Giới quan sát nhận định rằng việc chuyến thăm cấp nhà nước của Hoàng gia Hà Lan đến Việt Nam buộc phải hủy vào phút chót do “tình hình nội bộ” của Hà Nội sẽ để lại một tiền lệ xấu trong nền ngoại giao Việt Nam và ảnh hưởng đến uy tín của giới lãnh đạo Cộng sản trong cộng đồng quốc tế.
Vào tháng 12/2023, Hoàng gia Hà Lan đã loan báo về chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 4 ngày đến Việt Nam của Nhà vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima, theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân Phan Thị Thanh Tâm, với mục đích nhằm tái khẳng định mối quan hệ song phương giữa hai nước và tập trung đặc biệt vào hỗ trợ phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo.
Thế nhưng, như VOA đã đưa tin, hôm 14/3, Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan sẽ hoãn chuyến thăm này theo đề nghị của chính quyền Việt Nam vì “tình hình nội bộ” và lịch trình mới vẫn chưa được ấn định.
Theo lịch trình dự kiến được Hoàng gia công bố, nhà vua sẽ có các cuộc gặp với cả bốn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, và chứng kiến việc hai bên ký kết các thỏa thuận hợp tác về trồng trọt, thỏa thuận chứng nhận điện tử các sản phẩm nông nghiệp giữa hai nước vào ngày 19/3; gặp gỡ sinh viên ở Hải Phòng, thăm nhà máy đóng tàu Damen-Sông Cấm, rừng ngập mặn Cát Bà vào ngày 20/3; thực hiện các hoạt động song phương trong lĩnh vực kinh tế, nghệ thuật, nước và cảng ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 21/3, và cuối cùng thăm tỉnh Đăk Lăk vào ngày 22/3 để ký một bản ghi nhớ về phát triển nông nghiệp bền vững.
Gần đây nhất, vào ngày 12/3 Hoàng gia Hà Lan vẫn còn ra thông cáo báo chí về lịch trình cụ thể của chuyến công du được chuẩn bị từ khá lâu này.
Chính quyền tỉnh Đăk Lăk và truyền thông trong nước cũng đã loan tin chuyến công tác tiền trạm của Hoàng gia và phái đoàn ngoại giao Hà Lan từ tháng 1/2024.
Đây được kỳ vọng là chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan. Hai vị đã đến thăm Việt Nam vào năm 2005 và 2011 với tư cách Thái tử kế vị và công nương.
Tuy vậy, hai phái đoàn cấp bộ của Hà Lan và phái đoàn 140 doanh nhân của nước này mà trước đây dự kiến sẽ tháp tùng chuyến thăm của hoàng gia, nay vẫn sẽ tiến hành như kế hoạch, sẽ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Christianne van der Wal, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Nước Mark Harbers và Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Giới sử dụng lao động Hà Lan (VNO-NCW) Ingrid Thijsse dẫn đầu, Hoàng gia Hà Lan cho biết trong thông báo ngày 14/3.
Your browser doesn’t support HTML5
Trên Diễn đàn Hoàng gia (The Royal Forums), nhiều người bày tỏ thắc mắc về lý do chuyến thăm bị hoãn: “Có ai biết ‘tình hình trong nước’ ở Việt Nam là gì mà phải hoãn chuyến thăm không?”. Một người đáp lại: “Chứ tôi không thấy có tình trạng bất ổn xã hội hay bất cứ điều gì tương tự!”. Một người khác tự giải thích rằng có thể do vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Việt Nam.
Giới quan sát nói với VOA rằng việc hoãn chuyến thăm này làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong bạn bè quốc tế.
“Tôi cảm thấy thật xấu hổ cho chính quyền Hà Nội vì đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Quốc vương Hòa Lan và Hoàng hậu tới Việt Nam, chuyến thăm được nhiều người mong đợi và chuẩn bị khá chu đáo từ nhiều tháng trước”, luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, nêu ý kiến cá nhân của ông với VOA. “Theo quan sát của tôi, cái lý do ‘tình hình trong nước này’ có gì đó ‘không ổn’ vì ở Việt Nam không hề có dấu hiệu ‘bất ổn trong nước’ nào cả!”.
Nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức đưa ra ý kiến cá nhân về “tình hình trong nước”, dựa vào các nguồn tin mà ông có được từ Việt Nam:
“‘Tình hình trong nước’ ở đây mà phía Việt Nam đưa ra, theo tôi biết chính là khủng hoảng nhân sự cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà cụ thể là chức danh chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng đang bị lung lay”.
Nhận xét của ông Khoa cũng trùng hợp với những đồn đoán trên mạng xã hội về việc ông Thưởng đã có đơn từ chức. VOA không thể kiểm chứng nhận xét của ông Khoa và những thông tin trên mạng xã hội.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ giải thích về lý do hoãn chuyến thăm này, nhưng chưa được trả lời.
Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài chia sẻ:
“Gần đến ngày thăm mà phía Việt Nam yêu cầu phía Hoàng gia Hà Lan trì hoãn chuyến đi là điều chưa có tiền lệ, sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam về uy tín trên quốc tế, quan trọng hơn là uy tín của chính quyền Việt Nam, nơi mà Đảng Cộng sản đang mất uy tín rất nhiều”.
Ông Jonathan London, giáo sư đại học Leiden University, Hà Lan, đồng thời là nhà quan sát chính trị Việt Nam, viết trên Facebook hôm 14/3 bằng tiếng Việt: “Hôm nay hàng chục chính khách, doanh nhân, nhà đầu tư Hà Lan đang hoang mang và thất vọng trước thông tin chuyến thăm Việt Nam sắp tới của cặp đôi Hoàng gia Hà Lan bị hoãn vào phút chót”.
Ông London kể rằng khi các tin tức ban đầu về việc hủy chuyến thăm được lan truyền, một phóng viên đã gọi điện thoại cho ông nhờ giải thích “tình hình nội bộ” ở phía Việt Nam “có ý nghĩa gì”, ông viết thêm rằng vị phóng viên này, cũng như như những người chuẩn bị trước cho chuyến thăm đã lên đường sang Việt Nam, đành phải quay về vì sự kiện bị hoãn.
“Hòa Lan là nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất của Châu Âu và thứ hai về thương mại. Có ai biết gì về việc này không? Có rất nhiều thỏa thuận cần được ký kết”, ông viết và thuật lại lời một ký giả rằng việc chuyến thăm này bị hoãn “không tốt cho các mối quan hệ”.