Bừng bừng khí thế tuổi trẻ, hàng trăm ngàn thanh thiếu niên và những người ủng hộ họ đã tụ tập khắp nước Mỹ chống lại bạo lực súng ống hôm thứ Bảy, tuyên bố sẽ biến nỗi sợ hãi và đau thương thành một phong trào "bỏ phiếu truất phế họ" và thành luật chống vũ khí và đạn dược.
Họ đổ ra đường ở thủ đô Washington và các thành phố khác như Boston, New York, Chicago, Houston, Minneapolis, Phoenix, Los Angeles và Oakland ở bang California, với số lượng đông đảo như thời biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam, cuốn hút các nhà hoạt động từ lâu chán ngán vì tình trạng bế tắc trong cuộc tranh luận về súng ống và mang tới nhiều tiếng nói mới, trẻ trung.
Họ được hiệu triệu hành động bởi một nhóm nhà lãnh đạo hoàn toàn mới: những học sinh sống sót sau vụ xả súng trường học ở thành phố Parkland, bang Florida, làm 17 người chết vào ngày 14 tháng 2.
"Nếu bạn lắng nghe thật kỹ, bạn có thể nghe thấy những người nắm quyền đang run rẩy," David Hogg, một người sống sót sau vụ xả súng ở Florida nói với đám đông người biểu tình đang hò reo nhiệt liệt trên Đại lộ Pennsylvania, gần Điện Capitol. "Chúng ta sẽ đem tinh thần này tới mỗi một cuộc bầu cử, mỗi một tiểu bang và mỗi một thành phố. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng những người giỏi nhất được tranh cử, không phải các chính trị gia mà là người dân Mỹ.
"Bởi vì cái này," cậu nói, chỉ về phía tòa nhà Quốc hội ngay sau lưng, "họ không làm việc hữu hiệu."
Hô những khẩu hiệu "Bỏ phiếu truất phế họ!" và mang những biểu ngữ viết "Chúng ta là sự thay đổi," "Không im lặng nữa" và "Gạt tiền của NRA ra khỏi chính trị," những người biểu tình đứng dọc Đại lộ Pennsylvania từ sân khấu gần Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, cho tới tận Nhà Trắng.
Những người biểu tình lên án Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) và các đồng minh của họ, nói rằng họ sợ bị bắn ở trường học và chán ngán vì người lớn không có hành động gì hết vụ xả súng này đến vụ xả súng khác.
Họ kêu gọi các biện pháp như cấm các băng đạn dung lượng lớn và súng trường kiểu tấn công giống như loại được kẻ sát nhân sử dụng trong vụ thảm sát ở Florida, kiểm tra lí lịch và an ninh trường học nghiêm ngặt hơn, và nâng độ tuổi mua súng.
Không có con số thống kê chính thức, nhưng cuộc tập hợp mang tên "March for Our Lives" (Tuần hành vì Sinh mạng của Chúng ta) dường như ngang ngửa với cuộc tuần hành của phụ nữ vào năm ngoái vốn thu hút nhiều người hơn rất nhiều so với con số dự đoán 300.000 người.
Tổng thống Donald Trump đang ở Florida vào dịp cuối tuần và cũng không lên Twitter phát biểu.
Phát ngôn viên của Nhà Trắng Zach Parkinson nói: "Chúng tôi biểu dương nhiều người Mỹ trẻ tuổi can đảm đang thực hành quyền tự do biểu đạt của họ ngày hôm nay." Ông chỉ ra những nỗ lực của ông Trump trong việc cấm các thiết bị bump stock làm cho súng nhả đạn liên tục và sự ủng hộ của ông dành cho các biện pháp an toàn trong trường học và mở rộng kiểm tra lí lịch cho các vụ mua bán súng.
NRA im tiếng trên Twitter cả buổi sáng, trái ngược với phản ứng của họ trước các vụ học sinh bỏ lớp biểu tình trên toàn quốc chống lại bạo lực súng ống vào ngày 14 tháng 3. Khi đó họ tweet bức hình một khẩu súng trường tấn công và thông điệp "Tôi sẽ tự kiểm soát súng của mình, cảm ơn."
Khoảng 30 người ủng hộ quyền sở hữu súng đã tổ chức một cuộc phản biểu tình của riêng mình trước trụ sở FBI ở Washington, đứng im lặng giơ những biểu ngữ như "Nạn nhân có vũ khí sống lâu hơn" và "Ngừng vi phạm quyền dân sự."
Emma Gonzalez, một trong những học sinh đầu tiên của trường trung học phổ thông Marjory Stoneman Douglas ở Florida phát biểu sau thảm họa ở đó, thỉnh cầu những người có quyền bỏ phiếu bầu cử.
Trong bài phát biểu của mình, cô đã đọc tên của những người chết ở Parkland, sau đó cùng đám đông giữ im lặng hơn sáu phút, khoảng thời gian mà tay súng hạ sát các học sinh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho những người bạn đã chết của chúng tôi," Delaney Tarr, một người sống sót khác sau vụ xả súng ở Florida, tuyên bố trên sân khấu. Đám đông hò reo đồng tình khi cô đưa ra đòi hỏi chủ chốt của học sinh: một lệnh cấm "vũ khí chiến tranh" cho tất cả mọi người ngoại trừ binh sĩ.
Cháu nội 9 tuổi của lãnh tụ dân quyền Martin Luther King Jr. khiến đám đông vỡ òa với phần phát biểu của mình ở Washington, dẫn lại câu nói nổi tiếng nhất của ông.
"Em có một giấc mơ, rằng chuyện này quá đủ rồi," cô bé nói. "Rằng thế giới này là một thế giới không súng ống. Chấm hết."
Ở Parkland, cảnh sát hiện diện đông đảo khi hơn 20.000 người đổ vào một công viên gần trường học, hô to những khẩu hiệu "Đã quá đủ rồi" và mang theo những biểu ngữ viết "Tại sao súng quan trọng hơn mạng sống của chúng ta?" và "Lá phiếu của chúng ta sẽ ngăn những viên đạn."
Bạo lực súng ống còn in đậm trong tâm trí của một số người trong đám đông ở Washington. Ayanne Johnson, học sinh trường trung học phổ thông Great Mills ở Maryland, cầm một biểu ngữ viết "Tôi tuần hành vì Jaelynn" tôn vinh bạn học Jaelynn Willey, người đã qua đời hôm thứ Hai sau khi bị một bạn học cùng trường bắn. Một em học sinh nam bị thương trong vụ tấn công này, và tay súng cũng đã chết.
Kể từ vụ đổ máu ở Florida, các học sinh đã tranh thủ luồng dư luận ủng hộ kiểm soát súng vốn đang lớn dần từ nhiều năm qua — nhưng vẫn phải đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ từ NRA và những người ủng hộ tổ chức này.
Các nhà tổ chức hy vọng nhiệt huyết của đám đông và danh sách những người phát biểu dưới 18 tuổi sẽ trở thành điểm biến chuyển bắt đầu từ cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay.
Những người biểu tình, nhiều người trong đó là học sinh trung học, nói rằng sự lãnh đạo của thanh thiếu niên trong phong trào này là điều giúp nó khác biệt so với những nỗ lực trước đó nhằm ban hành luật kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn.
Các cuộc khảo sát cho thấy dư luận toàn quốc có thể đang dịch chuyển về một vấn đề đã sôi sục từ nhiều thế hệ, và qua hàng chục vụ xả súng hàng loạt.
Một cuộc khảo sát ý kiến mới của hãng tin AP và Trung tâm Nghiên cứu Vấn đề Công cộng NORC cho thấy 69 phần trăm người Mỹ nghĩ rằng luật súng ở Mỹ cần được thắt chặt. Con số này tăng từ mức 61 phần trăm vào tháng 10 năm 2016 và 55 phần trăm khi AP lần đầu tiên đặt câu hỏi vào tháng 10 năm 2013.
Nhưng dù nhiều người tuyên bố đang có đà tiến lịch sử trong xã hội về vấn đề kiểm soát súng, cuộc khảo sát của AP cũng nhận thấy gần một nửa người Mỹ không cho rằng các quan chức công cử sẽ hành động.
Trong số những câu hỏi mà các nhà tổ chức và những người tham gia cuộc biểu tình đối mặt sẽ là làm thế nào để biến sự kiện một ngày này thành sự thay đổi về luật pháp.
Một cách mà họ hy vọng sẽ làm là đăng ký cử tri trẻ tuổi và hướng nguồn năng lượng đó vào cuộc bầu cử giữa kỳ vào mùa thu năm nay.