Không thể xem thường Hiến pháp lâu đến thế

Hình minh họa.

Đất nước Việt Nam thực hiện « đổi mới » từ năm 1963, hơn 50 năm rồi mà thật sự không đổi mới được bao nhiêu, có người nói họ chỉ « đổi » mà không « mới », đổi mới mà vẫn như cũ, có khi không được như cũ!

Có những việc lẽ ra phải thay đổi từ rất lâu mà vẫn cứ để nguyên.

Đó là việc tôn trọng và thi hành triệt để Hiến pháp.

Hiến Pháp là văn kiện pháp lý cơ bản, hệ trọng nhất của đất nước. Hiến Pháp là Luật Mẹ. Tất cả các đạo luật thông qua sau khi có Hiến pháp là để hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa những điều đã có trong Hiến pháp, không được trái, không được sai dù là nhỏ với Hiến pháp.

Theo thông lệ, khi có Hiến pháp, hay khi Hiến pháp có điểm gì bổ sung, thay đổi được quốc hội thông qua, ngành hành pháp là thủ tướng, chính phủ cùng với quốc hội phải bắt tay ngay vào việc bàn luận, sớm ra những Nghị định cụ thể để hướng dẫn việc thi hành được đúng đắn, đầy đủ, giải thích rõ ràng, phòng tránh mọi sự hiểu sai, làm sai, làm trái tinh thần và lời văn của hiến pháp.

Ví dụ như khi Hiến pháp nêu rõ việc công dân có quyền tư do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do cư trú… chính phủ cùng quốc hội phải ra ngay những nghị định giải thích cặn kẽ và cụ thể hóa thành các bộ Luật chỉ rõ các quyền đó được thực hiện ra sao, phải được tôn trọng như thế nào, thế nào là vi phạm, và các vi phạm sẽ bị xử phạt ra sao, ở những mức nào?

Do đó mà có các bộ Luật Hình Sự, bộ Luật về Báo chí, Luật về tôn giáo, tín ngưỡng, Luật về cư trú, xuất nhập cảnh… được công bố để thực hiện.

Khi có công dân phạm luật, bị truy tố, ngành tư pháp sẽ chiếu theo Hiến pháp và luật pháp cùng các văn kiện pháp quy để mở các phiên tòa xử đúng người đúng tội, theo thật đúng luật, không thể tùy tiện, không được sai trái hay ra ngoài phạm vi quy định của luật pháp.

Vậy mà cho đến nay quốc hội và chính phủ qua bao nhiêu nhiệm kỳ đã bỏ qua, (hay cố tình bỏ quên?) khá nhiều điều quan trọng trong Hiến pháp, mà không có Luật hay các Nghị định tương ứng để cụ thể hóa, hướng dẫn việc áp dụng.

Chỉ lấy ra 2 ví dụ. Các Hiến pháp từ năm 1946 đến các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013 hiện hành đều ghi rõ « quyền lập hội » và « quyền biểu tình » của công dân, 2 quyền cơ bản mà bất cứ công dân nước dân chủ nào cũng có quyền thực hiện một cách rộng rãi hàng ngày.

Hai năm nay, trong quốc hội đã có đại biểu nêu lên 2 vấn đề này để thảo luận, nhưng rồi vẫn bị trì hoãn kéo dài không hạn độ. Thế là có những nội dung lớn trong các bản Hiến pháp từ hơn 70 năm nay vẫn bị treo giò, treo lơ lửng, trì hoãn sự áp dụng, không cho thực thi trong cuộc sống! Có nhiều trí thức chỉ còn biết than thở: quốc hội ta hiền quá, không hiểu hết, thật rõ hiến pháp và luật pháp phải thi hành ra sao cho đúng đắn, triệt để, cứ theo kiểu xin – cho, đảng cho đến đâu thì chỉ biết cúi đầu nhận đến đấy.

Chả vậy mà cô giáo viên Trần Thị Lam có mấy câu thơ:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi


Rất mong kỳ họp cuối năm đang được tiến hành có đại biểu nêu lên, nhấn mạnh 2 vấn đề này cho rốt ráo, vì để hiến pháp bị treo giò hơn 70 năm thì vô lý quá, kỳ quá! Sao đảng lại sợ dân biểu tình, sợ người công dân biểu hiện trung thực thái độ của mình đến thế? Dân làm chủ ở chỗ nào?

Nhớ lại thời ông Lê Duẩn, nói không ngừng « nhân dân làm chủ », « lấy dân làm gốc » để bị nhân dân mỉa mai rằng đảng « lấy dân làm guốc », « lấy dân làm củi »!

Sao đảng lại sợ các tổ chức xã hội dân sự của dân đến vậy, tất nhiên là các tổ chức mang tính chất dân chủ, xã hội, xây dựng đất nước, có lợi cho cuộc sống của nhân dân.

Ở các nước dân chủ văn minh thường có Viện Bảo hiến, hay Hội Đồng Hiến pháp có nhiệm vụ thúc đẩy việc thực thi thật nghiêm minh, triệt để, chính xác Hiến pháp và pháp luật.

Nếu tổ chức như thế cũng có ở nước ta thì quốc hội đã bị thổi còi nhắc nhở từ lâu, từ rất lâu rồi.

Rất mong các đại biểu quốc hội, các trí thức, nhất là đông đảo luật sư, các bạn sinh viên ngành luật, các tổ chức xã hội dân sự… tham gia ý kiến trong vấn đề này, liên quan đến quyền công dân, đến mong muốn xây dựng một chế độ pháp quyền nghiêm minh hiện đại, đi kịp với nền văn minh nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI.

Không thể để cho Hiến pháp bị coi thường, có thể nói là khinh thường trong một thời gian dài đến vậy!