Sau nhiều tuần lùng sục dưới nước, quân đội Hàn Quốc hôm 15/6 đã trục vớt được một phần khá lớn của một rốc-két Triều Tiên bị rớt trong vụ đưa vệ tinh do thám vào quỹ đạo thất bại 15 ngày trước đó.
Vật thể hình trụ dài 12 mét, rộng 2,5 mét, được cho là tầng thứ hai của rốc-két ba tầng, đã được kéo lên khỏi đáy biển. Theo Tham mưu trưởng liên quân của Seoul, nó được trục vớt từ độ sâu 75 mét, cách một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía tây khoảng 200 km. Hàng chục thợ lặn biển sâu, cũng như tàu và máy bay, dốc sức thực hiện nhiệm vụ sau khi rốc-két rơi xuống biển Hoàng Hải hôm 31/5.
Những hình ảnh của mảnh vỡ từ rốc-két mà Triều Tiên gọi là Chollima-1 cho thấy một thân rốc-két còn nguyên vẹn, được đánh dấu bằng một cái tên khác, “Cheonma”.
Phần trục vớt được sẽ được nghiên cứu bởi cả chuyên gia Hàn Quốc và Mỹ, quân đội Seoul cho biết, và hoạt động trục vớt cẩn thận vẫn tiếp tục trên biển, tìm kiếm tầng thứ ba và trọng tải của rốc-két.
Tìm manh mối
Các nguồn lực đáng kể đang được đổ vào hoạt động này vì các mảnh vỡ mang đến cơ hội hiếm có để quan sát trực tiếp những tiến bộ liên quan đến phi đạn của Triều Tiên và tìm nguồn cung ứng tiềm năng cho các bộ phận của nó.
Một “khởi động thất bại” của động cơ giai đoạn hai là nguyên nhân dẫn đến vụ phóng thất bại vào tháng trước, theo báo cáo của truyền thông nhà nước Triều Tiên, đồng thời cho biết rốc-két phóng mang theo một vệ tinh trinh sát quân sự, Malligyong-1.
Các nhà phân tích cho rằng một động cơ giai đoạn hai còn nguyên vẹn trong thân rốc-két có thể cung cấp manh mối về những tiến bộ công nghệ cũng có thể thích ứng với phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.
Hãng thông tấn Yonhap có trụ sở tại Seoul đưa tin, động cơ giai đoạn đầu được cho là rất giống với động cơ ICBM Hwasong-15 hoặc Hwasong-17, mặc dù động cơ giai đoạn hai dự kiến sẽ là một phiên bản mới hơn.
Quân đội Hàn Quốc cho biết hồi đầu tuần này rằng các tàu chiến Trung Quốc cũng đang tiến sát Hoàng Hải, đồng thời cho biết thêm các hoạt động của Trung Quốc không cản trở nỗ lực của Hàn Quốc khi việc này diễn ra ở vùng biển rộng.
Triều Tiên tuyên bố sẽ hiện thực hóa mục tiêu đưa một vệ tinh do thám quân sự vào quỹ đạo, bác bỏ những lời chỉ trích từ các nhà lãnh đạo thế giới chống lại vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết của Liên hiệp quốc cấm thử vũ khí đạn đạo.
Bình Nhưỡng hôm 15/6 cũng quay trở lại việc phóng phi đạn đạn đạo, lần đầu tiên sau khoảng hai tháng, bằng một cặp phi đạn đạn đạo tầm ngắn. Một tuyên bố được đưa lên KCNA ngay trước đó đã chỉ trích cuộc tập trận “tiêu diệt” bằng đạn thật của Hàn Quốc và Mỹ, hứa hẹn sẽ “đáp trả hoàn toàn” các động thái mà Bình Nhưỡng gọi là khiêu khích của Mỹ-Hàn.