Năm 2010 đã được coi là Năm đại lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long. Bộ chính trị, Thành uỷ Hà Nội ra nhiều nghị quyết từ 8 năm trước. Ngân sách dành cho lễ kỷ niệm lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Kế hoạch bày ra la liệt, hoành tráng. Hàng chục tượng đài mới và bia kỷ niệm sẽ được dựng lên, khu phố Cổ được bảo tồn, các sông Tô Lịch, Lừ, Sét được nạo vét, cầu Văn hoá bắc qua sông Hồng, Công viên Ngàn năm, Tháp Ngàn năm, Thư viện Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội sẽ được khai mạc. Giao thông nội đô sẽ bớt ùn tắc. Dân Hà Nội sẽ thấy thủ đô mình tươi đẹp lộng lẫy, lịch sự hơn xưa. Tất cả đều đã nằm trên giấy. Nhưng còn thực tế?
Đã qua 2 tháng của Năm kỷ niệm, mọi chuyện vẫn còn ngổn ngang, dang dở. Vậy mà mỗi tượng đài, mỗi bia kỷ niệm hoành tráng, mỗi công trình văn hoá thường phải qua tuyển lựa kỹ lưỡng, thi công chu đáo, qua hàng nhiều tháng, có khi nhiều năm mới mong đạt được độ vĩnh cửu, tồn tại đến ngàn năm sau.
Có nhà Hà Nội-học sành sõi than rằng: cứ nước này, các nhà lãnh đạo sẽ chỉ còn có cách đến ngày kỷ niệm quỳ gối cúi đầu tạ tội với tiền nhân và tạ lỗi với mai sau.
Còn có một điều ít ai nhận cho rõ. Nước lớn bành trướng có vẻ không hài lòng về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long của Việt Nam, vì ý nghĩa cốt lõi của Đại lễ là khẳng định tư thế độc lập tự chủ của Việt nam từ ngàn xưa đối với nước láng giềng lớn ở phương Bắc, luôn nuôi giấc mộng thôn tính các phiên quốc ở phương Nam.
Họ không thiếu mưu thâm, kế hiểm. Họ lại có sẵn trong tay nhóm nội gián ươn hèn, tham nhũng, dễ sai bảo, dễ mua chuộc. Để mà can thiệp, thọc gậy, phá đám.
Sản phẩm kỷ niệm về Văn hoá - tinh thần sẽ là một loạt bộ phim truyện lịch sử, phim tập trên vô tuyến nhiều kỳ, nhiều vở kịch nói, cải lương... Sẽ có loạt phim 120 tập Ngàn năm thương nhớ Thăng Long, loạt phim Ký sự Thăng Long (104 tập), phim lịch sử Trần Thủ Độ, phim Huyền sử Thiên đô... đều chưa biết chắc có kịp ra mắt đầu tháng 10 hay không.
Cái đinh của tất cả là bộ phim lớn nhất "Lý Thái Tổ" hay "Lý Công Uẩn", có 3 kịch bản khác nhau, dự trù chi phí 200 tỷ đồng, đang được giữ rất kín như một bí mật quốc gia là đang được quay tại trường quay Trung Quốc Hoành Điểm - Tượng Sơn ở Hoa Nam.
Điều được giữ rất kín nữa là đạo diễn Trung Quốc sẽ tham gia chỉ đạo nghệ thuật, và sẽ huy động hàng ngàn diễn viên quần chúng cũng là người Tàu.
Nhà nước công sản và bành trướng Tàu rất rộng rãi trong việc "cho thuê trường quay, cho thuê đạo diễn và diễn viên cũng như các trang phục, dụng cụ, máy móc, đạo cụ ", họ còn cực kỳ hào phóng trong đón tiếp các đồng chí Việt Nam, theo đúng phương châm 16 chữ "vàng" (bị chú : chữ "vàng" là do phía Việt Nam có nhã ý thêm vào). Thật khó biết ai thuê ai. Chỉ biết Lý Công Uẩn bị bắt cóc. Vì dân ta không hề biết.
Họ chỉ cần làm cho bộ phim nhạt đi cái chất độc lập tự chủ của nước Việt Nam ở phương Nam, chủ đề cốt lõi của Đại lễ Ngàn năm Thăng Long rất cần khẳng định giữa lúc hiểm hoạ mất tự chủ và Bắc thuộc là rõ rệt vào lúc này. Trên màn ảnh, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội sẽ đều nằm trên đất Tàu! Trời đất thiên địa ơi, sao mà oái oăm đến vậy!
Từ cuối năm 2009, Bắc Kinh đã đột nhiên đề nghị lấy cả năm 2010 làm Năm hữu nghị Việt - Trung, để luôn luôn nhắc nhở Hà Nội gắn bó keo sơn với họ, lấy cái cớ là năm 1950 Trung quốc đã công nhận nước VN Dân chủ Cộng hoà. Vậy sao 10 năm trước, sau nửa thế kỷ quan hệ Việt Trung họ không làm năm hữu nghị Việt - Trung? Rõ ràng là họ tìm cách phá đám, đánh lạc hướng Đại lễ Ngàn năm Thăng Long của ta.
Lý Công Uẩn bị "bắt cóc" sang Trung Quốc! Sự kiện này mở ra một màn bi hài kịch kỷ niệm đi trước thời cuộc, có thể đặt tên là: "Gửi trứng cho ác". Ác tiếng Tàu là con quạ đen, vừa tham vừa ác, chuyên bắt gà và háu ăn trứng gà.