Hà Nội là một trong số các tỉnh miền Bắc Việt Nam sẽ chịu “ảnh hưởng nghiêm trọng” nếu 1 trong 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc bị rò rỉ phóng xạ, theo đánh giá của một đề án vừa được chính quyền thủ đô phê duyệt.
Truyền thông trong nước hôm 24/5 cho hay mối nguy từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc được xem là 1 trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội, ngoài các rủi ro khác như vỡ đê sông Hồng, ô nhiễm nguồn nước, cháy nổ, đổ sụp công trình …
Cả 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đều nằm ở vị trí rất sát với Việt Nam. Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở Quảng Tây chỉ cách thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, khoảng 50km. Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang trên đảo Hải Nam cách đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng hơn 100km và nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở Quảng Đông cách biên giới Việt Nam khoảng 200km.
Ngay từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2016, 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia về năng lượng lên tiếng bày tỏ quan ngại và đòi hỏi phải có hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ sớm vì nguy cơ môi trường Việt Nam bị “đầu độc” bởi các nhà máy này.
Theo đề án vừa được phê duyệt, nếu 1 trong 3 nhà máy xảy ra rò rỉ phóng xạ, thì bụi phóng xạ có thể phát tán và làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước của Hà Nội.
Hiện tại, việc xây dựng hệ thống mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường của Việt Nam vẫn đang được tiến hành, theo VnEpress. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 7 trạm đi vào hoạt động ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội và 2 địa điểm ở miền Trung.
Trung Quốc hiện là quốc gia có tốc độ mở rộng sản xuất năng lượng hạt nhân nhanh nhất thế giới, theo Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA). Kế đến là Nga.
Năm 2015, một chuyên gia khoa học hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc, He Zuoxin, từng cảnh báo rằng “việc mở rộng nhanh chóng các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc là ‘điên rồ’, vì quốc gia của ông đã không đầu tư đầy đủ vào việc kiểm soát an toàn cũng như phát triển chuyên môn đầy đủ”.
Tính đến thời điểm cuối năm ngoái, Trung Quốc đã có 38 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và 19 nhà máy đang được xây dựng.
Với tốc độ phát triển này, IAEA dự báo năm 2030, Trung Quốc sẽ “soán ngôi” Mỹ trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất năng lượng hạt nhân.
Your browser doesn’t support HTML5