Giáo sư nổi tiếng của Hoa Kỳ, Steve Hanke, mới đây nhận định với VOA rằng Việt Nam ứng phó “rất xuất sắc” với dịch bệnh. Tuy nhiên, ông vẫn nghi ngờ về dữ liệu Covid-19 của Hà Nội, vì cho rằng ở Việt Nam hầu như không có tự do thông tin báo chí.
Bình luận mới nhất được vị giáo sư đưa ra sau khi ông vừa bị truyền thông Việt Nam “phẫn nộ” chỉ trích vì ông đăng trên Twitter một biểu đồ nói rằng Hà Nội không cung cấp dữ liệu về Covid-19.
Từ Baltimore, ông Steve Hanke, Giáo sư Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, đồng thời là người sáng lập và đồng giám đốc của Viện Kinh tế Ứng dụng Johns Hopkins, Sức khỏe Toàn cầu, và Nghiên cứu Doanh nghiệp Kinh doanh, nói với VOA về việc ứng phó đại dịch của chính quyền Việt Nam:
“Cho đến nay, Việt Nam báo cáo chỉ có 335 ca nhiễm, và không có ca tử vong. Không có nghi vấn gì về điều này vì họ phản ứng rất nhanh và rất sớm. Khi dịch bùng phát vào tháng Giêng 2020, họ đã có biện pháp chặn dịch, các biện pháp này còn mạnh hơn cả khuyến cáo của WHO.
Nhìn chung là họ ứng phó rất xuất sắc. Họ chuẩn bị rất tốt.GS Steve Hanke nhận định về cách ứng phó dịch Covid-19 của Việt Nam
“Nhìn chung là họ ứng phó rất xuất sắc. Họ chuẩn bị rất tốt. Họ áp dụng các biện pháp mà tôi gọi là 5P- Prior Planning Prevents Poor Performance - Hoạch định trước sẽ loại trừ những hoạt động kém hiệu quả. Nhờ được chuẩn bị tốt nên họ ứng phó rất nhanh”.
Ngoài ra, giáo sư Hanke cũng ghi nhận những bước đi thích hợp mà Việt Nam đang cố gắng tái mở cửa nền kinh tế hậu dịch Covid-19, nói rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa kinh tế trong khi phần lớn các nước còn đang phải đối phó với đại dịch.
Tuy nhiên, giáo sư Hanke, một thành viên của Hội đồng Điều lệ của Hiệp hội Đo lường Kinh tế, và là chuyên gia về đo lường và độ chính xác dữ liệu kinh tế, nhận định với VOA rằng ông không thể không nghi ngờ về các dữ liệu Covid-19 của Việt Nam do không có nguồn thống kê độc lập.
“Lý do chính khiến tôi nghi ngờ là liệu có tự do báo chí ở Việt Nam hay không? Hầu như không có tự do báo chí ở đó. Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) xếp hạng Việt Nam vào một trong những thứ hạng tồi tệ nhất trên thế giới, 175/180. Như vậy là gần như không có tự do báo chí ở Việt Nam, theo RSF. Ngoài ra, tạp chí The Economist số ra ngày 13/6/2020 có một bài viết dài về tự do báo chí ở châu Á bị đàn áp trong dịch Covid-19. Và Việt Nam tất nhiên là một trong những quốc gia bị nêu trên tạp chí The economist. Đây là lý do khiến tôi nghi ngờ”.
Được hỏi về phản ứng trước việc trang Medium loan tin có gần 300 chữ ký gửi đến trường đại học Johns Hopkins yêu cầu ông Hanke rút lại đoạn Tweet trong đó gọi Việt Nam là “quả táo bị thối rữa” trong việc cung cấp dữ liệu Covid-19, ông cho biết ông đã gửi yêu cầu đến Worldometer để họ điều chỉnh, vì biểu đồ mà ông sử dụng trên Twiter là lấy dữ liệu từ công ty thống kê này.
“Tôi đã thông báo cho Worldometer, nơi tôi sử dụng nguồn dữ liệu của họ, báo cho họ biết rằng số liệu của họ không rõ ràng và có thể gây ra sự diễn giải sai lệch. Họ sẽ sớm điều chỉnh và họ sẽ đưa con số tử vong là 0 của Việt Nam vào đó”.
Khi VOA đăng bản tin này, dữ liệu trên Covid-19 của Việt Nam trên Worldometers đã được cập nhật, tính đến 7 giờ tối giờ Việt Nam ngày 18/06/2020: “Việt Nam có 342 ca nhiễm, 0 ca tử vong và 325 ca phục hồi”.
Riêng phần mình, giáo sư Hanke cho biết ông đã cải chính thông tin trên Twitter hôm 16/6 nói rằng: “Trái ngược với hình ảnh mà tôi đăng tuần trước, hóa ra Việt Nam có thống kê ‘hoàn hảo’ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”.
Ông nói với VOA rằng với dòng Tweet mới này, nội dung biểu đồ trước đó của ông liên quan đến Việt Nam “không còn có ý nghĩa nữa”.
Trong biểu đồ đăng trên Twitter hôm 9/6, giáo sư Hanke đề cập đến những quốc gia nhiều khả năng cung cấp số liệu không tin cậy. Trong danh sách này có các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Venezuela, Ai Cập, Syria, Yemen, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng vì Twitter này, truyền thông trong nước cho biết cộng đồng Việt Nam “bức xúc” và yêu cầu ông Hanke phải lên tiếng xin lỗi và xóa bỏ những thông tin sai lệch của mình.
Chỉ trích bình luận của giáo sư Hanke, báo Tiền phong hôm 17/6 viết: “Trên thực tế, Việt Nam không tự khen thành quả chống COVID-19 của mình, mà trong thời gian qua hàng loạt báo chí quốc tế đăng tải rất nhiều bài viết ca ngợi công cuộc chống dịch của Việt Nam dựa trên các cuộc điều tra và phỏng vấn độc lập”.
Chia sẻ với VOA, giáo sư Hanke than phiền về một email duy nhất mà ông nhận được từ một học giả Việt Nam, ông nói người này “phản ứng mạnh” trước dòng Tweet “Quả táo bị thối rữa” mà ông đăng vào tuần trước.
Trong những tình huống như vậy, “lẽ ra nên nói với tôi rằng tôi đã mắc lỗi và hãy xem lại lỗi đó đi, đằng này học giả đó lại gửi email cho tôi với lời lẽ hoàn toàn không chuyên nghiệp và bất lịch sự”, giáo sư Hanke nói, nhưng không nêu danh tính vị học giả Việt Nam.