Quốc hội Việt Nam dành nhiều thời gian hôm 26/10 để bàn giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội cho biết.
Các đại biểu nêu ra các biện pháp từ triển khai thêm hạ tầng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công; tăng công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm công… cho đến nâng cao, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, theo bản tin trên trang quochoi.vn.
Tuy nhiên, một cựu quan chức thuộc quốc hội, ông Trần Quốc Thuận, nói với VOA rằng trong điều kiện chính trị của Việt Nam, mấu chốt của vấn đề là cần có ứng cử, bầu cử tự do trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền.
Trang web chính thức của quốc hội Việt Nam trích lời Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, tỉnh Hậu Giang, đánh giá cao các cơ quan nhà nước quyết liệt điều tra, truy tố, và xét xử tội phạm về kinh tế và tham nhũng.
Nhưng Đại biểu Thủy chỉ ra rằng số lượng tiền, tài sản thu hồi từ các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt trên 43%, khoảng 15.000 tỷ đồng. Nữ đại biểu đề nghị nhà chức trách kiên quyết thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng.
Bà Thủy cũng đề xuất một loạt biện pháp nhằm chống tham nhũng hiệu quả hơn. Trong đó, bà nhấn mạnh rằng chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công; tăng cường công khai, minh bạch trong lĩnh vực mua sắm công, đấu thầu liên quan đến nhà nước.
Một đại biểu khác, ông Nguyễn Minh Sơn, đại diện tỉnh Tiền Giang, đề nghị phải chú trọng đến việc thực hiện hiệu quả các quy định về kê khai, giải trình và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là phạm vi đối tượng phải kê khai, công khai, Cổng Thông tin của Quốc hội tường thuật.
Bản tin cũng cho biết một số đại biểu đề nghị chính phủ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận xét với VOA rằng có một vướng mắc cơ bản là quốc hội và Đảng Cộng sản cầm quyền không công khai thông tin đầy đủ về mức độ tín nhiệm và tài sản của các quan chức trong chính quyền để người dân giám sát, có ý kiến.
Sâu xa hơn, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo duy nhất, toàn diện và trực tiếp ở Việt Nam, ông Thuận nói, vì vậy, người dân không thể tạo ra một lực lượng chính trị khác hay các hội, đoàn độc lập để giám sát, phản biện về chống tham nhũng.
“Ở Việt Nam, lập đảng khác hoặc các hội, đoàn độc lập là vi phạm pháp luật, bị nhà nước xử lý. Vì vậy, không có hy vọng có ứng cử, bầu cử tự do ở quy mô toàn xã hội. Chỉ mong là trong nội bộ Đảng Cộng sản sẽ có ứng cử, bầu cử tự do. Khi đó, các ứng cử viên tranh cử sẽ nói lên sự thật về tài sản hoặc các công việc kinh doanh của con, cháu. Nhưng đó là mong ước, còn chưa biết bao giờ mới thực hiện được”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA.
Ông Thuận nói thêm rằng là người có hơn 50 năm tuổi đảng, ông nhận thấy khi các vấn đề chính trị, xã hội, mà nổi lên và tham nhũng, trở nên ngày càng nhức nhối, gây bất bình trong nhân dân, sẽ dẫn đến việc đảng phải tự đổi mới để không mất tính chính danh.
Việt Nam trong những năm qua đã có tiến bộ về phòng, chống tham nhũng và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Như VOA đã đưa tin, Tổ chức Minh bạch Thế giới cho biết Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Việt Nam từ năm 2012 đến 2019 đã tăng lên đáng kể.
Năm 2012, chỉ số này của Việt Nam đạt 31/100 điểm, với xếp hạng thứ 123/198 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu. Đến năm 2019, chỉ số tăng lên 37/100 điểm, đưa Việt Nam đứng thứ 96/198. Đây là mức điểm cao nhất mà Tổ chức Minh bạch Thế giới đánh giá về Việt Nam và là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, các nước trong khung điểm từ 30-39 vẫn có tình trạng tham nhũng khá nặng nề.