Hàng trăm nhân sĩ trí thức Việt Nam gửi thư ngỏ lên Bộ Chính trị đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác Lênin và cải cách toàn diện để tiến tới dân chủ, trước khi diễn ra Đại Hội Toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, khai mạc ngày hôm nay 14/12 tại Hà Nội.
Thư ngỏ nêu lên 3 yêu cầu chính, ngoài việc từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, nhóm nhân sĩ trí thức còn yêu cầu Hà Nội ngăn chận mưu đồ bành trướng của Trung Quốc, thoát khỏi sự lệ thuộc của Bắc Kinh về cả kinh tế lẫn chính trị và xã hội, đồng thời sửa đổi Hiến Pháp, thực hiện các quyền tự do dân chủ của người dân, xây dựng kỷ cương xã hội, sửa đổi luật đất đai.
Trong số những người ký tên vào bức thư ngỏ này có Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, và nhiều cựu quan chức, nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước, kể cả ông Nguyễn Đình Đầu, Giáo sư Hoàng Tụy, ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu nước Tp Hồ Chí Minh…
Tính cho tới hôm nay, đã có 127 người ký tên. Theo Dân Làm Báo, thư ngỏ còn yêu cầu thay tên nước và đổi cả tên đảng, cùng với việc thay đổi triệt để hệ thống chính trị vì ‘tương lai của dân tộc’.
Từ Paris, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (UBBVQLNVN) có trụ sở tại Paris hôm nay 14/12, cũng góp tiếng kêu gọi các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu hãy áp lực Việt Nam cam kết cải tiến nhân quyền tại cuộc Đối thoại Nhân quyền lần thứ 5 giữa EU–Việt Nam. Trong cuộc trao đổi ngắn với Ban Việt ngữ Đài VOA, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyển Làm Người Việt Nam, ông Võ văn Ái (VVA) phát biểu:
Ông VVA: “Dạ thưa UBBVQLN thúc đẩy Liên Âu phải áp lực đối với nhà cầm quyền Việt Nam để cải tiến vấn đề nhân quyền một cách cụ thể thay vì tiếp nhận những lời hứa hão mà Hà nội hay thường làm trong các cuộc đối thoại nhân quyền. Và như chúng ta biết vào ngày mai (15/12) sẽ có một cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 5 giữa Liên Âu và Việt Nam, và vì vậy chúng tôi đã kêu gọi Liên Âu hãy cẩn thận trong lần này và làm thế nào để có được một sự cải tiến vì nhân quyền trong một bối cảnh hiện nay khi mà các nhà tranh đấu cho nhân quyền, các blogger, các nhà báo và các xã hội dân sự đang bị đàn áp một cách khốc liệt trong những ngày vừa qua.”
VOA: Thưa ông, 127 nhân sĩ trí thức Việt Nam vừa lên tiếng kêu gọi Bộ Chính trị từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, theo chân Myanmar để tiến tới dân chủ, xin ông cho biết ý kiến?
Ông VVA: “Dạ đây là điều chúng tôi rất là hoan nghênh, bởi vì chúng tôi nghĩ rằng chúng ta đã có từ năm 1975 khi chiến tranh chấm dứt thì chủ nghĩa cộng sản đã cầm quyền từ Nam cho tới Bắc, và trong suốt 40 năm qua chúng ta thấy có một điều rất rõ rằng ngay trên vấn đề kinh tế cũng không thể nào phát triển được. Thì muốn cho vấn đề phát triển đất nước để có thể theo kịp các nước láng giềng thì phải có một thể chế dân chủ, đa đảng, có như vậy thì mới có thể có tất cả các thành phần dân tộc tham gia trong việc phát triển đất nước, phát triển kinh tế, cũng như đem lại cái đời sống đạo lý hiện nay đang bị suy thoái trầm trọng thông qua những tệ nạn xã hội đang xảy ra trong xã hội Việt Nam hiện nay.”
Your browser doesn’t support HTML5