Hai cựu đại biểu Quốc hội cấp cao Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân đã bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tù nhiều năm vì đã lợi dụng quyền hành can thiệp vào công việc của chính quyền làm lợi cho doanh nghiệp nhằm trục lợi cho bản thân, theo báo chí trong nước.
Các mức án tù được đưa ra khi Viện kiểm sát công bố bản luận tội sau khi Tòa kết thúc phần xét hỏi trong phiên tòa sơ thẩm hôm 8/1 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Bình.
Cụ thể, ông Lưu Bình Nhưỡng, vốn từng là phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bị đề nghị hai mức án tù cho hai tội danh riêng rẽ: từ 3 năm đến 3,5 năm tù cho tội ‘Cưỡng đoạt tài sản’ và 10-12 năm tù cho tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’. Mức án tối đa cho cả hai tội của ông Nhưỡng lên tới 15,5 năm tù, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Vân, vốn từng là ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội, bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 7-9 năm tù cũng về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’, cũng theo Tuổi Trẻ.
Cáo trạng được tờ Tiền Phong dẫn lại cho biết ông Nhưỡng đã có một loạt hành vi can thiệp vào công việc của chính quyền với danh nghĩa đại biểu Quốc hội, đáng kể nhất là nhờ công an tỉnh Thái Bình tạo điều kiện thuận lợi cho một nhóm giang hồ bắt chẹt các doanh nghiệp khai thác cát tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, để buộc họ phải chung tiền mới được cho khai thác. Ông Nhưỡng được cho là có phần hùn với nhóm giang hồ này và được chia tiền.
Ngoài ra, ông Nhưỡng cũng được cho là đã can thiệp vào tòa án ở Hải Phòng nhằm thay đổi phán quyết trong một vụ án tranh chấp đất đai ở huyện Thủy Nguyên theo hướng có lợi cho đối tượng đến nhờ ông giúp đỡ. Đổi lại, ông Nhưỡng đã được biếu bộ cổng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng để gắn vào nhà thờ họ.
Vị cựu đại biểu Quốc hội này còn bị cáo buộc đã nhận gần 7 tỷ đồng từ một doanh nghiệp để chuyển đơn kêu cứu của họ cho Thủ tướng để giúp họ được duyệt dự án Quế Võ 3 ở tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, gia đình ông Nhưỡng đã nộp lại số tiền này. Không những thế, ông Nhưỡng đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để can thiệp cho Công ty Hạ Long sớm được cấp phép khai thác dự án 36 ha và được hưởng lợi 210 triệu đồng cùng những quyền lợi đất đai khác tại dự án có giá trị gần 2 tỷ đồng, theo cáo trạng được Tuổi Trẻ dẫn lại.
Riêng ông Lê Thanh Vân, cáo trạng cho rằng ông đã phối hợp với ông Nhưỡng để gây áp lực lên chính quyền tỉnh Quảng Ninh nhằm giúp Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác mỏ đất. Đổi lại, ông Nhưỡng được doanh nghiệp này ‘hiếu kính’ 210 triệu đồng trong khi ông Vân nhận 60 triệu đồng.
Cáo trạng cho rằng hai vị cựu đại biểu Quốc hội này ‘đã không đại diện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm, khách quan’ nhưng Viện kiểm sát cũng đã xem xét công lao của hai ông khi phục vụ ở Quốc hội và hành động khắc phục hậu quả để giảm nhẹ hình phạt.