ngoại lệ, với biến thể Delta gây thêm tác hại mới tại nhiều nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp như Nga và Romania cũng như những nơi gỡ bỏ yêu cầu mang khẩu trang. Biến thể Delta cũng góp phần làm cho số ca nhiễm gia tăng tại những nước như Singapore và Trung Quốc, là những nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng miễn dịch tự nhiên thấp vì các biện pháp phong tỏa gắt gao.
Một số chuyên gia nói họ hy vọng đợt Delta tại Mỹ sẽ kết thúc trong tháng 11 này, và đây cũng là đợt bùng phát lớn cuối cùng.
Thậm chí những nơi có số ca đang tăng mạnh vì gỡ bỏ những quy định, chẳng hạn như Anh, vaccine dường như giúp cho nhiều người khỏi phải nhập viện.
Nhà dịch tễ học Neil Ferguson thuộc Đại học Hoàng gia London nói đối với nước Anh, “tầm vóc của đại dịch khẩn cấp hiện đã ở phía sau chúng ta.”
‘Một sự tiến hóa dần dần’
COVID-19 vẫn được xem là một yếu tố chính góp phần gây bệnh và tử vong trong nhiều năm nữa, giống như các dịch bệnh khác, chẳng hạn như sốt rét.
Một số chuyên gia cho rằng virus corona cuối cùng sẽ như bệnh thủy đậu, vốn vẫn gây ra các đợt bùng phát tại những nơi có tiêm chủng thấp.
Những người khác xem COVID-19 đang trở thành bệnh đường hô hấp theo mùa như cúm. Hoặc, virus có thể trở nên ít sát thương hơn, ảnh hưởng chủ yếu nơi trẻ em, nhưng điều này có thể phải mất nhiều chục năm nữa, theo một số chuyên gia.
Ông Ferguson ở Đại học Hoàng gia nghĩ rằng số người chết tại Vương quốc Anh do bệnh hô hấp vì COVID trong hai tới năm năm tới sẽ cao hơn mức trung bình, nhưng ông nói thêm rằng việc này không thể làm hệ thống y tế quá tải hay đòi hỏi phải tái lập giãn cách xã hội.
Ông Trevor Bedford, một nhà virus học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson theo dõi tiến hóa của SARS-CoV-2, dự báo một mùa đông dễ chịu hơn tại Mỹ và tiếp sau đó là cuộc chuyển tiếp thành một bệnh dịch trong năm 2022-2023. Ông dự đoán hàng năm sẽ có khoảng 50.000 đến 100.000 người chết vì COVID tại Mỹ, ngoài 30.000 người chết vì cúm hàng năm.
Virus corona sẽ có thể tiếp tục đột biến, đòi hỏi phải chích vaccine tăng cường hàng năm dựa trên biến thể luân lưu mới nhất, ông Bedford nói.
Nếu kịch bản về COVID theo mùa là đúng, nghĩa là virus luân lưu đồng thời với cúm, thì các chuyên gia dự kiến sẽ có tác động đáng kể lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ông Richard Hatchett, giám đốc điều hành của Liên minh Sáng kiến Chuẩn bị Dịch bệnh, cho rằng khi một số nước được bảo vệ bởi vaccine trong khi những nước khác không có gì cả thì thế giới vẫn còn dễ bị tổn thương.