Những người cổ vũ giải pháp răn đe hạt nhân của Hàn Quốc nói chính phủ ở Seoul phải theo đuổi các vũ khí hạt nhân của riêng mình, để bảo vệ miền Nam chống những khả năng hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng tăng của Bắc Hàn.
Ông Song Dae-sung, một giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Kunkuk ở Seoul, và tác giả của cuốn sách "Let's Have Nuclear Power", đưa ra những lập luận cổ vũ cho một miền Nam trang bị vũ khí hạt nhân. Ông nói:
"Nếu Bắc Hàn trở thành một nước trang bị vũ khí hạt nhân trong khi đối thủ của họ không có khả năng hạt nhân, thì nước không có vũ khí hạt nhân sẽ trở thành nô lệ hay con tin của nước có vũ khí hạt nhân. Đấy là nguyên tắc cơ bản của chính trị quốc tế."
Dân biểu quốc hội Won Yoo-chul, một lãnh đạo của đảng Saenuri đương quyền, từng là một nhân vật khác mạnh mẽ cổ vũ giải pháp Hàn Quốc thủ đắc vũ khí hạt nhân.
Ông Won đã thành lập một toán nghiên cứu trong nội bộ Ủy ban quốc hội về quốc phòng để thẩm định những rủi ro và lợi ích của giải pháp Hàn Quốc theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Ông Won từng tuyên bố "cách răn đe hiệu quả nhất để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân là có vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ."
Những người ủng hộ giải pháp miền Nam thủ đắc vũ khí hạt nhân lập luận rằng các biện pháp chế tài áp dụng đối với Bắc Hàn về cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ Tư của họ và vụ phóng tên lửa tầm xa gần đây nhất, cho tới nay đã không răn đe được Bình nhưỡng.
Từ khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng, quân đội Bắc Hàn đã tăng tốc việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của họ bằng cách thực hiện nhiều vụ phóng và các hình ảnh vệ tinh cho thấy có dấu hiệu là lò phản ứng Yongbyon của Bắc Hàn đã tái tục việc sản xuất plutonium được dùng để chế tạo bom hạt nhân.
Your browser doesn’t support HTML5
Hôm 25/8, truyền thông nhà nước Bắc Hàn tường thuật rằng lãnh tụ Kim Jong Un của miền Bắc đã đích thân giám sát một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ một tàu ngầm, và tuyên bố vụ phóng này là "thành công vĩ đại nhất" sẽ đặt Bắc Hàn ở "hàng đầu" các cường quốc hạt nhân quân sự.
Giới cổ vũ cho giải pháp hạt nhân hoá miền Nam nói Hàn Quốc không thể đặt số phận của mình trong tay của Trung Quốc hay của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh cho tới nay vẫn tỏ ra miễn cưỡng, không quyết liệt thực thi các biện pháp chế tài, vì theo họ, cần có một lực đối trọng ổn định để chống lại các lực lượng quy ước của liên minh Mỹ-Hàn Quốc.
Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hoà Donald Trump đã làm dấy lên những nghi vấn về chính sách của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì khả năng răn đe hạt nhân trong khu vực, khi ông chất vấn cam kết của Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Hàn Quốc.
Ông Song nói: "Nếu Hoa Kỳ bầu một Tổng thống có những lập luận như thế, thì Hàn Quốc lại càng cần có khả năng hạt nhân hơn nữa."
Tuy nhiên, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye ủng hộ chính sách răn đe và kiềm chế hiện hành, bao gồm liên minh quân sự thân thiết với Hoa Kỳ và cùng lúc, tăng áp lực quốc tế lên chính quyền Bắc Hàn.
Những người chống đối việc trang bị vũ khí hạt nhân cho Hàn Quốc nói làm như vậy sẽ phá vỡ cấu trúc an ninh đã duy trì hoà bình trong khu vực trong nhiều thập niên qua.
Đó là chưa kể Liên Hiệp Quốc có thể áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế và ngoại giao đối với Hàn Quốc nếu nước này phát triển vũ khí hạt nhân, vi phạm Hiệp ước cấm phổ biện vũ khí hạt nhân mà Seoul đã ký kết.
Your browser doesn’t support HTML5