Hàng triệu người Trung Quốc vẫn đối mặt với hậu quả của chính sách một con

Các gia đình tập trung bên ngoài Bộ Y tế ở thành phố Quảng Châu để kiến nghị chống lại mức phạt đối với những cặp vợ chồng có hơn một con trước khi quốc gia này kết thúc chính sách một con.

Mặc dù Trung Quốc chính thức chấm dứt chính sách một con kéo dài nhiều thập niên qua vào tháng 1, hàng triệu cha mẹ trước đây từng sinh hai hay nhiều hơn hai đứa con vẫn đang đối phó với hậu quả của việc này.

Nhiều người vẫn còn chịu gánh nặng tiền phạt, được gọi là "phí bảo dưỡng xã hội," và con cái của họ vẫn không được đăng ký là công dân hợp pháp.

Khoản tiền phạt, cơn ác mộng

Phạm Tử Đình, 36 tuổi, vẫn đang đối phó với tác động của chính sách gây nhiều tranh cãi này và là một trong số 30 cặp vợ chồng kiến nghị bên ngoài sở y tế của tỉnh Quảng Đông hôm thứ Ba, kêu gọi nhà chức trách xem xét lại tình hình của họ.

Cô Phạm sinh con đầu lòng vào năm 2008, và phá thai ba lần sau đó. Khi cô mang thai lần nữa vào năm 2014, cô giày vò trong lòng. Biết rằng những chính sách gia đình đang được nới lỏng, cô và chồng quyết định tiếp tục việc mang thai.

Đứa con thứ hai của họ chào đời vào tháng 4 năm ngoái, tám tháng trước khi Trung Quốc hoàn toàn dỡ bỏ chính sách một con có từ hàng chục năm nay, cho phép tất cả các cặp vợ chồng có hai con.

Đáp lại, nhà chức trách phạt họ 28.500 đôla, nhiều gấp sáu lần thu nhập hàng năm của họ làm công nhân nhà máy. Chính quyền địa phương cũng hủy bỏ tiền thưởng hàng năm của gia đình khoảng 1,530 đôla từ làng của họ trong 10 năm sau khi một ngôi nhà thuộc sở hữu của làng được đem đi cho thuê.

Mặc dù gia đình bốn người của cô Phạm là hình mẫu lý tưởng cho điều mà chính phủ hiện đang ủng hộ, tình hình gia đình của cô Phạm đã trở thành cơn ác mộng khi họ chật vật tìm cách thu vén cuộc sống.

"Khoản tiền phạt quá nhiều và nhiều hơn chúng tôi có đủ khả năng chi trả, nó đặt rất nhiều áp lực lên chúng tôi. Nó cũng ngăn cản chúng tôi đăng ký đứa con thứ hai của mình [làm công dân hợp pháp]," cô Phạm nói.

Trước khi được nới lỏng vào đầu năm 2014 và chính thức chấm dứt vào năm nay, chính sách một con của Trung Quốc đã được thi hành ở cấp tỉnh và việc thi hành có nhiều khác biệt vì chính quyền địa phương có quyền quyết định áp đặt những khoản phạt hoặc cưỡng bức phá thai.

Tình trạng phá thai cưỡng bức là một trong những lý do hàng ngàn cặp vợ chồng Trung Quốc được nói là đã tìm kiếm bảo hộ tị nạn ở nước ngoài mỗi năm trong hai thập niên qua.

Tại tỉnh Chiết Giang, Đổng Vân Long 29 tuổi đối mặt với khoản phạt 21.400 đôla cao gấp bốn lần thu nhập của gia đình sau khi đứa con thứ hai của anh chào đời năm ngày trước khi tỉnh này là nơi đầu tiên ở Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng có hai con (vào ngày 17 tháng 1 năm 2014), một trong hai người họ là con một.

Mặc dù đứa con 2 tuổi của họ hiện được đăng ký hợp pháp, anh Đổng quyết định đưa vụ việc của mình ra tòa, tìm cách vô hiệu hóa thêm nữa khoản tiền phạt đối với anh.

"Tôi nghĩ rằng một hành động pháp lý là đáng theo đuổi bởi vì sinh đẻ phải là quyền căn bản của tất cả con người chúng ta," anh Đổng cho biết.

Luật sư của anh Đổng, Ngô Hữu Thủy, lập luận rằng không nên phạt tiền cả anh Đổng và cô Phạm vì những vi phạm này xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp, sau khi chính quyền trung ương khẳng định đường hướng chính sách và trước khi lệnh nới lỏng chính sách được chính thức thi hành.

"Trong suốt quá trình chuyển tiếp, cho dù luật mới hay luật cũ nên áp dụng đi nữa, nó nên phụ thuộc vào luật nào đó có lợi cho bên có liên quan nhiều hơn. Đó là một nguyên tắc pháp lý còn được gọi là nguyên tắc lợi ích ở bên có liên quan," ông Ngô nói.

Gọi những chính sách kiểm soát sinh đẻ là "một sai lầm," ông Ngô tiếp tục kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc hủy bỏ tất cả những khoản tiền phạt đối với hàng triệu cặp vợ chồng đã phạm pháp để có hai con.

Theo một điều tra dân số toàn quốc vào năm 2014, Trung Quốc có tới 13 triệu công dân chưa đăng ký, một nửa trong số đó là con thứ hai bất hợp pháp.

Nghi vấn về dòng tiền phạt

Luật sư Ngô thách thức thêm nữa tính hợp pháp của những khoản tiền phạt. Những cuộc điều tra của ông Ngô với 24 chính quyền cấp tỉnh cho thấy hơn 310 triệu đôla đã được thu thập vào năm 2012 nhân danh phí bảo dưỡng xã hội, nhưng không có chính quyền địa phương nào có thể nêu chi tiết tiền được chi tiêu vào việc gì và như thế nào.

Tuy nhiên, ông Ngô tỏ ra bi quan rằng chính quyền sẽ cho phép sự bù đắp tổn hại, đặc biệt là đối với những công chức đã bị bãi nhiệm vì có hai con.

Tuần trước, 32 cựu nhân viên của những tổ chức có liên hệ với chính phủ từ chín tỉnh bị sa thải vì có con thứ hai đã kiến nghị Quốc vụ viện cho họ quay trở lại làm việc sau khi có chính sách hai con.

Trần Á Á, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cũng bày tỏ sự phản đối của bà đối với chính sách kế hoạch hóa sinh đẻ của Trung Quốc. Bà nói những chính sách này vi phạm những quyền con người cơ bản, bao gồm cả quyền sinh đẻ của phụ nữ và quyền được sống của trẻ em.

"Ở cấp quốc gia, nên khuyến khích các cặp vợ chồng đẻ nhiều con hơn hoặc ít con hơn phù hợp với kế hoạch kiểm soát sinh đẻ của chính phủ. Không chính phủ nào nên áp đặt những biện pháp bắt buộc hoặc có tính trừng phạt để thi hành việc kiểm soát sinh đẻ," bà Trần nói.

Nhà nghiên cứu này nói rằng nhiều vấn đề vẫn cần được giải quyết sau việc chấm dứt chính sách một con.

Như một biện pháp giải quyết tất cả, Tiêu Dục Huy, một nông dân chuyển sang làm nhà hoạt động từ tỉnh Quảng Đông, ủng hộ việc bãi bỏ những chính sách kiểm soát sinh đẻ quốc gia, cho phép các cặp vợ chồng quyền tự quyết bao nhiêu con mà họ định có.

"Chúng tôi tin rằng việc thu phí bảo dưỡng xã hội là bất hợp pháp. Do đó, chúng tôi đang kêu gọi điện thoại chính phủ hoàn toàn xóa bỏ bất kỳ chính sách kế hoạch hóa sinh đẻ nào của quốc gia," ông nói.