Con cháu một cố lãnh chúa người H’Mong, thường gọi là “vua Mèo”, mới đây gửi thư kêu cứu đến thủ tướng của Việt Nam về việc dinh thự của dòng họ Vương ở tỉnh Hà Giang bị chính quyền tỉnh biến thành tài sản công. Một luật sư nổi tiếng nói với VOA rằng việc công hữu hóa như vậy là “không chấp nhận được”.
Theo các báo mạng lớn trong nước, ông Vương Duy Bảo, một hậu duệ của vua Mèo, hồi cuối tháng 7 đã gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiếu nại việc Ủy ban Nhân dân Hà Giang vào năm 2012 đã cấp giấy chứng nhận cho Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đồng Văn được nắm quyền sử dụng đất của tòa dinh thự họ Vương.
Ông Bảo là cháu nội của ông Vương Chí Sình (1886-1962), người con trai thứ hai và cũng được coi là người kế nghiệp vua Mèo Vương Chính Đức (1865-1947). Chức vua Mèo không được chính quyền của những người cộng sản Việt Nam công nhận kể từ cuối thập niên 1940, theo các tài liệu lịch sử.
Các báo nói ông Bảo viết trong thư rằng ông khẩn thiết mong thủ tướng giúp giải quyết để “trả lại quyền sử dụng mảnh đất gắn với tòa dinh thự” cho con cháu họ Vương.
Những tài liệu và các bài báo khác nhau ở Việt Nam cho thấy dinh thự họ Vương có diện tích gần 3.000 m2, được đưa vào sử dụng từ năm 1928, cách đây 90 năm, dưới thời ông Vương Chính Đức.
Trang Soha hôm 20/8 dẫn lời ông Vương Duy Bảo nói cán bộ địa phương đã “đưa những người họ hàng của ông ra khỏi dinh thự” vào năm 2002, với lý do là nhà chức trách tỉnh sẽ “trùng tu dinh thự làm bảo tàng”.
Chỉ đến năm đó, các con cháu vua Mèo mới biết rằng từ 9 năm trước, vào năm 1993, dinh thự họ Vương đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận là “di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia”, tuy nhiên, “gia đình không được bàn bạc, thông báo”, theo lời ông Bảo, được Soha đăng lại.
Ông Bảo khẳng định trên các báo lớn, trong đó có Soha và Thanh Niên, rằng không có chuyện ông bán, tặng, hiến, hay trao đổi với ai về tòa dinh thự. “Tôi có ký văn bản nào hiến đâu”, ông Vương Duy Bảo được trích lời trên Thanh Niên hôm 20/8.
Cùng ngày, Soha dẫn lời ông Bảo nói: “Gia đình chúng tôi thừa kế, đang còn sống mà lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dinh thự cho Phòng Văn hóa-Thông tin Đồng Văn quản lý lâu dài từ 2012 là chuyện hoàn toàn lạ đời".
Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải bình luận với VOA về sự việc này:
“Đất của họ cho đến khi họ đi ra khỏi khu đó để trùng tu thì vẫn là đất thuộc dòng họ đấy, tài sản trên đất vẫn thuộc dòng họ đấy. Cho nên bây giờ việc cấp sổ đỏ thực chất là quốc hữu hóa tài sản của gia đình họ, của dòng họ họ. Cho nên là không thể chấp nhận được”.
Cũng về vấn đề này, trao đổi qua email với VOA, ông Bùi Trung Thủy, một người nghiên cứu luật, chỉ ra rằng nhà chức trách Hà Giang đã hiểu sai luật.
Theo ông Thủy, cơ quan cấp giấy chứng nhận đã căn cứ vào Khoản 1, Điều 54, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, quy định rằng “Đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh”.
Nhưng nhà nghiên cứu này viết thêm rằng cơ quan cấp giấy chứng nhận đã không hiểu rằng từ “độc lập” ở đây có nghĩa là độc lập giữa tư nhân và nhà nước, nên mới dẫn đến cái sai như vậy.
Vẫn Điều 54 của nghị định nêu, theo ông Thủy, còn có Khoản 2 quy định rằng “Đất có di tích lịch sử - văn hoá mà di tích lịch sử - văn hoá đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân”.
Bên cạnh đó, Khoản 3 của điều này cũng quy định rõ nếu có nhiều người đồng sở hữu vẫn cấp giấy cho cộng đồng dân cư bình thường, trong trường hợp này là cộng đồng con cháu vua Mèo Vương Chính Đức, ông Thủy phân tích.
Báo chí trong nước nói Văn phòng Chính phủ mới đây khẳng định họ đã nhận được thư của ông Vương Duy Bảo và đã gửi một công văn tới Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, yêu cầu 2 cơ quan này báo cáo cho một phó thủ tướng trước ngày 31/8 về tổng quan quá trình xử lý, giải quyết kiến nghị của ông Bảo.
Luật sư Trần Vũ Hải nói với VOA rằng Bộ VH-TT-DL nên tham khảo thêm với Ủy ban Dân tộc thuộc chính phủ vì đây là “trường hợp khá nhạy cảm”.
Ông Hải cũng đề xuất rằng nhà nước có thể ký một thỏa thuận với hậu duệ vua Mèo, theo đó khu dinh thự vẫn là tài sản của dòng họ Vương, có chức năng là khu di tích-bảo tàng theo các quy định của nhà nước, và được nhà nước cấp kinh phí để bảo tồn, giữ nguyên trạng.