Trong các chuyến thăm riêng biệt, các nhà ngoại giao Mỹ và Đức vừa viếng chùa Thiên Quang ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi họ gặp gỡ các vị tu sĩ Phật giáo độc lập đang phải đối mặt với lệnh cưỡng chế của chính quyền.
Vào ngày 5/4, cơ sở tôn giáo không được chính quyền công nhận này đã đón tiếp bà Tina Spicher, Phó Tổng Lãnh Sự Cộng Hoà Liên Bang Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, đến thăm và gặp gỡ các chư tăng ở đây, trong bối cảnh ngôi chùa này đang đứng trước vụ việc chính quyền huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa quyết định yêu cầu trụ trì chùa Thiên Quang phải tháo dỡ những công trình tồn tại nhiều năm qua.
Your browser doesn’t support HTML5
Trao đổi với VOA qua email hôm 11/4, bà Spicher viết: “Vào ngày Thứ Tư, 5/4 vừa qua, chúng tôi có cơ duyên theo lời mời của chùa Thiền Quang để tham dự buổi lễ kêu gọi hòa bình thế giới, tự do tôn giáo và chấm dứt nạn buôn người. Đây đều là những mục tiêu mà chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ và do đó chúng tôi rất vui lòng nhận lời”.
“Trong cuộc trò chuyện với sư trụ trì, các nhà sư và phật tử, nỗi sợ hãi bị cưỡng chế khỏi nơi linh thiêng và yên bình này trở nên rõ ràng. Một lần nữa chúng tôi có thể chứng kiến ngôi chùa và mức độ ý nghĩa tâm linh của cơ sở này đối với những người gọi nó là nhà và mái ấm của họ”, Phó Tổng lãnh sự Đức viết.
“Cộng đồng cũng làm việc chăm chỉ để bảo tồn sự phong phú về văn hóa và tôn giáo cũng như vẻ đẹp tự nhiên của quê hương mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ chùa và cộng đồng của cơ sở này và hy vọng rằng những đóng góp quý giá của cơ sở này cho sự đa dạng và sống động của văn hóa, đời sống tôn giáo và lịch sử Việt Nam có thể được chính quyền ghi nhận”, bà Spicher bày tỏ nguyện vọng.
Hôm 7/4, chùa Thiên Quang tiếp một viên chức ngoại giao ở Tổng Lãnh sự quán Mỹ, “trong một cuộc gặp gỡ và trao đổi trên tinh thần quan tâm và liên quan đến các vấn đề tại nhà chùa, điển hình là những quyết định cưỡng chế chùa Thiên Quang từ chính quyền huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu” theo trang Facebook của chùa.
Trao đổi với VOA, Đại đức Thích Thiên Thuận, trụ trì chùa Thiên Quang, cho biết trong các chuyến thăm viếng, các nhà ngoại giao đã bày tỏ sự quan tâm đến hiện trạng của nhà chùa trước những quyết định cưỡng chế từ phía chính quyền và cùng tham dự buổi cầu nguyện cho thế giới được hoà bình, chiến tranh chấm dứt, cầu nguyện cho những nạn nhân bị bách hại về niềm tin và tự do tôn giáo và những nạn nhân buôn người được an yên.
Hôm 12/4, Đại đức Thích Thiên Thuận nói với VOA rằng nhà ngoại giao Đức đến thăm chùa và cho biết rằng họ sẽ có văn bản gửi chính quyền liên quan đến lệnh tháo dỡ cơ sở này.
“Họ nắm bắt được tình hình, nội dung, và những khó khăn tại chùa Thiên Quang. Và họ sẽ có những văn bản làm việc với Sở ngoại vụ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu”.
Trụ trì chùa Thiên Quang cho biết thêm:
“Họ quan ngại là Việt Nam đang bình thường hoá, chiến lược hoá với Liên minh Châu Âu và Mỹ,” Ông Thuận nói. “Việt Nam đang ký kết tất cả các công ước về vấn đề tôn giáo. Nhưng mà chùa Thiên Quang là một trong những điểm bị bách hại về tôn giáo cho nên là bà cũng lấy đó làm tiếc và mong rằng chính quyền Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ nhìn nhận một cách tích cực hơn và có tháo gỡ bộc bạch hơn.”
XEM THÊM: Chính quyền buộc tháo dỡ chùa Thiên Quang; nhà ngoại giao Đức đến thămNhư VOA đã đưa tin, chùa Thiên Quang, tọa lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, là một cơ sở tôn giáo độc lập được hình thành từ năm 2000 và là nơi sinh hoạt cho tăng chúng và đạo tràng trong khu vực này, nhận được lệnh tháo dỡ của chính quyền hôm 17/3, về việc “đề nghị di dời tài sản, hiện vật ra khỏi công trình” này, bao gồm cả tượng Phật và không gian thờ tự, trong vòng 20 ngày.
Chính quyền huyện Xuyên Mộc và cả Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA.
Khi các nhà sư chùa Thiên Quang quyết định đi theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội không được chính quyền Việt Nam công nhận, họ được cho là bị “đưa vào tầm ngắm” của chính quyền địa phương.
Ông Thuận nói với đài VOA rằng chính quyền của huyện đã làm việc liên tục và mời người đại diện chùa Thiên Quang lên để có một cuộc nói chuyện về đơn kiến nghị của chùa gửi cho các cấp chính quyền nhưng mà không mang lại nhiều điều tích cực.
“Bây giờ thì chính quyền vận động hành lang, tuyên truyền. Họ viết những tờ báo, dẫn truyền thông, đài phát thanh, đài truyền hình,” Ông Thuận cho biết. “Họ cũng nói sai sự thật về chùa Thiên Quang rất nhiều. Họ đánh tráo khái niệm ở chỗ chùa không được Phật giáo Việt Nam công nhận, chưa phải là chính thức hợp pháp”.
Nhận định về các chuyến thăm này ông Thuận nói:
“Sự hiện diện của các nhà ngoại giao Mỹ, Đức đã nói lên sự quan tâm đặc biệt đến chùa Thiên Quang nói riêng và tình hình tôn giáo tại Việt Nam nói chung”.
“Chắc chắn rằng đây là một sự cởi mở, thân thiện, và có những động thái tốt trong tương lai để Việt Nam có được tự do tôn giáo, đúng với công ước quốc tế, và tích cực hơn,” ông Thuận nói.
Ngày 6/4, UBND huyện Xuyên Mộc loan tin với báo giới về việc tống đạt quyết định cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở chùa Thiên Quang, nơi mà chính quyền gọi là cốc hay tịnh thất.
Trang Công an Nhân dân (CAND) nói rằng Thích Thiên Thuận, thế danh Đặng Phước Bình, “dưới sự hậu thuẫn, tài trợ của nhóm tự xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất” trong và ngoài địa bàn cùng sự lôi kéo của một số cá nhân tại địa phương để liên tục cơi nới, mở rộng “Cốc Thiên Quang” thành một cơ sở thờ tự bất hợp pháp với nhiều hạng mục xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp”.