Hiệp định Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm chậm dòng chảy của 'Xa lộ Thánh chiến'

  • Dorian Jones

Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra gần cửa khẩu Gaza Akcakale, ngày 31/1/2015.

Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ sắp sửa ký kết một hiệp định an ninh để cải thiện sự hợp tác trong việc ứng phó với mối đe dọa của những nhóm hiếu chiến như Nhà nước Hồi giáo. Giữa lúc đối mặt với những sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước đồng minh, Ankara trong vài tuần qua đã tăng cường những nỗ lực để ngăn không cho những người muốn trở thành những chiến binh thánh chiến Hồi giáo tới Syria để gia nhập hàng ngũ của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Dorian Jones của đài VOA tại Istanbul, nhiều người vẫn nghi ngờ về thứ tự ưu tiên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông John Bass, hiệp định an ninh giữa Washington và Ankara có mục đích cải thiện sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng an ninh của hai nước trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Ankara đã phải đối mặt với những sự chỉ trích của giới truyền thông và ngay cả những nước đồng minh là họ đã để cho nước họ trở thành “một xa lộ thánh chiến” tới Syria. Những tố cáo đó gặp phải sự bác bỏ kịch liệt của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, là nước nói rằng các nước đồng minh đã không ngăn được những phần tử thánh chiến rời khỏi nước họ.

Mặc dầu vậy, nhà bình luận Semih Idiz của nhật báo Taraf và trang web Al Monitor cho biết Ankara dường như đã thay đổi chính sách trong vài tuần qua với việc gia tăng những vụ bắt giữ và trục xuất những người muốn trở thành chiến binh thánh chiến.

Ông Idiz nói: "Nếu các bạn hỏi các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ họ sẽ nói 'đây là chuyện lâu nay vẫn vậy.' Nhưng tôi nghĩ là đã có một sự thay đổi. Tôi nghĩ rằng thoạt đầu họ nhắm mắt làm ngơ đối với những nhóm như Mặt trận al Nusra vì họ tin là những nhóm đó sẽ diệt trừ ông Assad."

Báo chí cho biết một trong những bộ phận chính của hiệp định an ninh là cải thiện việc chia sẻ thông tin tình báo. Ankara không ngớt than phiền là các nước đồng minh không kịp thời cung cấp cho họ những thông tin về những phần tử thánh chiến muốn tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ John Bass, hiệp định an ninh giữa Washington và Ankara có mục đích cải thiện sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các lực lượng an ninh của hai nước trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

​Gần đây số chiến binh thánh chiến bị giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và trục xuất đã gia tăng. Tuy nhiên, theo ông Soli Ozel, giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Kadir Has, nhiều người vẫn nghi ngờ là Ankara không thật tâm trấn áp Nhà nước Hồi giáo.

Ông Ozel cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ đang làm nhiều hơn những gì đã làm trước đây, nhưng một bài báo trên tờ New York Times cho biết phân bón có thể dùng để chế tạo chất nổ đang được vận chuyển một cách tự do tới những phần đất do Nhà nước Hồi giáo kiểm soát. Cho nên rõ ràng là hoàn toàn không có một biện pháp cấm vận nghiêm chỉnh nhắm vào Nhà nước Hồi giáo. Tôi không nghĩ rằng Nhà nước Hồi giáo là ưu tiên của họ. Tôi vẫn nghĩ rằng có một sự khác biệt về phương pháp của Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Tôi không rõ là khác biệt này có được thu hẹp trong nay mai hay không."

Ankara tiếp tục phê phán Washington về ưu tiên trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Họ cho rằng nguồn gốc của bất ổn trong khu vực là Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sự bất đồng này đã gây trở ngại cho dự án được Mỹ hỗ trợ để huấn luyện các chiến binh chống Nhà nước Hồi giáo. Theo một hiệp định ký kết hồi tháng hai, Ankara đồng ý hợp tác trong một chương trình được thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ để huấn luyện và trang bị cho khoảng 3.000 chiến binh.

Nhưng báo chí cho biết chương trình này không ngớt bị trễ nãi vì Ankara nhất mực đòi hỏi là các chiến binh đó phải được dùng để chống lại các lực lượng của chính quyền Assad cũng như để chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Khi được hỏi về sự bế tắc này tại một cuộc họp báo hôm thứ 6, Phó Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Blinken nói: "Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác vô cùng quan trọng trong nỗ lực đó, và những gì chúng tôi đang chứng kiến là một sự hợp tác rất chặt chẽ trên mọi lãnh vực để tìm cách ứng phó với mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo."

Ông Blinken nói: "Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác vô cùng quan trọng trong nỗ lực đó, và những gì chúng tôi đang chứng kiến là một sự hợp tác rất chặt chẽ trên mọi lãnh vực để tìm cách ứng phó với mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo."

Nhà bình luận Idiz cho rằng cảm giác bực bội vì sự khác biệt về cách thức giải quyết các vấn đề khu vực có thể làm lu mờ vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hỗ trợ các chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

Ông Idiz cho biết: "Đối với phía Hoa Kỳ cũng vậy -- những sự bàn luận như thế là không có ích. Đã có một số yếu tố hợp tác đang diễn ra. Và sự tăng cường quan hệ này sẽ tạo ra một bầu không khí là hai nước đồng minh đang hợp tác với nhau trở lại. Điều này không có nghĩa là hai nước sẽ tiến hành những hoạt động quân sự chung ở Syria hay thiết lập một khu vực trái độn mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn có ở đó."

Nhưng tôi nghĩ rằng nó có nghĩa là lập ra những căn cứ để thực hiện những chuyến bay của máy bay không người lái.

Những người chỉ trích ở cả hai phía có phần chắc sẽ cho rằng hiệp định an ninh sẽ không giải quyết được những sự bất đồng sâu sắc đối với chính sách về Syria và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Nhưng các nhà quan sát cho rằng nếu thoả thuận này tạo điều kiện cho sự tăng cường hợp tác thì nó sẽ có ích cho việc giảm thiểu những sự nghi ngại giữa Washington với Ankara và những mối căng thẳng trong khu vực.