Từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, các nước NATO nhấn mạnh họ chỉ tặng cho chính phủ Vlodymyr Zelensky các “vũ khí phòng ngự.” Những máy bay tự khiển (drones), mũ và áo giáp, súng cao xạ, tên lửa nhẹ 20 ký đeo trên vai để đánh máy bay hoặc xe thiết giáp, đã giúp quân đội và dân Ukraine đẩy lui đoàn quân xâm lược. Các loại tên lửa trên chỉ dùng khi quân địch đến gần, chứ không thể tấn công các mục tiêu xa.
Chiến cuộc đã bước sang giai đoạn mới. Không chiếm được thủ đô Kyiv và cả miền Tây, quân Nga đang rút về Donbas. Từ năm 2014 quân đội Ukraine vẫn cố gắng chiếm lại hai khu vực “ly khai” này. Bây giờ quân Nga sẽ tìm cách bao vây và triệt hạ các đội quân Ukraine, để mở rộng vùng kiểm soát cho hai “nước Cộng Hòa Nhân Dân” mà ông Vladimir Putin đã công nhận trước khi đánh Ukraine. Ông Putin muốn thành công trước ngày 9 tháng Năm, để mời hai chính phủ bù nhìn qua Nga dự kỷ niệm Lễ Mừng Chiến Thắng, kỷ niệm ngày chấm dứt Đại chiến Thứ Hai.
Tại Donbas vũ khí và quân lực Nga vẫn còn nhiều gấp bội quân Ukraine mặc dù cấp chỉ huy chưa chứng tỏ khả năng điều khiển và tinh thần quân sĩ rất thấp kém. Quân đội Ukraine vẫn cương quyết không bị khuất phục. Khi ông Putin tuyên bố chiếm được hải cảng Muriupol, mấy trăm chiến sĩ tử thủ một nhà máy thép suốt hai tháng trời vẫn chưa chịu buông súng. Nhưng quân Nga sẽ áp đảo chiến trường vì có các hỏa tiễn tầm xa, phi cơ chiến đấu, các loại vũ khí tấn công mà quân đội Ukraine còn thiếu.
Chính sách viện trợ quân sự của NATO phải thay đổi. Muốn tiếp tục chiến đấu, quân Ukraine phải được trang bị đầy đủ hơn. Phải gửi cho họ các loại vũ khí dùng để tấn công chứ không chỉ để tự vệ.
Sau khi Thủ tướng Boris Johnson đến thăm Tổng thống Zelensky ở thủ đô Kyiv, Anh quốc đã gửi tặng Ukraine các trọng pháo, xe thiết giáp trang bị súng bắn máy bay, các đại pháo và hỏa tiễn đánh chiến hạm. Đó là những chiến cụ không chỉ dùng để phòng thủ. Ông Johnson còn điện thoại cho các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Canada và Liên hiệp Âu châu, thảo luận và điều hợp các loại vũ khí sẽ viện trợ Ukraine. Canada và Đức đã gửi giúp Ukraine các khẩu đại bác. Quốc hội Mỹ thúc dục Tổng thống Joe Biden phải giúp Ukraine nhiều hơn. Gần 80% dân chúng Mỹ ủng hộ.
Tuần trước, chính phủ Mỹ mới công bố khoản viện trợ kinh tế $500 triệu, và một chương trình viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Tổng cộng $800 triệu mỹ kim; đợt chiến cụ đang gửi gấp có 18 đại bác 155 ly “howitzers” cùng đạn dược; 200 thiết giáp M113; 11 trực thăng Mi-17 và 100 quân xa. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal khi qua Mỹ đã họp bàn với bộ trưởng quốc phòng Mỹ và giới lãnh đạo các công ty sản xuất vũ khí. Một loại máy bay “drone” tự khiển mới, đặt tên là Phoenix Ghost, đang được Không Lực Mỹ điều chỉnh, sau khi đã tham khảo ý kiến, cho phù hợp với chiến trường Ukraine. Phoenix Ghost có thể phóng lên theo đường thẳng đứng, bay xa 6 giờ liền tìm đánh mục tiêu, không kể đêm ngày. Một loại thiết giáp Mỹ gửi cho Ukraine có trọng lượng thấp, đi dễ dàng trên các cánh đồng sũng nước vào mùa mưa, mà xe tăng của Nga nặng nề có thể bị sa lầy. Mỹ có thể gửi các xe thiết giáp của Nga mà trước đây đã mua về để tập trận, để quân Ukraine quen sử dụng. Không những thế, Mỹ sẽ tặng cho các nước cộng sản cũ ở Đông Âu một số máy bay chiến đấu và xe thiết giáp, để đổi lại các nước như Ba Lan, Tiệp, Romania, vân vân, đã chuyển cho Ukraine các phi cơ chiến đấu và thiết giáp do Nga chế tạo từ thời còn chế độ cộng sản nay còn chứa trong kho vũ khí.
Tổng số vũ khí Mỹ đồng ý cung cấp cho Ukraine trị giá tới $3.4 tỷ đô la. Mỹ sẽ mời binh sĩ Ukraine qua Mỹ huấn luyện dùng các vũ khí mới, tránh không để quân Mỹ bước vào trong nước Ukraine; không muốn bị Nga coi là Mỹ đang “tham chiến.” Trước đây khi nhấn mạnh chỉ giúp Ukraine các vũ khí để tự vệ, các nước NATO cũng theo cùng một chính sách, tránh khiêu khích Vladimir Putin. Vì thái độ dè dặt đó, khi Ba Lan để nghị chuyển các máy bay chiến đấu MiG-29 của Nga qua một phi trường quân sự Mỹ ở Đức, rồi tặng cho Không quân Ukraine, Mỹ đã từ chối.
Nhưng bây giờ các nước NATO đã thay đổi, công khai viện trợ vũ khí mới cho quân đội Ukraine, loại vũ khí để tấn công.
Thực ra vũ khí nào cũng là vũ khí. Phân biệt vũ khí phòng ngự với vũ khí tấn công là giả tạo, một cách “giả đạo đức,” như Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã nói với Liên hiệp Âu châu ở Bruxelles: “Bởi vì tất cả các vũ khí được quân đội Ukraine sử dụng trong lãnh tổ Ukraine, đều dùng để phòng thủ.”
Cùng với đợt vũ khí viện trợ mới, Mỹ và Anh quốc cũng bắt đầu mở rộng chương trình chia sẻ tin tức tình báo. Các hình ảnh do vệ tinh nhân tạo và máy bay thám thính bay quanh Ukraine chụp được và các thông tin nghe lén đã được chuyển cho tình báo quân sự Ukraine. Nhờ thế, Ukraine biết quân Nga được điều động ra sao, ông tướng Nga nào đang nói điện thoại với ai, ở đâu, Quân Ukraine đã hạ sát 8 tướng lãnh Nga ngoài mặt trận, một con số cao kỷ lục trong cuộc chiến dài hai tháng.
Khi chuyển giao các tin tức tình báo, người ta càng khó phân biệt hành động đó là phòng ngự hay tấn công. Cho đến nay, Nga chưa biết phản ứng thế nào trước công tác viện trợ này. Người Nga có thể tin rằng Mỹ và Anh tặng bất cứ thông tin nào thu lượm được, nhưng không thể lấy lý do đó để leo thang trả đũa.
Chính phủ Mỹ có lẽ còn dè dặt không cho Ukraine biết địa điểm hay hoạt động của tất cả các đơn vị quân Nga ở ngoài Ukraine; cũng như không tặng cho Ukraine các vũ khí có khả năng bắn sang nước Nga. Quân Ukraine đã tấn công một số kho xăng dầu và kho đạn trong nước Nga, nhưng không dùng các vũ khí nước khác. Hai hỏa tiễn Neptume đánh chìm soái hạm Moskva của Nga ở Hắc Hải đều chế tạo trong xứ - mà chính chiếc tàu chiến này cũng được sản xuất ở Mymolaiv, một thành phố công nghiệp ở Ukraine, trong thời còn nằm trong Liên bang Xô Viết!
Nhưng quân đội Ukraine đã nhận được các vũ khí mới như đại bác howitzers 155 ly, hỏa tiễn bắn máy bay từ xa, bắn chiến hạm, đều có thể bắn qua lãnh thổ và hải phận Nga. Các nước NATO hy vọng rằng Vlodymyr Zelensky sẽ không vô tình khiêu khích Nga đến như vậy.
Ông Vladimir Putin đã cảnh cáo rằng nếu khối NATO viện trợ các vũ khí mạnh hơn cho Ukraine thì sẽ gánh “hậu quả không lường trước được.” Ông Biden và các nhà lãnh đạo NATO có vẻ đang đánh cá rằng ông Putin sẽ chỉ dọa dẫm mà không dám phản ứng mạnh.
Ông Putin có dám đánh bom các phi trường ở Ba Lan, nơi tiếp nhận các vũ khí trước khi chuyển qua Ukraine hay không? Sau khi thế giới đã chứng kiến chiến dịch Ukraine thất bại, không còn ai lo sợ phải đánh nhau với quân Nga nữa. Ông Putin có dám vận dụng vũ khí nguyên tử, như ông đe dọa khi nghe Phần Lan muốn gia nhập NATO hay không? Không một chính phủ nào trong khối NATO phản ứng trước những lời đe dọa đó. Chính phủ Phần Lan đã “lật tẩy,” nói rằng hiện nay Nga đã đặt vũ khí nguyên tử ở Kalinigrad, nằm sát bên cạnh Lithuania, Ba Lan rồi. Nếu ông ta đánh liều mở kho bom nguyên tử thì các vệ tinh nhân tạo sẽ trông thấy liền. Lúc đó các tướng lãnh Nga sẽ phải lựa chọn: Họ có muốn chính mình và gia đình mình hy sinh trong một cuộc đại chiến thế giới, chỉ vì tham vọng của một lãnh tụ điên rồ hay không?