Truyền thông Việt Nam cho biết hàng chục nghìn người hôm 26/7 đã đến viếng và tiễn đưa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người được xem là “nhà lãnh đạo lỗi lạc” thống trị nền chính trị trong nước hơn một thập kỷ nhưng, theo các chuyên gia, đã để lại một di sản gây tranh cãi.
Ông Trọng qua đời hôm 19/7 ở tuổi 80 và cái chết của ông đánh dấu sự khởi đầu của việc tìm kiếm người kế nhiệm chức vụ lãnh đạo Đảng Cộng sản trong khi Chủ tịch nước Tô Lâm đang tạm đảm nhận chức vụ này. Các báo do Nhà nước Việt Nam quản lý đồng loạt đổi màu đen trắng với tấm hình ông Trọng cùng dòng chữ “nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước vì dân.”
Theo báo Chính phủ, hàng nghìn người dân đã chờ đợi “từ mờ sáng” ngày 26/7 để vào viếng ông Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia ở Hà Nội trước lễ truy điệu và tiễn đưa vị tổng bí thư quá cố tới nơi an nghỉ cuối cùng trong cùng ngày. Ban Lễ tang được báo Chính phủ trích dẫn cho biết hơn 36.000 lượt người đến viếng ông Trọng ở quê nhà ông ở Đông Hội, thuộc Đông Anh, và hơn 40.000 lượt người đăng ký viếng tại Hội trường Thống nhất ở TPHCM trong ngày 26/7.
Tang lễ của ông Trọng được tổ chức trong hai ngày từ 25 đến 26 cùng lúc tại 3 địa điểm viếng nêu trên. Theo VnExpress, có khoảng 55.600 lượt người, gồm cả quan chức và người dân, đến viếng ông Trọng ở các địa điểm này trong ngày đầu tiên.
Các hình ảnh trên truyền thông nhà nước Việt Nam cho thấy quan tài của ông Trọng được phủ lá cờ đỏ sao vàng với bức chân dung và hàng chục huy hiệu của ông tại nhà tang lễ ở Hà Nội.
Việt Nam treo cờ rủ ở khắp mọi nơi và ngừng mọi hoạt động thể thao cũng như giải trí trong hai ngày quốc tang của ông Trọng, người đã lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam 3 nhiệm kỳ liên tiếp chưa từng có tiền lệ từ năm 2011 đến khi qua đời.
Tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và an táng ông Trọng hôm 26/7, báo Tin tức của TTXVN cho biết ông được chôn cất tại nghĩa trang Mai Dịch ở Hà Nội, cũng là nơi an nghỉ của các quan chức cấp cao của Đảng và quân đội Việt Nam.
Các quan chức hàng đầu của Đảng, gồm ông Tô Lâm – người tạm thời tiếp quản chức tổng bí thư một ngày trước khi ông Trọng mất, và cả những người đã mãn nhiệm, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay các lãnh đạo trong 'bộ tứ' đã bị buộc thôi chức dưới thời ông Trọng, như cựu Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, cựu Chủ tịch Võ Văn Thưởng và cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã tham dự lễ tang của ông Trọng tại Hà Nội, theo các hình ảnh trên báo chí trong nước.
Các nhà lãnh đạo thế giới đến viếng ông Trọng gồm có Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez, và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hỗ Ninh, trong số nhiều người khác.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không đến dự lễ tang ông Trọng như dự kiến. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng ông Blinken phải lùi thời gian đến Việt Nam tới cuối tuần vì cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. Theo AFP, ông Blinken đã lên đường đi châu Á hôm 25/7 và sẽ đến Việt Nam ngày 27/7 để gửi lời chia buồn của Hoa Kỳ tới các quan chức Việt Nam sau sự ra đi của ông Trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi lời chia buồn trước đó, gọi ông Trọng là “người ủng hộ mạnh mẽ” quan hệ sâu sắc giữa Mỹ và Việt Nam. Ông Biden và ông Trọng nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9.
Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong một tuyên bố trên Telegram rằng ông Trọng sẽ được nhớ đến như một “người bạn thực sự” của nước Nga, người đã có “sự đóng góp cá nhân tuyệt vời” để cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia, theo AP. Ông Trọng đã tiếp đón ông Putin trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga ở Hà Nội hồi tháng 6.
Ông Trọng đã học tại Liên Xô từ năm 1981 đến 1983 và là lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng ở Washington. Một trong những di sản của ông Trọng là chính sách đối ngoại thực dụng được ông gọi là “ngoại giao cây tre”, vốn nhắm đến sự linh hoạt vì có thể 'uốn cong' như tre nhưng đứng vững trước những cơn bão tố chính trị.
Việt Nam sẽ tiếp tục cách tiếp cận này trong chính sách đối ngoại sau khi ông Trọng mất đi, theo ông Greg Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.
“Đảng (Cộng sản Việt Nam), bất kể dưới sự lãnh đạo của ai, sẽ tiếp tục ưu tiên độc lập của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực lớn,” ông Poling nói trong một phân tích đăng trên CSIS. “Các nhà lãnh đạo Việt Nam, cho dù từ đảng hay chính phủ, coi trọng mối quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ và các đồng minh của họ như là một đối trọng với mối quan hệ cần thiết của họ với Trung Quốc.”
Ông Trọng, một người quảng bá hệ tư tưởng Marxist-Leninist, đã xem tham nhũng là mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với tính chính danh của Đảng Cộng sản. Do đó, ông đã phát động cuộc chiến chống tham nhũng sâu rộng, còn được gọi là “đốt lò” với ‘ngọn lửa’ lan đến cả giới tinh hoa chính trị và kinh doanh.
“Ông Trọng sẽ được nhớ đến lâu dài vì chiến dịch chống tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực, vốn đưa vào lưới hàng nghìn cán bộ đảng ở mọi cấp, bao gồm Bộ Chính trị và các bộ trước đây không thể đụng tới được như công an và quốc phòng,” ông Carl Thayer, giáo sư danh dự của Đại học New South Wales ở Úc nhận định với VOA.
Nhưng theo Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, chiến dịch chống tham nhũng đó “đã thất bại.”
“Tham nhũng vẫn còn phổ biến, đảng yếu hơn và có nhiều hoài nghi hơn về (cuộc chiến này) và nó đã phơi bày sự thối nát trong toàn bộ ban lãnh đạo cấp cao,” GS Abuza nói với VOA. “Nếu có bất cứ điều gì, chiến dịch mà ông (Trọng) nghĩ sẽ hợp pháp hoá đảng thì lại khiến nó thậm chí còn mất tính chính danh hơn.”
Còn theo nhận định của Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, từng thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, Đảng Cộng sản “không mất đi tính chính danh” dưới cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng nhưng “quá trình chống tham nhũng đã làm cho công chức, viên chức, người dân nghi ngờ hiệu quả của việc chống tham nhũng này.”
“Chiến dịch ‘đốt lò’ đã được ông Trọng đẩy mạnh, hướng tới minh bạch và trách nhiệm giải trình nhưng khi nhìn lại, thì có thể thấy ‘đốt lò’ chưa đủ mức độ minh bạch và còn thiếu trách nhiệm giải trình,” TS Hợp, hiện là nhà nghiên cứu độc lập, nhận định với VOA.
Kể từ năm 2016 khi ông Trọng nắm nhiệm kỳ tổng bí thư Đảng lần thứ 2 liên tiếp và phát động chiến dịch chống tham nhũng, hàng nghìn quan chức đã bị kỷ luật. Trong số những lãnh đạo cao nhất bị thanh trừng ngoài ông Phúc, ông Huệ và ông Thưởng còn có hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Cuộc chiến chống tham nhũng này cũng khiến cho 8 thành viên của Bộ Chính trị quyền lực cũng đã bị mất chức vụ.
“Tóm lại, ông Trọng sẽ được nhớ đến như một người tuân thủ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội, Tư tưởng Hồ Chí Minh và là người ủng hộ chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam,” GS Thayer nói. “Ông cũng sẽ được coi là một người phản đối gay gắt diễn biến hoà bình và chủ nghĩa đa nguyên chính trị nhưng là một người thực dụng trong chính sách đối ngoại.”
Phát biểu tại lễ tang ông Trọng hôm 25/7, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Lương Cường nói rằng sự ra đi của ông Trọng là “một mất mát vô cùng to lớn, không gì có thể lấy lại được” đối với đảng, nhà nước và người dân Việt Nam.