Tổ chức Y tế thế giới, gọi tắt là WHO, đang cộng tác với 170 trong số 193 nước thành viên để chủng ngừa cho dân chúng trên thế giới và để truyền bá nhận thức về sự quan trọng của việc chích ngừa.
Phát ngôn viên khu vực Mỹ châu của Tổ chức Y tế thế giới, ông Dan Epstein, cho biết hằng trăm ngàn người đã được chủng ngừa từ khi chiến dịch khởi đầu hôm thứ Bảy.
Ông Epstein nói: "Trở ngại chính là có những người không biết là con cái của họ cần phải được chủng ngừa, hoặc không biết những chuyện như người lớn cần phải chích ngừa lại bệnh cúm. Vì vậy nhận thức là một trong những trở ngại lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt."
Tổ chức Tổ chức Y tế Thế giới đề ra mục tiêu chủng ngừa cho 41 triệu người tại các nước châu Mỹ trong thời gian từ ngày 23 tới ngày 30 tháng Tư. Châu Âu và khu vực phía đông Địa Trung Hải cũng tham gia chương trình này. Châu Phi và khu vực Tây Thái Bình Dương đang tổ chức chương trình chủng ngừa lần đầu tiên trong tuần này.
Theo ông Epstein thì các nước châu Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc chủng ngừa. Khu vực này là khu vực đầu tiên loại trừ được bệnh đậu mùa năm 1971 và bệnh sốt bại liệt năm 1991. Nhưng theo lời ông thì vẫn còn nhiều nơi khó tiếp cận được dọc theo các vùng biên giới và các khu vực nông thôn, nơi các dịch bệnh có thể ngăn ngừa được vẫn còn tràn lan.
Bản thân Bác sĩ Keith Van Zandt và vợ ông, bà Dede, hiểu rõ nguy cơ của việc trẻ em không được chủng ngừa. Họ nhận nuôi cô con gái Annie từ Roumani cách đây 16 năm. Trước khi đưa Annie về Hoa Kỳ họ đã phát giác là cô bé bị nhiễm viêm gan siêu vi B từ bà mẹ ruột. Bác sĩ Van Zandt nói rằng giờ đây cô con gái 18 tuổi của ông vẫn đang chống chọi với loại virút làm cho lá gan của cô bị viêm.
Bác sĩ Van Zandt nói: "Bản thân tôi tôi vẫn thấy đau buồn khi nghĩ tới chuyện là chứng bệnh của con tôi hoàn toàn có thể tránh được bằng một cách đơn giản là Annie và mẹ của em được chủng ngừa."
Điều đó đã khiến bác sĩ Vanzandt lên tiếng cổ vũ ONE, một tổ chức vận động không có tính chất đảng phái. Tổ chức này đã phát động một chiến dịch để truyền bá nhận thức trong tuần này để cứu mạng sống của 4 triệuä trẻ em trong 5 năm bằng việc chủng ngừa bệnh viêm phổi và tiêu chảy.
Chương trình của tổ chức này nằm trong khuôn khổ của một cuộc vận động toàn cầu trước khi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp vào tháng 6 để đưa ra cam kết tài trợ cho Liên minh Toàn cầu về Thuốc chủng và Chủng ngừa nhằm chích ngừa cho 243 triệu trẻ em.
Một phần của chiến dịch vừa kể là việc kêu gọi nửa triệu người trên thế giới ký vào đơn thỉnh nguyện gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama để xin tài trợ cho việc chủng ngừa trẻ em.
Giám đốc tổ chức ONE, bà Ginny Wolfe, cho biết vì khoản tiền này rất nhỏ cho nên thế giới vẫn có khả năng đài thọ cho dù tình hình kinh tế có phần khó khăn.
Bà Wolfe nói: "Thực ra số tiền đó là số tiền rất nhỏ. Nó chiếm chưa tới một phần trăm của ngân sách tài trợ cho các chương trình cứu mạng sống của hằng triệu người trên thế giới trong thập niên vừa qua."
Hàn lâm viện Nhi khoa Hoa Kỳ kết hợp với tổ chức ONE để nâng cao nhận thức về giá trị của công tác chủng ngừa. Bác sĩ Robert Block, người đứng đầu hàn lâm viện này cho biết trên 2 triệu trẻ em chết vì bịnh viêm phổi và tiêu chảy mỗi năm và chích ngừa có thể chận đứng được tình trạng này.
Bác sĩ Block nói: "Theo tôi thì kết quả rất tốt. Điều chúng tôi đang cố gắng thực hiện là cung cấp thuốc chủng với giá phải chăng cho các nước trong thế giới đang phát triển để giới hữu trách có thể tiếp cận với các bậc cha mẹ để họ đưa con cái họ đi chích ngừa những loại bệnh tật mà nếu không được chích ngừa có thể gây chết chóc."
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm việc chích ngừa cứu được mạng sống của hơn 2 triệu rưỡi người trên thế giới.
Bệnh viêm phổi và tiêu chảy là hai chứng bệnh hàng đầu sát hại trẻ em tại các nước đang phát triển, mỗi năm giết hại số trẻ em nhiều hơn virút HIV bệnh AIDS, bệnh lao và sốt rét kết hợp lại. Trong tuần này dân chúng trên thế giới đang hành độïng để chấm dứt những cái chết có thể tránh được và những chứng bệnh có thể chữa trị được nơi trẻ em và người lớn. Từ thủ đô Washington, thông tín viên đài VOA, JulieAnn McKellogg, tường trình thêm một số chi tiết sau đây.