Ông T. Trương hỏi:
"Thưa Bác sĩ,
Tôi nghe nói phải trên 50 tuổi mới chích ngừa bệnh giời leo (Shingles-Zona) điều này có đúng không? Khi còn ở Việt Nam trước năm 1975 tôi bị giời leo vào năm 1973 lúc 29 tuổi. Sang Mỹ vào khoảng năm 2009 tôi lại bị một lần nữa. Xin Bác sĩ cho biết bị bệnh rồi có được miễn nhiễm hay không? hoặc nếu bị thì chỉ nhẹ thôi và chích ngừa như thế nào. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa, chữa trị.
Cảm ơn Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Bệnh zona (shingles, herpes zoster)
Bệnh zona là một phát ban (rash) gây đau đớn phát triển ở một bên mặt hoặc một bên (phải hay trái) của cơ thể. Các mụn nước thường đóng vảy trong 7 đến 10 ngày và mất hẳn trong vòng 2 đến 4 tuần. Vài ngày trước khi phát ban xuất hiện, bệnh nhân thường bị đau, ngứa hoặc tê tê ở khu vực đó.
Thông thường nhất, phát ban xảy ra trong một dải duy nhất bao quanh phía bên trái hoặc bên phải của cơ thể. Trong các trường hợp khác, phát ban xảy ra ở một bên của mặt. Bệnh zona trên mặt có thể ảnh hưởng đến mắt (viêm giác mạc, viêm võng mạc) và gây giảm thị lực. Trong những trường hợp hiếm gặp (thường ở những người có hệ miễn dịch yếu), phát ban có thể lan rộng hơn trên cơ thể và trông giống như phát ban thủy đậu (chicken pox).
Các triệu chứng khác của bệnh zona có thể bao gồm
- Sốt
- Nhức đầu
- Ớn lạnh
- Đau dạ dày
Chứng đau thần kinh sau zona (post herpetic neuralgia, PHN)
Bịnh “giời ăn” (zona, shingles, herpes zoster) do siêu vi herpes bịnh trái rạ (thuỷ đậu) gây ra (varicella zoster virus).
Sau khi bịnh trái rạ lành rồi, các virus vẫn tiềm ẩn trong hệ thần kinh người bịnh, dù người đó không có triệu chứng gì cả. Trong một số trường hợp như bị stress, đề kháng cơ thể yếu, virus trái rạ "thức dậy' và sinh ra những mụn nước tụ tập trong một vùng bên phải hoặc bên trái cơ thể (unilateral), và giới hạn trong "lãnh thổ" (dermatome) của một hai sợi rễ thần kinh xuất phát từ tuỷ xương sống.
Ví dụ zona vùng ngực , ngang vú do virus xâm nhập các dây thần kinh tử đốt ngực T3-T4-T5. Vùng bộ phận sinh dục thì S 2-3 (sacral,do sacrum= xương thiêng).
Sau khi bị chứng “dời ăn”, lúc các mụt nước ngoài da đang lành hẳn, dây thần kinh cảm giác dermatome đó vẫn còn có thể bị hư hại, biến đổi, gởi về não bộ những tín hiệu đau đớn gây ra chứng đau thần kinh sau zona (postherpetic neuralgia, PHN), có thể kéo dài rất lâu, có khi suốt đời. Cơ chế chính của bịnh đau này là các thụ thể đau không có myelin (unmyelinated nociceptor) nhạy cảm quá độ, và tạo cảm giác đau đớn đáng kể ngay khi chúng chỉ bị kích thích nhẹ. Ngoài ra cũng còn ảnh hưởng do một số dây thần kinh ức chế cảm giác đau (inhibitory fibers) bị hư hại và tổ chức các tế bào thần kinh bị thay đổi (rewiring, new connection in central pain transmission neurons), do đó nguyên nhân có thể vừa cục bộ (peripheral, ngoại biên) mà cũng có thể ở luôn trên hệ thần kinh trung ương (central). Có những trường hợp bịnh nhân bị đau hậu nhiễm herpes mà không xuất hiện vết san thương (lesions) ngoài da , gọi là zoster sine herpete.
Người dưới bị zona 60 tuổi, chỉ 10% bị đau hậu zona, người trên 60 tuổi đến 60% bị đau hậu zona; tuổi 70 trở lên, 75% sẽ bị đau PHN sau khi bị “dời ăn”. Sau một tháng có chừng 10% bị đau, sau 3 tháng chừng 5% bị đau và sau 1 năm chỉ còn chừng 3% còn bị đau. Thuốc chữa gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật (như gabapentin), thuốc tê như lidocaine (lidocaine), capsaicin.
1) Các kháng sinh chống virus Acyclovir, valacyclovir (Valtrex) và famciclovir là những phương pháp điều trị có hiệu quả đối với herpes zoster và lý tưởng nên được bắt đầu trong vòng 72 giờ sau khi xuất hiện phát ban để giảm thời gian có mặt các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
Có thể kèm theo corticoid để triệu chứng giảm nhanh hơn.
2) Thuốc chống co giật (anticonvulsivant) được dùng để giảm đau trong PHN: gabapentin (Neurontin), pregabalin (Lyrica). Có thể làm buồn ngủ, chóng mặt, gây ra những cử động bất bình thường, có cơ nguy gây té ở người già. Tuy nhiên, ở người già thuốc này có thể an toàn hơn là thuốc chống trầm cảm 3 vòng
3) Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (tricyclic antidepressant) như amitriptyline [Elavil] hay nortriptyline [Pamelor] ức chế kênh sodium. Có thể tác dụng chỉ xuất hiện sau nhiều tuần dùng thuốc phản ứng phụ có thể là áp huyết tụt lúc đứng dậy, tim đập loạn nhịp, mờ mắt, khó tiểu, bón.
4) Thuốc giảm đau loại opioid: vd morphine, methadone, oxycodone, có thể gây nghiện thuốc. Tramadol không phải là ma túy, rất có ích cho PHN, nhưng vẫn có khả năng gây hiện tượng tuỳ thuộc vào thuốc và lạm dụng thuốc.
Kem aspirin (Aspercreme), dầu bạc hà (menthol),thuốc làm lạnh da chứa ethyl chloride (Chloroethane) có thể có ích làm giảm đau.
5) Thuốc dán (patch) chứa thuốc tê (lidocaine [Lidoderm] hay lidocaine + prilocaine [Emla])
6) Thuốc capsaicin trích từ ớt, chỉ dùng sau khi vết thương ngoài da đã lành, các mụt nước đã khô, mày tróc rồi. Người dị ứng với chất này không được dùng. Chỉ giúp ích trong một số trường hợp, những thuốc chứa capsaicin ở nồng độ cao hiệu nghiệm hơn.
Tuy nhiên, chừng một phần ba bịnh nhân bỏ cuộc vì không chịu được rát da.
Capsaicin làm giảm đau bằng cách tác động trên các thụ thể phụ trách cảm giác đau (nocireceptor), làm các thụ thể này sản xuất ra substance P là những neuropeptide phụ trách chuyển (neurotransmitters) những impulses về đau và ngứa từ ngoại biên vào thần kinh trung ương. Capsaicin lúc đầu tạo nên một cảm giác nóng bỏng, tương tự như cảm giác cay trong miệng lúc ăn ớt, mặc dù nhiệt độ tại chỗ không tăng. Sau cảm giác cay/nóng lúc đầu, vùng này mất cảm giác vì các chất P đã bị dùng hết, kiệt quệ, nên lúc đó bịnh nhân không còn thấy đau nữa.
Thuốc capsaicin kem có trên thị trường mua tự do ở Mỹ. Tuy nhiên thuốc mua cần toa (Qutenza patch, 8%, 14x20cm, 179 mg of capsaicin/patch; 640 microgram/cm2 ) hiệu nghiệm hơn và phải được bác sĩ tự tay dán vào sau khi chuẩn bị da bằng thuốc tê thoa vào da. Theo hướng dẫn của hãng thuốc, dán 1-4 miếng, một lần trong 1 giờ, có thể làm giảm đau đến cả 3 tháng. Biến chứng gồm sưng, đỏ , đau chỗ dán, đau đớn nhiều và áp huyết lên cao trong lúc dùng thuốc hay ngay sau đó. Những người áp huyết cao hay có bịnh tim mạch phải cẩn thận.
Ở dạng nước lotion, kem, dạng mỡ thoa, thuốc dán. Thuốc cần thoa 3-4 lần/ ngày, cần mang găng tay để thoa thuốc, và có thể phải dùng đều đặn 6 tuần trở lên mới thật sự đạt được khả năng của thuốc.
6) Kem aspirin (Aspercreme), dầu bạc hà (menthol), thuốc làm lạnh da (skin coolants) chứa ethyl chloride (Chloroethane) có thể có ích làm giảm đau.
7) Những người bị PHN có mức vitamin trong máu thấp hơn trung bình. Dùng nhiều vitamin C hơn có thể có ích làm giảm cơn đau tự phát.
8) TENS: (transcutaneous electric nerve stimulation) : Một dòng điện phát ra từ một máy nhỏ chạy bằng pin kích thích vùng da đau theo tần số và cường độ điều chỉnh được, có lẽ vì những xung động (impulses) làm át đi các tín hiệu về đau được gởi về bộ óc,. Đồng thời người ta cũng giả thuyết là TENS làm bộ óc sản xuất thêm chất endorphin làm giảm đau.
9) Phẫu thuật: (Nếu mọi cách chữa trị khác không có kết quả, tuy nhiên vẫn không hiệu nghiệm lắm)
- DREZ (dorsal root entry zone lesions): Bác sĩ giải phẫu cắt xương lamina phía sau cột sống, dùng sức nóng điện cực 'đốt' chỗ dây rễ thần kinh đi vào tủy sống, kết quả không khả quan lắm trong những trường hợp đau hậu zona (Friedman A.H., Bullitt E.)
- Chích corticoid trong không gian trên màng cứng của tủy sống (epidural corticosteroid injection)
- Nerve block (block truyền dẫn dây thần kinh)
Zona tái hồi (recurrent zoster, recurrent shingles)
Đối với người từng bị bịnh trái rạ, một phần ba (⅓) sẽ bị zona một lần trong đời, và tuổi càng cao thì cơ nguy mắc zona càng nhiều. Trong số này chừng 1/3 sẽ mắc zona lần thứ 2. Không có số liệu về zona tái hồi lần thứ 3. Những người bị đau hậu zona hơn một tháng, cơ nguy zona tái hồi càng cao.Trước đây người ta tưởng chỉ có những người có hệ miễn nhiễm yếu kém mới bị zona tái hồi, tuy nhiên một nghiên cứu hàng ngàn người mắc zona cho thấy người không có vấn đề với hệ miễn nhiễm vẫn mắc chứng zona tái hồi như thường.
Một số bác sĩ chuyên về vấn đề này cho biết zona tái hồi rất hiếm; sau một đợt zona cơ thể người bịnh được gia tăng miễn nhiễm với bịnh này ít lắm trong vài năm và triệu chứng lần sau thường nhẹ hơn (cell mediated immunity). Phần lớn trường hợp cho rằng bịnh zona trở lại, có thể bịnh nhân hay bác sĩ lầm lẫn với một bịnh khác, nhất là một phát ban (rash) do virus herpes khác gây ra (HSV miệng hay sinh dục). Bịnh zona xảy ra 36 năm sau lần đầu, có thể lúc đó bịnh nhân đã lớn tuổi (63 tuổi) cho nên tăng cường miễn nhiễm xảy ra sau đợt zona đầu tiên đã yếu đi.
Thuốc chích ngừa zona (shingles)
1) Shingrix (adjuvant recombinant varicella zoster virus vaccine) được CDC khuyến cáo dùng ưu tiên (so với Zovirax) (2017).Hiệu quả của vắc-xin là 69% trong năm đầu tiên, nhưng giảm xuống còn 4% trong năm thứ 8; không có khuyến nghị nào cho việc chích lại những người nhận được vắc-xin từ 60 tuổi trở lên. Tỷ lệ mắc herpes zoster ở những người được tiêm vắc-xin giảm 96% so với giả dược (placebo).
Shingrix được chích làm 2 lần, cách nhau 2-6 tháng cho người trên 50 tuổi với khả năng miễn nhiễm bình thường (immunocompetent), kể cả những nhóm sau day:
- Đã có hay không bị zona trước đây ("giời ăn")
- Đã có hay không được chích một liều Zostavax trước đây
- Có tình trạng bệnh lý mãn tính (ví dụ, suy thận mãn tính, đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh phổi mãn tính), trừ khi có chống chỉ định.
- Tương tự như Zostavax, Shingrix có thể được sử dụng cho người lớn
-đang dùng liệu pháp ức chế miễn dịch liều thấp
-đang dự tính sẽ dùng ức chế miễn dịch
-đã phục hồi khỏi bệnh có khả năng suy giảm miễn dịch
- Trong cùng một lần khám bịnh, có thể vừa chích Shingrix, vừa chích những loại chủng ngừa khác được khuyên dùng thường xuyên cho người lớn từ 50 tuổi trở lên, chẳng hạn như vắc-xin cúm và phế cầu khuẩn.
2) Zostavax (FDA approved 2006) Chỉ chích một lần. Tương tự như thuốc chích ngừa thuỷ đậu tên Varivax nhưng ở liều cao hơn nhiều lần và đắt tiền hơn. Giảm zona được chừng 70%. FDA chấp nhận cho người 50 tuổi trở lên.Tuy nhiên CDC không khuyến cáo dùng một cách thông lệ cho người từ 50-59 tuổi vì chưa chứng minh được hiệu nghiệm về lâu dài. Ở người trên 60 tuổi, hiệu nghiệm giảm đi sau 5 năm, lúc mà cơ nguy phát bịnh zona cao hơn cả (càng lớn tuổi cơ nguy càng cao). Sau khi chích Zostavax ở người 70-79 tuổi, hiệu nghiệm chỉ 41%, người 80 tuổi hiệu nghiệm chỉ 18% trong 3 năm đầu.Bịnh nhân vẫn có thể dùng Zostavax nếu dị ứng với Shingrix, chọn dùng Zostavax, hoặc không có thuốc Shingrix để chích.
Bịnh nhân vẫn có thể dùng dù trước đây mình có từng bị trái rạ (thuỷ đậu) và shingles hay không.
Trong bài này chúng ta nói về bịnh zona của tây y. Sau đây chúng ta bàn thêm về con giời và bệnh do con giời gây ra.
"Giời leo" hay "giời ăn là một từ tiếng Việt được dùng phổ biến. Một số trang về y học dân tộc vẫn cho bịnh "giời leo" là có thật, do da phản ứng với con giời bò trên đó. Theo Wikipedia, "Bệnh giời leo: nguyên gốc là tên dân gian để chỉ chung các loại viêm da dị ứng do tiếp xúc với con giời leo hoặc một số loại côn trùng có độc tính như kiến ba khoang (thuộc chi Paederus), sâu ban miêu (thuộc họ Meloidae) xuất hiện trong mùa gặt, thời kỳ giao mùa hay mưa bão". Giời là một loại rết nhỏ, một loại sâu bọ nhiều chân (centipede, mỗi đốt thân có 1 cặp chân), có thể "cắn" bằng cách chọc thủng da với đôi chân nhọn đầu tiên phía đầu của nó (forcipules, fangs), nối liền với tuyến độc tố ở dưới đầu của nó. Tất cả rết đều có khả năng cắn, mặc dù một số loài nhỏ hơn không đủ mạnh để đâm thủng da người. Vết cắn điển hình là hai dấu chấm đỏ, có lẽ không giống các vết zona. Các độc tố của con centipede chứa serotonin, chất cytolysin, chất làm huyết tán hemolysin, histamin và chất làm sưng bỏng (vesicating agent)(5). Hiếm khi vết cắn làn sau một hai ngày, con rết gây triệu chứng toàn thân và chỉ có một trường hợp tử vong được báo cáo.
Đại Từ Điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) định nghĩa: “Giời là động vật cùng họ với rết, có nhiều chân, thân mảnh, tiết chất có thể làm bỏng da người.” Từ điển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Trần Văn Kiệm định nghĩa “giời là loại trùng có nhớt lân tinh”. Có lẽ millipede hợp với mô tả này. Millipede (“trùng nghìn chân”, mỗi đốt thân có 2 cặp chân ) không cắn, nhưng nhả ra, hoặc xịt ra, có khi xa vài centimet, một chất tiết hôi và làm da, niêm mạc, mắt ngứa ngáy, sưng đỏ khó chịu. Có thể chúng ta dùng từ "giời leo" là do trước đây trong đời sống nông thôn, có những trường hợp da tiếp xúc với loại chất tiết này của con giời.
Có những millipede ở núi rừng California (Alcatraz millipedes) quang lúc chiếu tia ánh sáng đen vào chúng (fluorescent), nhưng cũng có loại millipede hiếm tự nó phát quang bằng hiện tượng phát quan sinh học (bioluminescence).
Xin nhớ tất cả các nhận xét trên chỉ có tính cách thông tin, độc giả cần được bác sĩ khám bịnh và được bác sĩ theo dõi.
References:
- Herpes Zoster Recurrences More Frequent Than Previously Reported
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3031432/
2)Herpes Zoster Vaccine and the Incidence of Recurrent Herpes Zoster in an Immunocompetent Elderly Population
https://academic.oup.com/jid/article/206/2/190/2192549
3) CDC website
4)Herpes Zoster and Postherpetic Neuralgia: Prevention and Management
https://www.aafp.org/afp/2017/1115/p656.html
5)Sharon M. Gwaltney-Brant, ... Hany Youssef, in Veterinary Toxicology (Third Edition), 2018
https://www.sciencedirect.com/topics/agricultural-and-biological-sciences/centipede
6)https://www.kqed.org/science/30655/new-millipede-species-glows-in-the-dark-to-cope-with-heat
Bác sĩ Hồ V. Hiền
Ngày 2 tháng 12 năm 2019
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.