Hãng Israel bị nghi tiếp tay công an Việt Nam xâm nhập điện thoại di động

Trang web của HTI ở Việt Nam giới thiệu về phần mềm UFED của hãng Cellebrite, Israel.

Tại Israel, một luật sư nhân quyền tố cáo hãng Cellebrite bán công nghệ xâm nhập điện thoại cho công an Việt Nam, có thể được dùng để nhắm mục tiêu vào các nhà báo hoặc các nhà hoạt động, theo một phóng sự của báo Haaretz.

Từ Việt Nam, một cựu đại tá công an nói với VOA rằng việc Bộ Công an mua thiết bị của Israel là điều cần thiết, nhưng từ vị trí là công dân, ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm quyền của công an. Một cựu tù nhân lương tâm có đồng quan điểm về mối lo này.

Bài báo được Haaretz đăng hôm 15/7 cho biết luật sư Eitay Mack mới tiến hành điều tra và thấy rằng Bộ Công an Việt Nam là một trong những khách hàng mua Phần mềm Trích xuất và Phân tích Dữ liệu Điện thoại (UFED) của hãng công nghệ Cellebrite.

Hãng này hoạt động với sự hậu thuẫn tích cực của chính phủ Israel, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Haaretz viết.

Bộ Công an đã hợp tác với Israel để mua phần mềm này thì tôi cho đó là việc hợp lý, cần thiết bởi vì công nghệ càng ngày càng hiện đại, phương tiện thông tin quá dễ dàng.
Cựu đại tá Nguyễn Như Phong


Theo thông tin của Cellebrite, UFED - ở Việt Nam thường gọi là phần mềm phá khóa điện thoại - giúp nhà chức trách lấy ra dữ liệu từ máy điện thoại đã bị khóa.

Cellebrite vẫn thường tuyên bố rằng phần mềm nêu trên, sản phẩm chủ lực của hãng, chỉ được bán cho các cơ quan thực thi luật pháp hoặc quốc phòng chính danh để chống tội phạm, chẳng hạn như bọn ấu dâm hoặc khủng bố.

Cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong, người cũng là một nhà văn-nhà báo được biết tiếng rộng rãi ở Việt Nam, đưa ra nhận xét với VOA về việc công an Việt Nam mua công nghệ của Israel:

“Một trong những biện pháp quan trọng của lực lượng công an là giám sát, theo dõi để phát hiện các đối tượng chống đối nhân dân, đảng, chính phủ. Bộ Công an đã hợp tác với Israel để mua phần mềm này thì tôi cho đó là việc hợp lý, cần thiết bởi vì công nghệ càng ngày càng hiện đại, phương tiện thông tin quá dễ dàng, thế mà không ít kẻ lợi dụng để làm những việc không tốt”.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra của luật sư Mack và một số người khác cho thấy nhiều khách hàng của Cellebrite, trong đó có công an Việt Nam, sử dụng UFED cho cả các mục đích khác, chẳng hạn như nhắm mục tiêu vào các nhà báo hay các nhà hoạt động vì dân chủ, nhân quyền.

Cuộc điều tra của ông Mack về việc Cellebrite bán hàng cho Việt Nam là phần mới nhất trong một chuỗi các cuộc điều tra về việc hãng này đường đường chính chính bán các công cụ, thiết bị cho nhiều nước có chế độ áp bức và các tổ chức đang chịu lệnh trừng phạt quốc tế.

Đó là các ban điều tra hoặc các đơn vị cảnh sát ở Nga, Hong Kong, Bangladesh, Indonesia và các nước khác. Khi kết quả các cuộc điều tra được công bố, Cellebrite đã dừng bán cho Trung Quốc, Hong Kong, Nga và Belarus.

Việt Nam có 98 triệu dân nhưng có tới 148,5 triệu thuê bao điện thoại di động.

Về thương vụ giữa Cellebrite và Bộ Công an Việt Nam, luật sư Mack và hàng chục nhà hoạt động nhân quyền đã gửi các bức thư phản đối đến một tổng cục trưởng thuộc Bộ Quốc phòng Israel chuyên giám sát việc xuất khẩu các công nghệ trích xuất dữ liệu tương tự như UFED.

Trong thư của mình, ông Mack cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy một số sản phẩm UFED đã được bán cho Bộ Công an và các đơn vị cấp dưới từ năm 2014. Ông cũng cho biết đại diện cho Cellebrite ở Việt Nam là Tập đoàn HTI.

Hiện HTI chào bán sản phẩm tiên tiến nhất của Cellebrite là UFED Premium, theo bài báo của Haaretz, dẫn lại cuộc điều tra của ông Mack.

...người dân chả ai thích gì điện thoại của mình, máy tính của mình lại bị một lực lượng ở đâu đó giám sát. Không ai thích cái chuyện này.
Ông Nguyễn Như Phong


UFED Premium là dịch vụ phầm mềm cho phép người sử dụng xâm nhập vào các loại máy mới nhất, lợi dụng những lỗ hổng an ninh mà các nhà nghiên cứu và các nhà chế tạo điện thoại còn chưa phát hiện ra, nên không có cách nào phòng vệ lại khả năng hack của phần mềm này.

Ông Nguyễn Như Phong nói với VOA rằng mọi người dân không vi phạm luật pháp đều không có gì phải sợ các biện pháp nghiệp vụ của công an:

“Nếu như mình chẳng làm gì xâm hại quyền lợi, an ninh quốc gia, đến lợi ích chung, thì mình chả sợ gì cả, chả ngại gì cả. Thế nhưng tất nhiên người dân chả ai thích gì điện thoại của mình, máy tính của mình lại bị một lực lượng ở đâu đó giám sát. Không ai thích cái chuyện này”.

Bài báo của Haaretz điểm lại tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây, bị quốc tế lên án, và trích dẫn thư của luật sư nhân quyền Eitay Mack nói rằng nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù vì chỉ trích chính quyền và chống tham nhũng.

Tuy nhiên, bài báo của Haaretz cho biết “Không như Nga hay Indonesia, trong trường hợp Việt Nam, không có bằng chứng trực tiếp về việc các thiết bị của Cellebrite được sử dụng chống lại các nhà hoạt động nhân quyền … Mặc dù vậy, điều này không làm thay đổi thực tế là các tổ chức mua công nghệ này đều có chức năng là cánh tay của chế độ”.

Báo Haaretz lưu ý rằng một trong những lý do không thể biết liệu thiết bị của Cellebrite có được sử dụng trong hoạt động của công an Việt Nam hay không là vì chính công an không tuân theo luật trong nước, theo đó, khi tiến hành xâm nhập máy điện thoại, phải có mặt người bị thẩm vấn và một nhân chứng, hoặc ít ra là có hai nhân chứng trong trường hợp chủ sở hữu máy không có mặt.

Nếu người ta có quyền xâm nhập vào máy tính hoặc điện thoại mà không được phép của tôi, mà tôi lại không phải nằm trong số các đội tượng bị điều chỉnh theo pháp luật, thì rõ ràng như thế là vi phạm pháp luật.
Luật sư Lê Quốc Quân


Nhưng điều đó đã không diễn ra và tất cả những nhà hoạt động được Haaretz phỏng vấn đều kể rằng công an Việt Nam chỉ áp dụng một biện pháp nghiệp vụ.

Đó là khi người bị thẩm vấn không chịu mở khóa điện thoại hay máy tính của họ, các thiết bị đó bị thu giữ. Trong một số trường hợp, nhân viên công an đưa máy sang một phòng khác, ở đó, máy bị hack. Sau đó, có lúc công an trả lại máy cho chủ nhân, có lúc công an không trả lại, Haaretz tường thuật.

Điện thoại, máy tính của nhà tranh đấu Trần Đức Thạch bị tịch thu khi ông bị công an bắt, 23/04/2020. Photo Công an Nghệ An.

Là cán bộ kỳ cựu trong ngành công an, cựu đại tá Nguyễn Như Phong nói với VOA rằng ngành này phải tuân theo các quy định pháp luật chặt chẽ khi họ hoạt động nghiệp vụ, song ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ công an lạm quyền:

“Có một điều cần phải cảnh báo, đó là sự lạm dụng, lạm quyền của các cơ quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát điện thoại của các đối tượng hoặc dùng các phần mềm để theo dõi. Nếu như quản lý không chặt, các cán bộ công an tạm gọi là loại biến chất thì chúng dùng cái này để phục vụ các mục đích không trong sáng của chúng”.

Chia sẻ về mối lo này, luật sư Lê Quốc Quân, một cựu tù nhân lương tâm, nói:

“Nếu người ta có quyền xâm nhập vào máy tính hoặc điện thoại mà không được phép của tôi, mà tôi lại không phải nằm trong số các đội tượng bị điều chỉnh theo pháp luật, thì rõ ràng như thế là vi phạm pháp luật, rất đáng lo ngại”.

Nếu mà cứ tin 100% vào lực lượng công an, 100% vào lực lượng quân đội thì tôi cho là cũng chưa chắc đã là hay. Tin nhưng phải có giám sát.
Ông Nguyễn Như Phong


Ông Quân cho rằng khó có thể ngăn chặn một cách cơ bản sự lạm quyền của công an ở một nhà nước mà chỉ có duy nhất đảng cộng sản nắm toàn bộ quyền lực, với công an, quân đội là hai lực lượng được trao nhiều ưu tiên vì họ là trụ cột bảo vệ đảng.

Ở Việt Nam, nhiều hoạt động của công an, quân đội được xếp vào diện tuyệt mật mà ngay cả quốc hội cũng không thể tiếp cận, chất vấn.

Cựu đại tá Nguyễn Như Phong cũng đồng ý rằng đây là vấn đề khó giải quyết:

“Chúng ta chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an. Không biết tới đây chính phủ, các bộ ngành có đặt ra vấn đề này không. Nếu mà cứ tin 100% vào lực lượng công an, 100% vào lực lượng quân đội thì tôi cho là cũng chưa chắc đã là hay. Tin nhưng phải có giám sát”.

VOA cố gắng liên lạc với đại diện Bộ Công an Việt Nam để tìm hiểu quan điểm của họ nhưng không kết nối được.

Báo Haaretz cho hay hãng Cellebrite từ chối đưa ra ý kiến khi báo thực hiện bài phóng sự. Về phần Bộ Quốc phòng Israel, trong một tuyên bố trả lời luật sư Mack, bộ nói họ “không cung cấp chi tiết về các giấy phép [bán hàng] cụ thể vì lý do an ninh, chính trị và chiến lược”.

Bộ nói thêm rằng họ “xem xét lại chính sách theo định kỳ hoặc tùy theo diễn biến, và áp dụng thẩm quyền của mình tùy theo nhu cầu”.