Chính phủ Nam Triều Tiên hôm nay tố cáo quân đội Bắc Triều Tiên xâm nhập trái phép vào phía Nam Triều Tiên trong vùng phi quân sự và cố ý gài mìn làm hai binh sĩ của miền nam bị thương hôm 4 tháng 8. Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu, có nhiệm vụ giám sát cuộc ngưng bắn giữa hai miền Triều Tiên, đã tham gia cuộc điều tra về vụ này và tán đồng kết luận của giới hữu trách Seoul. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA tường thuật từ Seoul.
Thiếu tướng Ku Hong Mo của Bộ Tham mưu Nam Triều Tiên lên án Bắc Triều Tiên về hành vi mà ông gọi là hèn nhát và đáng kinh tởm.
"Vụ gây hấn này là một sự vi phạm trắng trợn Hiệp định Hưu chiến và thoả thuận bất tương xâm giữa Nam và Bắc Triều Tiên."
Những vụ nổ của 3 quả mìn hồi tuần trước xảy ra bên phía miền nam của vùng phi quân sự, nơi có 8 binh sĩ Nam Triều Tiên đang đi tuần. Một binh sĩ bị đứt cả hai chân trong những vụ nổ và một binh sĩ khác bị đứt một chân.
Được thiết lập vào lúc chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên năm 1953, Vùng phi quân sự là một vùng trái độn rộng 4 kilo mét nằm dọc theo biên giới hai miền Triều Tiên. Theo ước tính, hơn 1 triệu quả mìn được gài trong khu vực này.
Các nhà điều tra nêu lên loại và kiểu của thùng gỗ mà họ tìm thấy tại nơi xảy ra những vụ nổ và loại chất nổ được sử dụng như những bằng chứng để hỗ trợ cho tố cáo của họ là những quả mìn này do Bắc Triều Tiên chế tạo. Nơi xảy ra vụ nổ nằm trong một khu vực mà binh sĩ Nam Triều Tiên thường xuyên tuần tiễu, và điều này chứng tỏ những quả mìn được gài hồi gần đây.
Bộ Tham mưu Nam Triều Tiên đưa ra một thông cáo đòi Bắc Triều Tiên xin lỗi và hứa sẽ trả đũa.
"Như quân đội chúng tôi đã cảnh cáo nhiều lần, chúng tôi sẽ buộc Bắc Triều Tiên trả giá rất đắt cho sự gây hấn của họ."
Ông Yang Wook, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Triều Tiên ở Seoul, cho rằng Bình Nhưỡng có phần chắc là đã hành động như vậy để hăm doạ Nam Triều Tiên và ông không tin là Seoul sẽ có hành động đáng kể nào để trả đũa.
"Do đó, theo quan điểm của Bắc Triều Tiên, họ không có gì để mất, cho dù họ không thành công."
Seoul đã cúp hầu hết viện trợ kinh tế cho miền Bắc và áp đặt những biện pháp chế tài vào năm 2010, sau khi một chiến hạm của Nam Triều Tiên bị đánh chìm, làm cho 46 binh sĩ hải quân thiệt mạng. Seoul tố cáo Bình Nhưỡng thực hiện vụ tấn công, nhưng Bắc Triều Tiên nói rằng họ không hề dính líu gì tới vụ này.
Bắc Triều Tiên có phần chắc sẽ phủ nhận tố cáo về những vụ nổ mìn, trong lúc căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Hồi đầu năm nay Bình Nhưỡng đã mạnh mẽ phản đối việc thiết lập một văn phòng của Liên Hiệp Quốc ở Seoul để điều tra những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở miền bắc.
Bắc Triều Tiên cũng phản đối những vụ thao dượt chung mà Seoul và Washington sắp sửa thực hiện. Tuần trước Bắc Triều Tiên tuyên bố họ sẽ tạm ngưng chương trình hạt nhân nếu Hoa Kỳ huỷ bỏ những cuộc thao dượt hỗn hợp này. Washington nói rằng họ sẽ không dành cho Bình Nhưỡng một sự nhượng bộ, bởi vì ngưng chương trình hạt nhân là nghĩa vụ của Bắc Triều Tiên trong các hiệp định hạt nhân trước đây và Liên Hiệp Quốc đang áp dụng những sự hạn chế đối với Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích tình hình Bắc Triều Tiên Yang Wook cho rằng Seoul sẽ trả đũa bằng cách thực hiện thêm những cuộc tập trận hoặc gia tăng cường độ của những hoạt động tâm lý chiến chống lại chế độ Cộng Sản miền bắc.
"Chúng tôi có thể gây sức ép lên Bắc Triều Tiên qua việc tiến hành những cuộc diễn tập quân sự qui mô lớn hoặc trừng trị họ bằng cách thực hiện lại cuộc chiến tranh tâm lý mà họ sợ nhất."
Tuy đã có một số cuộc thảo luận không chính thức, đôi bên chưa đồng ý với nhau về việc cử hành một buổi lễ chung trong tuần này để kỷ niệm 70 năm ngày bán đảo Triều Tiên thoát ách cai trị của thực dân Nhật.