Phát sóng trên đài truyền hình CBS của Mỹ vào đêm Chủ nhật 7/3, cuộc phỏng vấn vợ chồng Hoàng Tử Harry, trong đó tiết lộ một số chi tiết bất lợi cho gia đình hoàng gia Anh, đã thu hút hơn 17 triệu khán giả chỉ riêng tại Hoa Kỳ, theo các số liệu sơ khởi của công ty thăm dò Nielsen.
Người thực hiện cuộc phỏng vấn “bom tấn”, theo lời truyền thông quốc tế, là Oprah Winfrey, “bà hoàng” của các chương trình talkshow trên truyền hình Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn dài 2 tiếng đồng hồ, Công Nương Meghan Markle và Hoàng Tử Harry nêu lên một số lý do đã đẩy họ vào chân tường, rốt cuộc đi đến quyết định vô cùng khó khăn là từ bỏ vị trí trong gia đình hoàng tộc sáng giá nhất thế giới, để ‘bỏ của chạy lấy người” sang Canada, rồi sang Mỹ, không biết có ngày về hay không.
Hai lý do mà Meghan nêu ra được người xem chú ý nhất là cô bị kỳ thị, phân biệt đối xử ngay từ khi bước vào gia đình hoàng gia, và không được giúp khi gặp khó khăn, khiến cô khủng hoảng tâm lý tới mức có lúc đã nghĩ quẩn…
Hoàng Tử Harry xác nhận rằng lúc vợ ông mang thai, có người trong gia đình hoàng tộc đã nêu lên với ông những quan tâm và lo lắng về màu da của thai nhi. Meghan mang nửa dòng máu da đen, mẹ là người Mỹ gốc Phi. Meghan nói cô kinh ngạc khi biết Archie không có tước vị hoàng tử, và do đó không được bảo vệ.
Hai vợ chồng nói họ sẽ không bao giờ tiết lộ danh tính của người đã bày tỏ lo ngại về “màu da” của Archie, nhưng cho biết người đó không phải là Nữ Hoàng, hay Hoàng Tế Philip.
Harry cho biết quyết định dứt áo ra đi không được đưa ra một cách bồng bột như nhiều người nghĩ, mà ông đã nhiều lần thảo luận với gia đình và guồng máy hoàng gia, song mọi nỗ lực để tìm cách giải quyết vấn đề đều bế tắc.
Thêm vào đó, Meghan luôn bị báo chí vây bủa, làm gì cũng bị chỉ trích. Hoàng Tử Harry lo lắng chuyện đã xảy ra cho mẹ, Công nương Diana, có thể xảy đến cho vợ, lo sợ cho sức khỏe tâm thần của Meghan và chính mình, nên dần dà thấy họ không còn lựa chọn nào khác.
Harry cho biết gia đình hoàng gia đã cắt đứt tài chánh cho ông hồi đầu năm 2020, và nếu không có gia tài do mẹ để lại, thì vợ chồng ông khó có khả năng “ra đi tìm tự do”.
Một năm sau quyết định đó, Harry và Meghan xác nhận với Điện Buckingham rằng họ sẽ không trở về, Nữ Hoàng Elizabeth mới tước đi tất cả các tước vị của Harry trong các quỹ từ thiện cũng như trong quân đội, điều làm cho Hoàng Tử Harry đau đớn nhất bởi vì ông yêu đời quân ngũ và vẫn rất gắn bó với quân đội.
Từ khi sang Mỹ, Harry cho biết các quan hệ với cha, Thái tử Charles, và anh, William, đã xấu đi, Thái tử Charles từ nhiều tháng qua, không bắt điện thoại của con. Dù vậy, Harry nói ông vẫn hy vọng một ngày nào sẽ có thể hàn gắn quan hệ với cha và anh.
Harry và Meghan vẫn bày tỏ sự tôn kính đối với Nữ Hoàng, Meghan nói Nữ Hoàng Elizabeth luôn đối xử rất tử tế với vợ chồng cô.
Hậu quả của ‘bom tấn Harry & Meghan’
Những cáo buộc của Meghan và Harry không chỉ gây bão ở vương quốc Anh, mà còn làm gợn sóng mặt hồ tại các nước còn coi Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị là nguyên thủ quốc gia như Úc, Canada, New Zealand, một số đảo quốc trong vùng Caribé và Ấn Độ Dương.
Nền quân chủ luôn luôn là một phần trong lịch sử của chúng ta. Nhưng nó không phải là tương lai của chúng ta.”Ông Graham Smith, CEO của nhóm Republic, nhóm đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ quân chủ ở vương quốc Anh
Cáo buộc kỳ thị chủng tộc đặc biệt phương hại tới uy tín của hoàng gia Anh, làm xấu đi hình ảnh của vương quốc Anh trong con mắt các nước cựu thuộc địa, trong đó có nhiều nước có dân da màu.
Cựu Thủ tướng Úc hối thúc cắt đứt liên hệ lịch sử với mẫu quốc Anh
Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, từ lâu chủ trương nước Úc nên trở thành một nước hoàn toàn độc lập, cắt đứt liên hệ lịch sử với mẫu quốc Anh để thiết lập mô hình Cộng hòa đại nghị, nói cuộc phỏng vấn với vợ chồng Hoàng Tử Harry đã “củng cố hơn nữa” lập luận của ông, là nước Úc hãy cắt đứt các quan hệ hiến pháp với hoàng gia Anh.
Ông Turnbull nói với đài ABC của Úc:
“Sau thời kỳ trị vì của Nữ hoàng là thời điểm chúng ta nên tuyên bố độc lập. Chúng ta đã trải qua một mốc điểm định mệnh và phải tự hỏi: liệu chúng ta có muốn bất cứ ai, ông vua bà chúa nào khác ở vương quốc Anh, tự động trở thành nguyên thủ quốc gia của chúng ta hay không? ”
Theo hiến pháp hiện hành ở Úc, thì người ngồi trên ngai vàng Anh Quốc là nguyên thủ quốc gia của Úc.
Ông Malcolm Turnbull là Chủ tịch Phong trào Cộng hòa Úc, từ năm 1993-2000. Ông là người dẫn đầu phong trào vận động thành lập một nước Úc Cộng hòa, với nguyên thủ quốc gia là một công dân Úc. Nhưng một cuộc trưng cầu dân ý về giải pháp xây dựng một nước Cộng hòa do ông khởi xướng đã thất bại hồi năm 1999, dù rằng các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Úc tin là nước Úc nên có một vị nguyên thủ quốc gia Úc.
Nhiều người Úc theo đuổi mục tiêu này muốn phỏng theo thể chế của Mỹ, bầu lên một Tổng thống có quyền hành thực sự, thay vì một nhân vật chỉ đóng vai trò có tính cách nghi lễ như được đề nghị trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1999.
Dân biểu Đảng Lao Động Úc Matt Thistlethwaite nói quan hệ với gia đình hoàng gia Anh giờ đã lỗi thời. Úc nên sửa đổi hiến pháp để quốc hội không quá ‘xa rời với nhân dân’. Ông nói thật là phi lý khi tuyên thệ nhậm chức, các vị đại diện dân cử Úc phải thề trung thành với Nữ Hoàng Anh và những người thừa kế ngai vàng Anh, thay vì phải trung thành với nhân dân Úc và Liên bang Úc.
Phong trào Cộng hòa Anh
Sau cuộc phỏng vấn với Meghan và Harry, ông Graham Smith, CEO của nhóm Republic, một nhóm vận động để loại bỏ chế độ quân chủ ở vương quốc Anh, nói “nền quân chủ Anh đã lâm vào cuộc khủng hoảng tệ hại nhất kể từ sau Vua Edward VIII từ bỏ ngai vàng vào năm 1936.”
Ông Smith nói nước Anh nên có một cuộc tranh luận thẳng thắn về tương lai của nền quân chủ.
“Nước Anh trên thực tế tốt đẹp hơn như vậy. Chúng ta xứng đáng có một giải pháp tốt hơn. Nền quân chủ luôn luôn là một phần trong lịch sử của chúng ta. Nhưng nó không phải là tương lai của chúng ta.”
Ông Graham Smith đã vận động để giải tán chế độ quân chủ từ hơn 1 thập niên nay. Báo Newsweek trích lời ông nói nhóm Republic do ông đứng đầu có tới 70.000 ủng hộ viên. Nhóm này muốn thay thế Nữ Hoàng Elizabeth với một nguyên thủ quốc gia do dân bầu lên.
Thủ tướng New Zealand gạt bỏ giải pháp cộng hòa ngay trong lúc này
Trả lời câu hỏi của một ký giả, rằng liệu hình ảnh không mấy đẹp của gia đình hoàng gia Anh mà Hoàng Tử Harry và Công Nương Meghan phác họa, có khiến bà suy nghĩ về các quan hệ hiến pháp với vương quốc Anh? Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói New Zealand khó có thể sớm trở thành một nước Cộng hòa trong một sớm một chiều, hoặc phá bỏ truyền thống coi Nữ Hoàng Elizabeth là nguyên thủ quốc gia.
“Tôi đã từng nói rằng tôi không thấy có xu hướng nào nơi người dân New Zealand, muốn sớm trở thành một nước Cộng hòa, hoặc muốn vương quốc Anh sửa đổi triệt để hiến pháp của chúng ta.”
Ở Canada, một nước khác nơi Nữ Hoàng Elizabeth Đệ nhị là nguyên thủ quốc gia, phóng viên truyền hình Brandon Gonez nói:
“Người Canada chúng ta thực sự cần phải có một cuộc đối thoại với chính chúng ta và tự hỏi liệu hoàng gia Anh có phải là định chế mà chúng ta muốn hỗ trợ bằng tiền thuế của người dân Canada hay không?”
Phản ứng của thế giới
Tại Accra, Ghana, Devinia Cudjoe nói lời của một thành viên gia đình hoàng gia, bày tỏ lo ngại về màu da của đứa bé trong bụng mẹ, là một sự xúc phạm đối với người dân Khối Thịnh vượng chung.
Cudjoe nói:
“Đó là một hành động kỳ thị chủng tộc, không hơn không kém. Khối Thịnh vượng chung trên nguyên tác phải cổ vũ cho tình đoàn kết, liên đới giữa những người da đen, sống giữa một xã hội da trắng. Nghe khi lời lẽ kỳ thị như vậy, tôi cho là điều vô cùng tệ hại.”
Tại Nairobi, Kenya, Rebecca Wangare mô tả Meghan là “phụ nữ bản lãnh của thế kỷ 21. Công Nương Meghan là một biểu tượng. Bà đã trực diện đối mặt với nạn kỳ thị.”
Asma Sultan, một nhà báo ở Karachi, Pakistan, nói cuộc phỏng vấn “sẽ bôi bẩn hình ảnh của hoàng gia Anh.”
Thủ tướng Anh Boris Johnson không bình luận về cuộc phỏng vấn, ông ca ngợi Nữ Hoàng và nói rằng “khi nói tới những vấn đề liên quan tới gia đình hoàng gia, điều mà một Thủ tướng nên làm là không nói gì cả.”