Hà Sĩ Phu: ‘Bị Hán hóa là mất dân tộc’

Hà Sĩ Phu, tác giả "Chia Tay Ý Thức Hệ," tại tư gia ở Đà Lạt. (Hình: Hà Sĩ Phu gởi Đinh Quang Anh Thái)

Đinh Quang Anh Thái


VOA – Bài viết dưới đây được trích từ tác phẩm “Ký II” của nhà báo Đinh Quang Anh Thái, xuất bản vào trung tuần tháng Chín, 2018, qua hệ thống Amazon. Bài viết bao gồm nhiều tài liệu, quan điểm của Hà Sĩ Phu, được nhà báo Đinh Quang Anh Thái ghi lại qua nhiều hình thức trong một thời gian dài, khởi đi từ một sự kiện năm 1995 đến biến cố biểu tình chống Dự Luật Đặc Khu 2018. Hơn 20 năm trôi qua, các nhận định liên tục của Hà Sĩ Phu về tình hình chính trị trong nước, trên thế giới, và đặc biệt về mối quan hệ Việt – Trung, vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự và tiên đoán chính xác. Bài viết được đăng tải với sự đồng ý của tác giả Đinh Quang Anh Thái.


***

Ngày 10 tháng Sáu, 2018, hàng chục ngàn đồng bào tại nhiều thành phố Việt Nam xuống đường biểu tình chống “Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế”.

Dự luật dự trù sẽ được Quốc Hội Cộng Sản Hà Nội đưa ra biểu quyết ngày 15 Tháng Sáu, cho thuê mướn thời hạn 99 năm ba khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Hầu hết các nơi biểu tình đều diễn ra ôn hòa, ngoại trừ Phan Rí. Lực lượng Cảnh Sát Cơ Động, được mệnh danh ‘Quả Đấm Thép’ của Bộ Công An Việt Nam, thúc thủ trước người biểu tình chống dự luật đặc khu và đã biến thành bạo động tại Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Bình Thuận.

Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy lực lượng Cảnh Sát Cơ Động bỏ áo giáp, nón sắt, leo tường chạy khỏi trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận. Họ được những người biểu tình đối xử tử tế, thậm chí có người dân còn cúi xuống đưa lưng cho cảnh sát leo lên vượt tường ra ngoài.

Ngày 15 Tháng Sáu, từ Đà Lạt, Hà Sĩ Phu gửi email cho kẻ viết bài này:

“Đinh Quang Anh Thái thân mến,

“Trước hết cho mình xin lỗi vì đã hồi âm chậm trễ. Chắc Thái không thể hình dung tình trạng của mình sau khi chị Biên mất. Bà xã mình mất là sự kiện đau thương nhất đời mình. Chị Biên chịu đựng mấy chục năm để cho mình làm nghĩa vụ của một anh trí thức, chưa đền đáp được gì thì bà ấy đã ra đi! Ngày nào mình cũng khóc. Khổ thế, yêu thương càng nhiều thì sự mất mát càng đau. Mình trơ trọi một mình với bệnh tật, phải tự lo liệu đủ mọi thứ. Đồng thời đúng lúc xã hội đang xảy ra nhiều biến động, nên mình không thể tách rời khỏi tình hình chung ấy.

“Thái hỏi đất nước mình bây giờ ra sao, so với cách đây hơn 20 năm, khi mình trả lời phỏng vấn của Thái lần đầu tiên năm 1995, mình thấy, sau hơn 20 năm, tình hình xã hội đã có những biến chuyển đáng khích lệ (số người dân chủ tiên phong xuất hiện nhiều thêm, số người dân quan tâm đến vận mệnh đất nước cũng nhiều thêm, đặc biệt là trước họa Bắc thuộc; xã hội ngày càng phơi bày sự thối nát và không ổn định, thái độ mị dân ngày càng kém hiệu quả, chính sách độc tài ngày càng lộ diện… Những cuộc biểu tình tính tới con số trăm ngàn người tham dự hôm 10-6-2018 là minh chứng cho sự tiến triển đó. Nhưng đó mới là sự biến đổi về LƯỢNG, chưa đủ để thành biến đổi về CHẤT.

“Theo mình, thực trạng đất nước chúng ta hiện nay, do thể chế có 3 tính chất là phi khoa học, độc tài và dối trá, nên xã hội không thể phát triển, tham nhũng, ách tắc, tha hóa toàn diện, bị dồn nén nên tiềm ẩn nguy cơ biến động. Mà đã xảy ra biến động rồi, điển hình là những cuộc biểu tình hôm 10 Tháng Sáu. Nhưng đấy mới là đối nội, chưa quan trọng bằng đối ngoại (nạn Bắc thuộc mới). Thoát Trung mới là nhu cầu cấp thiết hàng đầu, nhưng muốn Thoát Trung phải Thoát Cộng. Người giữ chế độ CSVN không chỉ là ĐCSVN mà chủ yếu là ĐCSTrung Quốc!”

Hà Sĩ Phu 1995

Năm 1989, lúc khối Cộng Sản Đông Âu và “cái nôi của vô sản thế giới” là Liên Xô rã ra như “cơm nguội gặp mưa”, nhà thơ Lê Bi thuộc nhóm Nhân Chủ Học Xã rao khắp bạn bè: “Ai tìm được tác giả bài viết DẮT TAY NHAU ĐI DƯỚI TẤM BIỂN CHỈ ĐƯỜNG CỦA TRÍ TUỆ, tôi tặng 1,000 đô la.”

Không ai kiếm được.

“Nhân Chủ” là từ đã được nhà cách mạng Thái Dịch Lý Đông A dùng đầu tiên vào năm 1939, lúc ông khoảng 19 tuổi, khi ông sáng lập và là Bí Thư Trưởng Duy Dân Cách Mạng Đảng. Nhân Chủ Học Xã là cơ quan lưu trữ tài liệu, nghiên cứu và huấn luyện của Duy Dân.

Sau năm 1954, từ Bắc di cư vào Nam, nhà cách mạng Thái Lăng Nghiêm tiếp tục công việc của Nhân Chủ Học Xã.

Năm 1985, các anh Trịnh Đình Thắng, Thanh Hùng, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Văn Cường, Lưu Ngọc Thọ, Hoàng Chính Nghĩa (Lê Bi), Nguyễn Võ Thu Hương và kẻ viết bài này cùng nhau phục hoạt Nhân Chủ Học Xã tại Mỹ. Trong nhóm, ba anh Trịnh Đình Thắng, Thanh Hùng và Nguyễn Văn Cường là cán bộ Duy Dân; những anh em còn lại là những kẻ lưu vong cùng chí hướng tìm lại với nhau.

Trong nhóm, Lê Bi là người “miệng nói, tay làm.” Anh đánh máy, bỏ dấu tiếng Việt bằng tay và giao cho tôi in những cuốn “Đạo Trường Ngâm”, tập thơ của Lý Đông A; “Tự Phán” của Phan Bội Châu; “Thư Quốc Nội” tập bài nhận định về tình hình Việt Nam của tác giả ẩn danh được chuyển bí mật từ trong nước ra cho chúng tôi (sau này mới biết người chấp bút là anh Đoàn Viết Hoạt); và “Thơ Trích” của Lê Bi.

Cũng vào thời điểm anh em chúng tôi nỗ lực tìm xem ai là tác giả DẮT TAY NHAU ĐI DƯỚI TẤM BIỂN CHỈ ĐƯỜNG CỦA TRÍ TUỆ, báo Người Dân ra đời, với cùng nhân sự của Nhân Chủ Học Xã và thêm các anh Nhật Tiến, Hoàng Mạnh Hùng, Lê Thiện Tùng, Mai Văn Hiền, Phạm Gia Hòa, Nguyễn Văn Trung, Tống Nhiệm, Trần Thế Kiệt, Lã Hoàng Trung.

Nỗ lực, nhưng chúng tôi vẫn không tìm được tác giả DẮT TAY NHAU ĐI DƯỚI TẤM BIỂN CHỈ ĐƯỜNG CỦA TRÍ TUỆ.

Mãi sau này mới biết tác giả bài viết có bút hiệu là Hà Sĩ Phu.

Và ai cũng tưởng “Hà Sĩ Phu” là … sĩ phu Bắc Hà.

Nhưng không phải.

Lần đầu tiên tiếp xúc qua điện thoại và trả lời cuộc phỏng vấn ngày 04 tháng 12, 1995, phát thanh trên đài VNCR 106.3 FM tại California, Hoa Kỳ, Hà Sĩ Phu nói với tôi: “Bút hiệu của tôi đã từng bị đưa ra thảo luận. Ông Đào Duy Tùng khi đi nói chuyện mọi nơi đã cáo buộc rằng, ‘có người xưng là sĩ phu Bắc Hà đòi dạy chúng ta về Mác-Lê nin!’ Rồi khi tôi bị Bộ Nội Vụ gọi để thẩm vấn, thì Thiếu Tướng Quan Phòng có hỏi tôi ‘lấy cái tên như thế anh định có ý gì?’ Ý ông muốn nói tôi dùng cái tên đó để làm khởi động, kích động cái tinh thần sĩ phu kiên cường trong nước chăng? Tôi trả lời là lối hiểu đó là do đòi hỏi của thực tế. Người ta hiểu thế là vì trong thực tế nó đặt ra vấn đề rõ như vậy. Và nếu tên tôi có đáp ứng nhu cầu đó thì tôi không phản đối gì cả. Thực sự ra khi tôi đặt tên đó thì họ Hà, chữ Hà đó là bộ Nhân đứng chứ không phải là bộ Thủy. Nhân đứng và chữ Khả có ý nghĩa là ‘thế nào?’ ‘là ai?’ ‘làm sao?’ - thì tên Hà Sĩ Phu tôi đặt nghĩa là ‘thế nào là sĩ phu?’ ‘ai đáng là sĩ phu?’ ‘ hay làm gì có sĩ phu?’ - tức là sau đó phải đánh một dấu hỏi. Tôi không có ý khẳng định mình xứng đáng là một người sĩ phu của Bắc Hà đâu.”

Ông giải thích thêm, khi đặt bút danh cho mình là Hà Sĩ Phu, ông muốn tỏ những thao thức, trăn trở về tình trạng tụt hậu mọi mặt của Việt Nam và muốn tự nhắc mình về bổn phận và ý thức của người sĩ phu đối với con người và đất nước Việt Nam.

***

Hà Sĩ Phu, tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, sinh năm 1940 ở Bắc Ninh. Tốt nghiệp Phó Tiến Sĩ Sinh Học tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Tiệp Khắc. Về nước, Hà Sĩ Phu công tác tại Viện Khoa Học Việt Nam. Từ năm 1988, Hà Sĩ Phu đã công khai chống lại chủ nghĩa và sự cai trị độc tài của Cộng Sản Việt Nam. Những bài Hà Sĩ Phu viết như “Thằng Bờm,” “Biện Chứng và Ngụy Biện trong công cuộc đổi mới”; đặc biệt là bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” và “Chia Tay Ý Thức Hệ” tạo ra nhiều tiếng vang lớn, trong cũng như ngoài nước.

Trong bài “Chia Tay Ý Thức Hệ” ông viết: “Không phải như Cộng Sản thường nói rằng chủ nghĩa luôn luôn đúng, chỉ có con người thi hành sai mà ý thức hệ Cộng Sản sai từ căn bản. Phải từ bỏ ý thức hệ đó thì mới xây dựng được đất nước.”

***

Một số đoạn trong bài phỏng vấn năm 1995:

Đinh Quang Anh Thái: Trong một bài của ông, ông viết rằng, dẫu còn điều kiện này hay điều kiện khác, vai trò lịch sử của trào lưu Cộng Sản vẫn được mãi mãi ghi nhận. Và một đoạn khác ông nói, cùng với người hiệp sĩ ấy (ý ông ám chỉ người Sộng Sản) nhân dân ta đã có những ngày sống đẹp thanh khiết như thần tiên. Chúng tôi xin hỏi, ông ghi nhận những chuyện đó ở thời điểm nào? Ông cho ví dụ được không? Bà Dương Thu Hương thì đã có một giai đoạn gọi đó là một thứ thiên đường, về sau bà chua chát nhìn nhận đó là một “thiên đường mù.” Còn về phần ông, khi viết như vậy, ông muốn dùng uyển ngữ để gửi tín hiệu cho người đọc hay thực tâm ông nghĩ như vậy?

Hà Sĩ Phu: Những quá trình chuyển hóa hết sức là phức tạp. Đầu tiên là có sự xâm nhập và ký sinh của một thứ lý thuyết giai cấp cực đoan ảo tưởng phi khoa học, tức là cái dở. Nhưng nó ký sinh vào trong phong trào dân tộc. Và nó biến thành cái của dân tộc, mang thông điệp giải phóng của dân tộc. Đây là sự chuyển hóa đầu tiên. Lúc kháng chiến chống Pháp xong, lúc ấy cuộc sống còn nghèo, và cả đói nữa, cuộc thanh trừng giai cấp đã ló ra ở chỗ này, chỗ khác. Nhưng nhìn chung thì phải nhìn nhận rằng trong giai đoạn ngắn ngủi ấy, xã hội còn thanh bình, tình người còn trung hậu và xét trong số đông, tâm lý hồ hởi tin tưởng là có thật.

Về sau, do tính chất ảo tưởng cực đoan và phi khoa học của các học thuyết đó, cho nên nó thoái hóa, làm mất yếu tố tốt ban đầu, và biến những cái của dân tộc thành cái phi dân tộc và cản trở dân tộc. Thế rồi lại đến giai đoạn khác như hiện nay. Nhưng phải nhận rằng ngay trong tâm trạng bị vùi mình trong cái xấu như thế, thì một số các hạt nhân tinh hoa của dân tộc vẫn tồn tại chứ không mất đi. Và trong điều kiện như ở nước ta là một đảng đã nắm độc quyền lãnh đạo thì những hạt nhân bị vùi trong cái khối không tốt, chính họ chứ không phải ai khác, có khả năng bất ngờ tách ra, châm ngòi cho những cuộc đổi đời dân tộc một lần nữa để thanh toán cái xấu một cách hòa bình.

Tôi nghĩ nhận thức thực tiễn cũng như về phương pháp, tức là có cái phần gọi là sách lược, đều cần làm rõ điều này và thực tế ở thế giới, cũng như thực tế ở trong nước ta cũng dần dần xác định điều này. Thực tế, hiện nay những người bảo thủ ở nước ta sợ nhất khả năng chuyển hóa trong nội bộ của những nhân tố tốt đó. Cho nên họ cũng đề phòng kỹ lưỡng nhất cái khả năng này. Chỉ riêng điều ấy thôi, cũng cho thấy rằng nhận thức này, tức là nhận thức về yếu tố tích cực của phong trào Cộng Sản trong quá khứ không hề là một tư tưởng cải lương. Trái lại chính nó là một nhận thức mang xung lực mạnh mẽ nhất. Còn lối suy nghĩ có tính cách phân tuyến, đơn giản, một chiều, thì thoạt nghe có thể thấy là mạnh mẽ, có thể làm thỏa mãn một nhận thức chủ quan nào đấy, nhưng nó không phản ánh đúng cái bi kịch phức tạp của dân tộc, và do đó nó có ít khả năng tác động vào hiện thực.

Một nhà văn Cộng Sản đã nói là “thế hệ chúng tôi ở tuổi 20 mà không theo Cộng Sản thì không có tim, nhưng mà ở tuổi 50 mà còn theo Cộng Sản thì lại không có óc.” Đấy, nhận thức nó lòng vòng như vậy, đâu có thể lấy hiện tại để làm chuẩn, để quy kết quá khứ hoặc là lấy quá khứ làm chuẩn để bênh vực hiện tại một cách suy diễn máy móc được.

Đinh Quang Anh Thái: Thưa ông, sau năm 1975, trong một lần nói chuyện với ông Vũ Sinh Hiên, một trí thức Công Giáo và cũng là cây bút của Tạp chí Đứng Dậy, ông Hiên bảo tôi rằng, khi chọn thái độ ở lại để cộng tác với chế độ Cộng Sản thì việc chọn đó là một “hành trình bắt buộc của trí thức.” Ông Hiên nói như thế sau khi đã tỉnh ngộ rồi. Câu tôi muốn được hỏi ông, là liệu người trí thức có phải chọn cái “hành trình bắt buộc” như ông Hiên nói hay không? Bởi vì theo chỗ tôi biết, có nhiều người ở lứa tuổi 20 đã sáng suốt để thấy rằng phong trào Cộng Sản thực chất của nó không có gì tốt đẹp cả và nó chỉ đưa đất nước hoặc tập thể con người bị sự chọn lựa tới con đường đen tối thôi; như vậy không nhất thiết sự chọn lựa của lứa tuổi 20 theo con đường Cộng Sản là phổ quát cho tất cả mọi người. Ông nghĩ sao?

Hà Sĩ Phu: Ý kiến của ông Thái có lý. Vì theo tôi nghĩ, sự chọn lựa đó là một sự chọn lựa của con tim, trong điều kiện là khối óc phát triển chưa tới. Cái đó, có thể nói là tình trạng DÂN TRÍ còn thấp. Và rất nhiều người trí thức mà ở trong một xã hội thông tin không đầy đủ, thì cái trí tuệ phát triển chưa tới. Tôi nghĩ là cùng trong giai đoạn đó rất nhiều nước văn minh va chạm với lý thuyết Cộng Sản, nhưng họ không đi theo, họ có tin nhưng vì trí tuệ của họ đã phát triển cao hơn để họ không phải bước qua giai đoạn đó nữa.

Cho nên, thực ra, nếu nói đây là sự chọn lựa tất yếu, thì đó là sự chọn lựa tất yếu của những người trí thức nhưng mà trí tuệ phát triển chưa tới. Nếu đủ trí tuệ thì đã có thể tránh được [sự chọn lựa đó] rồi.

Đinh Quang Anh Thái: Trở lại một câu mà lúc nãy chúng tôi vừa mới trích dẫn trong bài viết của ông, là “cùng với người hiệp sĩ ấy nhân dân ta có những ngày sống đẹp như thần tiên,” thì khi viết như vậy, ông có nghĩ rằng ông đã xúc phạm đến vong linh hàng triệu nạn nhân đã lót đường cho chủ nghĩa mà bây giờ chính ông, ông cũng đang chống lại không?

Hà Sĩ Phu: Lúc nãy tôi có nói là dân tộc mình trải qua một quá trình vận động hết sức phức tạp của lịch sử. Cho nên cái lối tư duy phân tuyến đơn giản chia thành hai gói: một gói trắng, một gói đen, một gói phải, một gói trái, một gói chính, một gói tà; rồi trắng là trắng hết ngay từ đầu, đen là đen hết ngay từ đầu; thì thực sự ra nó không phản ánh đúng thực tiễn. Không phải vì tôi và anh đối địch, mà về sau là cứ khen bất cứ cái gì của tôi là xúc phạm tới anh; bởi vì trong tôi có cái đúng, cái sai. Và trong tôi, đâu phải là cá nhân tôi, còn cả tập đoàn của tôi có người thế này, thế kia. Bởi vậy khi mà khẳng định có những ngày sống đẹp, xin hiểu như thế này, cái đẹp đó là cái đẹp không trần tục, không phải là cái đẹp thực tế. Cái đẹp thần tiên làm sao tồn tại trên trần gian được? Cái đẹp đó được nẩy sinh trong điều kiện đơn giản, còn nghèo khó, còn ảo tưởng, chứ khi tiếp xúc với cuộc sống thực tiễn thì nó bị đẩy lui. Vì đó là cái đẹp mong manh của giai đoạn chưa phát triển. Thứ đến là có cái tốt lẫn cái ngộ nhận của dân tộc. Thế nhưng khi khẳng định mặt mà ta còn có thể coi là tích cực đó thì không hề có ý là phủ định những mầm mống sai lầm đã có ngay từ đầu.

Như tôi đã nói lúc đầu, trong lúc đa số có một sự hồ hởi như thế, thì một cuộc thanh trừng giai cấp có thể đã nổ ra ở một chỗ nào đó nhưng nó chưa chi phối tình hình tâm lý chung của cả nước. Vậy giữa cái sai và cái đúng, giữa mặt tích cực và tội lỗi, nó xen kẽ cùng một lúc, cho nên khẳng định vấn đề ở chỗ này, không có nghĩa là phủ định một vấn đề ở chỗ khác. Tôi nghĩ rằng, trong tình hình phức tạp đó, khi khẳng định mặt tốt trong đó có yếu tố dân tộc tham gia, tôi không hề có ý định phủ định các tội lỗi mà một bộ phận hay chính các thế lực ấy gây ra ở chỗ khác. Tôi nghĩ là hai cái đó không có gì mâu thuẫn nhau.

***

Hà Sĩ Phu là một trí thức sinh ra, lớn lên, chứng nghiệm Xã hội Chủ nghĩa Cộng sản bằng chính bản thân mình. Không thù hận, không báng bổ, ông từ tốn, lột trần bản chất của cái chủ nghĩa đang bị nhân loại vất vào thùng rác của lịch sử.

Trong nước, Hà Sĩ Phu trăn trở như thế. Ở hải ngoại, nhà thơ Lê Bi, một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, cũng trăn trở khi đặt bút viết bài thơ BỨC TƯỜNG BÁ LINH CÓ THẬT vào năm 1999, trong bối cảnh người dân cả khối Đông Âu và Liên Xô đứng lên lật đổ các chế độ Cộng Sản cai trị những đất nước này.

Bức tường Bá Linh có thật
Rất thật
Nhưng khi vỡ, nó vỡ như mơ
Rất mơ
28 năm lõa lồ trên mặt đất
Mất hôm qua hay tự bao giờ.

Đừng gởi về Việt Nam bất cứ viên gạch nào
của bức tường Bá Linh
Nó có thể làm tủi cả dòng sông Bến Hải
Đừng để lịch sử phải khóc
dù thời gian không thể quay đầu lại
Và mỗi người Việt Nam sẽ biết thêm
cái giá thống nhất nước mình.

Có những người đập phá bức tường
bằng tất cả niềm vui
Mà không kinh ngạc
Cũng chẳng ai thấy điều gì mất mát
Để chúng ta hiểu đó chỉ là chuyện bình thường
Khi con người bắt đầu đứng lên
đòi quyền sống thật
Ngay cả những giấc mơ cũng có thể bước ra đường
Mọc lên trăm ngàn ngọn nến
Những ngọn nến lung linh
Cả nước Đức phải thức
bước tới tương lai
Và trời sao cúi thấp
Chen lấn với người
Tôi cũng thức
Những cơn gió mùa thu 1989 làm rộn ràng nước Đức
Và tôi vội vàng dấu đi nước mắt
Những giọt nước mắt nuốt ngược ruột gan
Tôi ngoài Việt Nam ngoài nước Đức
Những cơn gió rộn ràng thổi ngoài Việt Nam
Gió ngoài Việt Nam
Rất ngoài Việt Nam.

Bức tường Bá Linh có thật
Quá thật
Bao nhiêu năm tôi mới có lần nhìn gần nước Đức
Nhìn từ cái búa cái đục
Trong tay những kẻ vô danh
Cũng cao hơn biết bao tầm nhìn trí tuệ
Khi thế giới chuyển mình nhìn nó đổ
Gạch đá cũng vui
Khi nhân loại tung lên những nụ cười
Một khoảng trời sao không thể ngủ
Khi những con người khám phá ra
quyền sống bình thường
Thở bình thường
Nói bình thường
Đi lại bình thường
Nước Đức không thể ngủ
Có những góc cạnh không thể ngủ
Những bản tin trên màn ảnh nhỏ
như những ngọn đèn không thể ngủ
Tôi không thể ngủ
Khi những ngọn đèn vẫn mọc ngoài Việt Nam
Chiếu sâu vào quá khứ
Tra tấn Việt Nam.

28 năm quá dài cho những kẻ đợi chờ
28 năm và 42 cây số quá ngắn
để che giấu cho một thời đại
Hãy giữ những phần còn lại
Giữ mãi
Như những bức tượng thời Trung cổ
Làm di tích
cho cả loài người.

Đừng, đừng nói với Việt Nam bất cứ một tin tức gì
về bức tường Bá Linh
Nó có thể làm Trường Sơn vùng lên tức tưởi
Những bà mẹ không thấy xác đàn con
Những oan hồn
không chiều dài chiều cao chứa nổi.

Hãy cứ để nó sần sùi
Ôi những tảng gạch vô tri vô giác
Đã thành não trạng của những niềm vui
Vừa tự vỡ.

28 năm cuộn tròn
28 năm không ngẩng mặt
Không dài hơn sông Bến Hải
Không cao hơn Trường Sơn
Hạnh phúc cho nước Đức
Đã dạy bao người bước qua ô nhục
Mà không phải hận thù
bạo lực
Và dạy tôi phải nuốt những giọt nước mắt
Giữa những niềm vui.

Nước Đức ở quá xa
Mưa tháng 11 quá xa
Tôi không ở gần được ôm được khóc
Hạnh phúc cho nước Đức
Đã dạy chúng tôi chiến thắng cao cả nhất
Là trận chiến không tốn máu xương
Và tất cả được sống bình thường
Hạnh phúc cho những bông hoa
Có thể chuyền tay cho bất cứ ai xa lạ
Những bông hoa may mắn hơn chán vạn hoa
Trong chốc lát bỗng nhiên thành cột mốc
Đón sự thật ùa ra.

Bức tường Bá Linh có thật
Nó có thật tự bao giờ?

***

Ngày mùng 5 tháng 12, 1995, đúng hai ngày sau khi trả lời phỏng vấn của đài VNCR, ông Hà Sĩ Phu bị bắt tại Hà Nội.

Phóng viên thường trú Robert Tampler tại Hà Nội của hãng thông AFP gọi điện thoại hỏi tôi, có phải vì bài phỏng vấn mà Hà Sĩ Phu bị bắt không? Tôi nói, tôi không nghĩ đó là nguyên nhân khiến Hà Sĩ Phu bị bắt.

Sáu ngày sau, sáng ngày 12 tháng 12, một bản tin khá dài, đánh đi từ Hà Nội, của hãng thông tấn quốc tế AFP, tường thuật vụ Hà Sĩ Phu bị Cộng Sản Hà Nội bắt.

Mở đầu, bản tin AFP viết: “Hà Sĩ Phu bị công an ở Hà Nội bắt giữ, trên đường trở về thành phố Hồ Chí Minh vào ngày mùng 5 tháng 12, một ngày sau khi một đài phát thanh ở hải ngoại phát đi cuộc phỏng vấn trong đó ông kêu gọi chính phủ Mỹ khoan hãy cho Hà Nội quy chế tối huệ quốc.”

Phóng viên Robert Tampler của AFP từ Hà Nội gọi điện thoại tới đài VNCR để kiểm chứng về bài phỏng vấn và hỏi về lý do của vụ bắt bớ này. Tôi trả lời, và AFP tường thuật trong bản tin là VNCR không nghĩ rằng việc phát thanh bài phỏng vấn đã đưa tới việc Hà Nội bắt giữ ông Hà Sĩ Phu. Tuy nhiên, bản tin AFP không tường thuật đầy đủ luận cứ của VNCR: VNCR đã phỏng vấn nhiểu người ở trong nước, chứ không chỉ có Hà Sĩ Phu. Trước ông, VNCR đã phỏng vấn ông Nguyễn Hộ, một đảng viên Cộng Sản từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đảng và nhà nước Việt Nam Cộng Sản. Sau ông, VNCR phỏng vấn nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, tác giả cuốn truyện “Nửa Đời Nhìn Lại”, trong đó ông tỏ ra hối hận đã tin theo Cộng Sản.

Về phần phân tích, bản tin AFP đưa ra sự kiện gần đây Hà Nội tiến hành nhiểu cuộc xử án và bắt bớ những thành phần chống đối trong nước, cho thấy Cộng Sản Hà Nội thực sự e ngại sự chống đối này có thể trở thành phong trào, từ đó gây nguy hại cho chế độ.

Sau khi bản tin của AFP đánh đi khắp nơi trên thế giới, hai cơ quan tranh đấu cho nhân quyền là Amnesty International, trụ sở tại London, Anh Quốc, và Human Rights Watch/Asia, trụ sở tại Washington DC, đã liên lạc với VNCR để hỏi thêm chi tiết nội vụ và xin kẻ viết bài này bản ký chú cuộc phỏng vấn Hà Sĩ Phu.

Human Rights Watch/Asia sau đó cho biết, Hà Sĩ Phu bị bắt vào hồi 2 giờ chiều ngày mùng 5 tháng 12 nhân khi ông thăm viếng thân nhân ở Hà Nội. Ngày mùng 6 và mùng 7 tháng 12, công an lục soát nhà ông ở Đà Lạt, tịch thu hơn ba ngàn trang bản thảo và tài liệu, trong đó có một bài viết của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam bàn về chiến lược chuẩn bị cho Đại Hội 8 của đảng này.

Nhà báo Huy Đức, trong cuốn Bên Thắng Cuộc, viết về vụ bắt Hà Sĩ Phu: “Ngày 5-12-1995, ông Hà Sĩ Phu, tác giả của nhiều bài chính luận sắc sảo được truyền đọc ở thời điểm ấy, đang đi xe đạp trên đường phố Hà Nội thì bị hai người đi xe máy chèn ngã. Ông Hà Sĩ Phu kêu to: ‘Ăn cướp! Ăn cướp!’ Lập tức công an xuất hiện. Thay vì bắt ‘cướp’, công an đã đưa Hà Sĩ Phu về đồn, khám túi xách, phát hiện bản sao chép thư gửi Bộ Chính Trị ngày 9-8-1995 của ông Võ Văn Kiệt. Hà Sĩ Phu khai tài liệu này ông lấy từ ông Nguyễn Kiến Giang; ông Giang khai lấy từ ông Lê Hồng Hà, một cán bộ lão thành, từng là chánh Văn phòng Bộ Công an và trước đó, từng là giám đốc trường Đào tạo sĩ quan công an 500. Ba người có liên quan đến tài liệu này đã bị bắt ngày 6-12-1996.”

Ngày 22 tháng Tám, 1996, Tòa án Hà Nội xử ông Lê Hồng Hà hai năm tù, Hà Sĩ Phu một năm tù và Nguyễn Kiến Giang 15 tháng tù treo.

***

Hà Sĩ Phu được thả ra khỏi tù ngày 5 tháng 12, 1996, sau một năm bị giam giữ vì tội bị chế độ quy chụp là “có hành vi phát tán tài liệu bí mật của nhà nước.”

Thời gian ông Hà Sĩ Phu nằm tù, tôi thường xuyên điện thoại về Việt Nam hỏi thăm tình trạng sức khỏe của ông qua “Nhóm Đà Lạt” gồm nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự và nhà văn Hoàng Tiến, nhà thơ Hoàng Cương, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang ở Hà Nội.

Khoảng hai tuần trước khi ông được thả, nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến bảo tôi, có cách nào gợi ý với những anh em dân chủ trong nước tổ chức đến đón Hà Sĩ Phu ngay cổng trại giam không. Ông Tiến bảo, hành động này đã từng được những người đấu tranh tại các nước Cộng Sản Đông Âu áp dụng. “Có tác dụng mạnh đối với quần chúng,” ông Tiến bảo tôi thế.

Như Phong Lê Văn Tiến là “nhà báo của các nhà báo,” theo cách gọi của nhà bình luận Ngô Nhân Dụng. Ông Tiến, tôi gọi bằng “cậu Tiến,” và cậu xem tôi như con của cậu. Lúc Hà Sĩ Phu bị bắt, hai cậu cháu chúng tôi ở cùng một mái nhà trong căn mobil home tại Quận Cam, California. Vì vậy, những lần tôi tiếp xúc bằng điện thoại với các nhân vật đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, cậu luôn góp ý với tôi về nội dung các cuộc phỏng vấn. Vì cậu là chuyên gia hàng đầu trong lãnh vực “Cộng Sản học” thời trước 1975 ở Sài Gòn, nên cậu biết khá tường tận người và việc của xã hội miền Bắc.

Phỏng vấn nhà văn Hoàng Tiến, ông bảo, Hà Sĩ Phu là người theo đuổi “nghĩa lớn” của dân tộc, mà đã làm vì “nghĩa lớn” thì phải chấp nhận hy sinh thôi. Ông nói thêm, chính bản thân cũng có một thời mê đắm chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng sau thấy “cái ác” của nó, ông dứt khoát từ bỏ, và bây giờ ông trở thành người tu đạo Phật tại gia. Và ông tin có nhân có quả, nên “Hà Sĩ Phu dấn thân vì nghĩa lớn, sẽ không có vấn đề gì đâu.”

Ý do cậu Tiến gợi, là “tổ chức đón Hà Sĩ Phu ở cổng trại giam,” tôi có trao đổi với ông Hoàng Tiến và nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự.

Ngày Hà Sĩ Phu ra tù, ngay trước cổng trại giam Thanh Xuân, đón Hà Sĩ Phu gồm: bà Thanh Biên (vợ Hà Sĩ Phu), ông đồ Nghệ An Tú Sót với một câu đối chữ Nho, người bạn Hữu Tiến từ Hải Phòng, và mấy người ruột thịt trong gia đình. “Phái đoàn” đón thẳng Hà Sĩ Phu về quê Thuận Thành-Bắc Ninh, nghỉ một ngày rồi đi máy bay vào Sài Gòn, rồi hôm sau đi máy bay lên Đà Lạt, tránh không dừng lại ở Hà Nội vì để giữ an toàn.

***

Ngày 11 tháng Bảy, 1995, Tổng Thống Bill Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cộng Sản Việt Nam.

Trước tin hai kẻ cựu thù Washington và Hà Nội bắt tay nhau chấm dứt những năm tháng dài đối đầu thù nghịch, nhiều người cho rằng, thế là lại thêm một lần nữa, Mỹ hà hơi tiếp sức cho chế độ độc tài toàn trị để tập đoàn lãnh đạo củng cố quyền lực của nó; nhưng cũng nhiều người cho rằng đây là cơ hội tốt để có thể phát động rộng lớn tinh thần đấu tranh đòi dân chủ.

Hà Sĩ Phu nhận định ra sao về vấn đề này? Ông nói, trong cuộc phỏng vấn do tác giả thực hiện ngay sau khi có quan hệ bang giao Washington - Hà Nội:

a) Nếu đối với một đối tượng giáo điều cứng ngắc, phi lý, phi quy luật như trước đây thì cách hóa giải rất là dễ. Bởi vì nó phi thực tế, phi quy luật. Cho nên bây giờ cứ bình thường hóa mọi điều đưa nó trở về với xã hội thông thường, với quy luật là nó tự bộc lộ cái tính phi lý và tự tan rã.

b) Nhưng hiện nay đối tượng ấy đã thức tỉnh, biết triệt để lợi dụng các quy luật, lợi dụng thế thượng phong của người đã nắm quyền lực và tận dụng thực trạng tâm trí để thực hiện ý định của mình, thì việc hóa giải nó không dễ dàng chút nào. Vì thế cho nên việc bình thường hóa với thế giới, đặc biệt là bình thường hóa toàn diện với Hoa Kỳ không hẳn là đơn giản.

Tôi nghĩ việc bình thường hóa là một cái sàn đấu mà mọi đấu thủ cuối cùng đều phải trở về đấy, đều phải chọn cái đó, không thể nào khác được. Các đấu thủ đều phải trở về đó để đấu, nhưng cái sàn đấu ấy không phải thuận lợi riêng cho ai. Tại sàn đấu ấy, mọi cuộc đấu ấy sẽ bắt đầu, còn việc thắng thua vẫn còn ở phía trước. Bởi tự cái sàn đấu ấy nó không quật ngã ai cả, mà cũng không phải là nó dành sẵn huy chương vàng cho ai. Cho nên, việc bình thường hóa tự nó chưa mang một ý nghĩa [thuận lợi] cho bên này, hay bên kia. Vấn đề là tạo nên thực lực, vận động cho phong trào dân chủ mà thôi.

Thứ nữa, riêng về phía người Mỹ, chúng tôi không có ảo tưởng về chuyện này nhiều lắm. Nếu ở trong nước có một phong trào đấu tranh giữa dân chủ và phi dân chủ mạnh mẽ, thì tôi nghĩ rằng cái thái độ của Mỹ rất rõ, tức là ủng hộ phía dân chủ. Nhưng nếu tình hình của ta quá bê bết chẳng hạn, thì tôi nghĩ các nhà tư bản nói chung và Mỹ nói riêng cũng không dại gì chuốc lấy việc đương đầu với nhà nước Cộng Sản làm gì.

Có người lại còn bình như thế này: Một anh tư bản nước ngoài muốn vào khai thác tận dụng các điều kiện sinh lợi ở các nước khác thì nó cần một chính phủ để ủng hộ nó. Thế là có khi làm việc với một chính phủ Cộng Sản độc tài lại hay hơn bởi vì, chính phủ Cộng Sản đã chi phối toàn bộ quần chúng rồi, nắm được chính phủ đó tức là dân chúng chẳng còn gì có thể gây trở ngại cho họ nữa. Bởi vậy họ muốn đàn áp bóc lột, nếu dân có biểu tình [phản đối], thì lập tức chính phủ ấy đã đứng ra đàn áp rồi. Còn nếu mà phong trào trong nước chưa có gì, thì chưa hẳn Mỹ và Cộng Sản đối địch với nhau đâu. Có khi họ lại hợp tác với nhau rất là ngon lành cũng nên. Vì thế, việc bình thường hóa tự nó chưa đem lại sức mạnh gì quyết định nhưng mà phải công nhận nó là cái sàn đấu rất là thuận lợi cho dân chủ.

***

Trong nhiều năm, một số các tổ chức người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại liên tục tranh đấu để chế độ Hà Nội phải bỏ điều 4 Hiến Pháp (quy định vai trò cai trị độc tôn của Đảng) và tiến tới một cuộc bầu cử có quốc tế giám sát để người dân dùng lá phiếu quyết định thể chế chính trị của Việt Nam.

Tôi nêu vấn đề này với Hà Sĩ Phu.

“Về vấn đề này tôi thấy không nên nhận định tình hình theo cảm tính, theo nguyện vọng [của mình], mà phải theo đúng cái thực tế đang có. Nếu ở tình trạng như hiện nay, dẫu có một cuộc bầu cử hoàn toàn tự do, ngay đến cả có quốc tế giám sát chăng nữa, thì đảng Cộng Sản vẫn có nhiều khả năng thắng phiếu, vì bốn lý do như thế này:

1) Người dân chỉ đòi hỏi những thay đổi nếu thấy không thể nào sống như cũ được nữa. Ví dụ: một đứa trẻ khi nó thấy cái giường của nó chật hẹp quá, nó mới nhảy xuống đất nằm. Còn lúc đứa trẻ chỉ mới biết bò thôi, thì được nhảy từ cái nôi sang cái giường, không gian của cái giường đối với nó như thế đã là đủ rồi. Bởi vậy, trước đây có sự o ép rất là triệt để, bây giờ nới ra một tí tẹo, đối với dân trí thông thường người ta thấy như thế là tạm đủ rồi. Như vậy, nhu cầu gọi là phá cái giới hạn đó, để đến một không gian dân chủ tốt hơn, thì hiện nay mới có ở thành thị và một số trí thức tiên tiến thôi.

2) Đối với số đông dân cư ở các vùng nông thôn, ở miền núi, thì người dân ở đó chưa biết cái gì tồn tại ở trên đời, ngoài đảng Cộng Sản Việt Nam. Cho nên, ở các thành phố lớn, tình hình mới có thể đảo ngược. Còn khi tự do bầu cử thì ở nông thôn họ chưa chắc biết cái mới là cái gì đâu.

3) Sống quá lâu trong điều kiện dân chủ giả, dân ta đã có thói quen coi thường lá phiếu, không biết phải thực hiện quyền dân chủ bằng lá phiếu của mình. Cho nên họ coi đây là một thủ tục rất là hình thức, đi làm cho qua chuyện. Bao nhiêu năm nay bầu cho ai mà chả thế? Cho nên bây giờ nếu không được chuẩn bị, cứ thế mà tổ chức bầu cử, thì chả có cái trách nhiệm cân nhắc kỹ trong chuyện lựa chọn lá phiếu.

4) Tôi thấy cái thực tế do đảng Cộng Sản [tạo nên] trong những năm vừa rồi đã khiến cho không có một tổ chức nào, không một nhân tài xã hội nào được phép nẩy nở, bên ngoài vòng tay của đảng. Hiện nay cũng không có đối tượng nào được phơi bày ra trong nước để người ta kén chọn. Như vậy, nếu cứ giữ nguyên trạng như thế này để mà bầu cử thì dù có dân chủ cũng chưa có triển vọng gì là tốt đẹp.”

***

Tháng Bảy, 1995, Hà Sĩ Phu nhận định như thế về mối quan hệ Washington và Hà Nội.

Tháng Sáu 2018, trong email gửi cho tôi, Hà Sĩ Phu viết: “Nhận định của mình năm 1995 đến nay vẫn đúng: Nếu tiến hành trưng cầu dân ý hoặc tổ chức bầu cử tự do ngay bây giờ thì ĐCS vẫn có thể dùng những thủ đoạn để giành phần thắng vì số dân thờ ơ với vận mệnh đất nước vẫn chiếm số đông hơn, và nhiều người (kể cả cán bộ, đảng viên có chút tỉnh ngộ), vẫn bị tiêm nhiễm bởi những luận điệu lâu đời của CS, nhất là từ thần tượng ảo HCM! Nhưng điều này mới là quan trọng: nếu để cho xã hội có một quá trình chuẩn bị sinh hoạt dân chủ thì tình hình sẽ khác hẳn. Thí dụ: nếu để một năm [cho mọi người dân] có sinh hoạt dân chủ thật thì lúc ấy tình hình bầu cử hay trưng cầu dân ý có thể đảo ngược.

Năm 2009, trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo Người Việt xuất bản tại California, kẻ viết bài này nêu câu hỏi với ông Hà Sĩ Phu: Đảng Cộng sản Việt Nam hiện sợ gì nhất, ông nói:

“Những nhà lãnh đạo Việt Nam lo sợ trước sự đồng thuận và liên kết của các tầng lớp trí thức và nhân dân, lo sợ trước sự xuất hiện của các tổ chức, thậm chí các đảng phái… nhưng gom lại vẫn chỉ nằm trong hai nỗi lo sợ lớn mà thôi: lo sợ làn sóng dân chủ và lo sợ làn sóng chống Trung Quốc.

“Hai mối lo ấy bắt nguồn từ hai vấn nạn căn bản nhất của xã hội Việt Nam hiện nay là không dân chủ và không độc lập. Muốn có dân chủ phải chống lề thói toàn trị. Muốn có độc lập phải chống nạn Bắc thuộc đang hiện hình.”

Đa số đồng bào mình có nhìn thấy “hai nỗi lo sợ” ấy của đảng Cộng Sản không?

“Hai mặt trận đấu tranh hiện nay của nhân dân có hai kẻ thù đều là giặc: giặc NỘI XÂM và giặc NGOẠI XÂM. Hai giặc này đang liên kết với nhau và sử dụng nhân dân hai nước hòng củng cố quyền lực và làm giàu.

“Như tôi đã nói nhiều lần, Chủ nghĩa Cộng sản ngự trị được ở Việt Nam là do ký sinh vào Chủ nghĩa Yêu nước, hút sinh lực từ lòng yêu nước của nhân dân. Trước đây nhiều người đã nghĩ rằng đất nước sẽ dần dần thoát khỏi chủ nghĩa ảo tưởng phi khoa học ấy bằng con đường Dân chủ hoá và Đổi mới toàn diện. Nghĩ thế cũng đúng nhưng chưa thật trúng. Ngày càng rõ rằng chủ nghĩa ấy đã vào bằng đường nào sẽ phải ra bằng đường ấy: đã mượn đường giành độc lập để vào thì sẽ bị trào lưu giành độc lập bảo vệ dân tộc trục xuất, ‘tiễn đưa’ ra. Sự có mặt của chủ nghĩa Trung Hoa trên đất nước này phải chăng là do trời đất xui khiến đến như một nhân tố tiền định để hoàn thành cho xong công đoạn tống xuất có tính lịch sử ấy? Hoặc là dân Việt Nam sẽ có cả độc lập và dân chủ trong sáng hoặc là mất trắng cả hai. Những lời “canh bạc cuối”, “tỷ lệ năm ăn năm thua” thiêng như lời sấm vậy, báo hiệu mọi điều đều có thể xảy ra.”

Thưa ông, hai cuộc “rước” chủ nghĩa và “tiễn” chủ nghĩa ấy có gì khác nhau?

“Đã bị nạn ngoại xâm (dù kiểu cũ hay kiểu hiện đại) thì nhân dân đều mất quyền làm chủ đất nước và đều gọi tắt là mất nước. Nhưng thời thuộc Pháp ta chỉ mất nước nhưng không mất dân tộc, vì Pháp không có khả năng đồng hoá dân tộc Việt Nam. Một khi dân tộc còn thì lòng yêu nước vẫn còn, và còn khả năng kháng chiến để giành lại nước. Nhưng ngày nay, nếu mất nước thì e sẽ mất luôn cả dân tộc tính! Chưa cần chứng minh bằng cách đi sâu vào lý luận, vào giáo lý Khổng Mạnh và văn hóa Trung Hoa. Chỉ cần tưởng tượng hàng vạn (biết đâu sẽ không hàng triệu) người Tàu tràn vào, lúc đầu là chiếm chỗ lao động rồi ở lại, mỗi chàng lấy một, hai hoặc ba người vợ Việt Nam bất cứ già trẻ miễn có thể sinh đẻ (hiện tượng này đã xảy ra rồi). Rất nhiều phụ nữ Việt Nam đang nghèo đói, lấy Tàu tại chỗ chẳng hơn phải sang làm nô lệ tình dục ở tận Đài Loan, Nam Hàn, Campuchia… ư? Những đứa trẻ sinh ra sẽ là Tàu hay là Việt, có lòng yêu nước nữa không, yêu nước Tàu hay yêu nước Việt?

“Bị Hán hoá là mất dân tộc. Mất dân tộc thì đau đớn hơn mất nước vì không bao giờ tìm lại được đất nước nữa mà vĩnh viễn trở thành quận huyện! Suốt bốn nghìn năm lịch sử Việt Nam, người Tàu không thực hiện được điều này, vì khi xưa còn thiếu một chủ nghĩa “Quốc tế Vô sản Đại đồng” để tiếp tay cho những kẻ thống trị (mà Mác vẫn tưởng là mình tiếp tay cho dân nghèo), cái chủ nghĩa giúp người nọ chiếm của người kia, nước nọ chiếm của nước kia cứ ngọt sớt, nó có tài biến sự chiếm đoạt thành sự tự nguyện hiến dâng, nó cứ nhân danh một người nào đó là y như rằng sẽ chiếm lĩnh được người ấy, thôn tính được người ấy. Không có chủ nghĩa Mác thì người Trung Hoa làm sao ký được 16 chữ vàng để ùa một cái tiến vào tận gan ruột Tây Nguyên giữa nước Việt Nam?”

Theo nhận định của ông, não trạng của giới lãnh đạo hiện nay tại Hà Nội ra sao mà họ lại để Trung Quốc hành xử ngày càng ngang ngược với Việt Nam, im lặng để “tàu lạ” bắt giữ, ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của tổ quốc chúng ta?

“Mặc dù biết sự tha hoá của quái ác quyền lực (nghĩa là khi có quyền lực người ta có thể biến chất thành một cái gì hoàn toàn khác, Lênin cũng nói vậy), nhưng tôi không tin rằng tất cả những người cầm quyền có thể đồng thuận một cách sai trái trước một nguy cơ quá lớn mà lại quá sơ đẳng như vậy. Nhất định trong thâm tâm một số người có sự giằng xé, nhất định trong nội bộ phải có sự phân liệt ý kiến. Nhưng tại sao cuối cùng ‘con tàu’ vẫn cứ một chiều lao tới không thể dừng?

“Chỉ có thể giải thích rằng yếu tố ngoại lai quá mạnh. Kẻ đã yếu bao giờ cũng phải lo xa, nhưng nhà nước Việt Nam toàn đi nước cờ muộn màng, luôn ấu trĩ ảo tưởng nên bị lừa rất sớm. “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn” huống chi một chú nai vàng ngơ ngác đã bị con báo nhảy lên lưng?

“Điều nguy hiểm là tình thế đã muộn, khó gỡ lại đang bị đẩy cho tăng tốc, dồn dập, cấp tập, cốt tạo ra sự đã rồi, để tình thế không thể đảo ngược! Đã tàn ác thì phải tàn ác cấp tập ngay từ đầu, để sau đó sẽ nới ra một chút để tỏ lòng nhân ái, ấy là mẹo Machiavel. Thế nước như vậy chỉ có nhân dân mới làm thay đổi được. Nhân dân như vị tướng tài, như người khổng lồ vẫn bị giam lỏng, có thả vị tướng ‘vạn địch nhân’ này ra mới cứu được nước.”

Trước tình hình Trung Quốc ngày càng tỏ dấu hiệu bá quyền với Việt Nam, đồng bào mình trong và ngoài nước có thể làm được gì?

“Theo thiển ý, chúng ta cần làm cho mọi người Việt Nam tỉnh giấc để nhận ra tình huống rất bất thường của dân tộc mình trước nạn nội xâm và ngoại xâm đang ráo riết câu kết, đang có nguy cơ trở thành “sự đã rồi”. Lịch sử không cho thoát một ai, không châm chước cho ai ngủ gật hay giả vờ ngủ gật, hoặc thế này, hoặc thế kia đều phải trả giá trước lương tâm và trước lịch sử.

“Chỉ có nhân dân mới cứu được nước. Cần phát triển một xã hội dân sự cường tráng mới phát huy được sinh lực của dân.

“Cần dẹp mọi tị hiềm, mọi thù oán cũ để hướng vào vận mệnh đất nước, không hy sinh được một chút niềm riêng thì đừng nói chi điều đại nghĩa?”

***

Có lần trong cuộc trò chuyện điện thoại, Hà Sĩ Phu nói rằng “Chủ nghĩa Cộng sản đã vào Việt Nam bằng con đường lén lút; nó lẩn vào công cuộc chống Pháp của toàn dân chứ không qua sự nhận thức của trí tuệ. Bây giờ, giới lãnh đạo Hà Nội nếu khôn ngoan thì nên chính thức làm lễ tiễn cái chủ nghĩa này ra khỏi đất nước. Nếu không, đến một lúc nào dân tộc không còn chịu đựng được nữa thì cuộc nổi dậy sẽ đánh đuổi nó (Chủ nghĩa Cộng sản) như một tên ăn cắp.”