Bộ trưởng khoa học của Hàn Quốc cho biết tên lửa không gian do nước này tự sản xuất trong nước lần đầu tiên đưa một vệ tinh đạt chuẩn thương mại vào quỹ đạo hôm thứ Năm 25/5, là bước đột phá trong tham vọng cạnh tranh trong cuộc đua vũ trụ với các nước láng giềng châu Á.
Tên lửa Nuri phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Naro ven biển miền nam Hàn Quốc lúc 6h24 chiều, giờ địa phương (9h24, giờ chuẩn quốc tế GMT), trong lần phóng thứ ba sau khi có trục trặc kỹ thuật khiến việc phóng bị hủy bỏ một ngày trước đó.
Bộ trưởng Khoa học Lee Jong-ho cho hay trong số 8 vệ tinh được tên lửa mang lên, vệ tinh thương mại chính đã liên lạc với một trạm cơ sở ở Nam Cực sau khi tách thành công khỏi tên lửa.
6 vệ tinh dạng khối lập phương khác cũng đã được triển khai, nhưng Bộ Khoa học Hàn Quốc cho biết họ vẫn đang kiểm tra xem một vệ tinh dạng khối còn lại có được thả ra một cách bình thường hay không.
Tổng thống Yoon Suk Yeol nói rằng cuộc phóng này đưa Hàn Quốc vào danh sách 7 quốc gia hàng đầu đã đưa các vệ tinh sản xuất nội địa lên quỹ đạo bằng các phương tiện phóng không gian được chế tạo trong nước.
“Điều này sẽ thay đổi mạnh mẽ cách thế giới nhìn nhận công nghệ khoa học vũ trụ và ngành công nghiệp tiên tiến của Hàn Quốc”, ông Yoon nói.
Cuộc phóng hôm 25/5 được thiết kế để lần đầu tiên đặt một vệ tinh thương mại lên tên lửa, sau cuộc thử thứ hai hồi tháng 6 năm ngoái đã đưa thành công các vệ tinh giả vào quỹ đạo.
Tên lửa KSLV-II Nuri 3 tầng là phương tiện phóng vũ trụ được chế tạo trong nước đầu tiên của Hàn Quốc và chỉ sử dụng công nghệ tên lửa của nước này. Dự kiến sẽ có thêm ba cuộc phóng nữa vào năm 2027.
Nuri là thành phần chính trong các kế hoạch đầy tham vọng của Hàn Quốc nhằm khởi động chương trình không gian non trẻ và thúc đẩy tiến bộ về mạng 6G, vệ tinh do thám và thậm chí cả tàu thăm dò mặt trăng.
Seoul cũng có kế hoạch phóng vệ tinh quân sự, nhưng họ loại trừ việc sử dụng Nuri làm vũ khí dưới bất cứ hình thức nào.
(Reuters)