Việc rò rỉ ồ ạt hơn 11 triệu email có liên hệ đến một công ty luật ở Panama, tiết lộ những vụ giao dịch làm ăn của nhiều nhân vật chính trị Trung Quốc, diễn ra trong khi Trung Quốc đang tiến hành một cuộc trấn át tham nhũng dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.
Vụ trấn áp đã khiến hơn 30.000 người ở Trung Quốc sa lưới và bị trừng phạt về tội tham nhũng. Nhưng giới chỉ trích vụ trấn áp nói rằng đây là cách tiện lợi để các nhà lãnh đạo chính trị truy đuổi kẻ thù.
Ông Willy Lam, một học giả về Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông, nói những vụ rò rỉ mới đây đã đem lại trọng lượng cho lập luận của họ. Ông nói: “Sự kiện quá nhiều thành viên của cái được gọi là “quý tộc đỏ”, con cái của nhiều đảng viên, bộ trưởng và thành viên Bộ Chính trị, đã được miễn trừ, làm tăng thêm cảm tưởng của dân chúng là ông Tập Cận Bình đã chủ mưu chiến dịch chống tham những trong 2 hay 3 năm vừa qua chủ yếu là nhắm mục tiêu vào các kẻ thù chính trị của ông ta”.
Hôm thứ Năm, thêm 2 thành viên nữa của ban lãnh đạo cầm quyền Trung Quốc bị tiết lộ có can dự đến các hồ sơ đó. Một người con dâu của ông Lưu Văn Sơn, người hiện đang đứng đầu Ban Tuyên huấn của đảng Cộng sản và từng làm giám đốc công ty Ultra Time Investments, được thành lập ở quần đảo Virgin Islands của Anh vào năm 2009. Người con rể của đệ nhất Phó thủ tướng Trương Cao Lợi bị tiết lộ là người nắm cổ phần của 3 công ty thành lập ở quần đảo Virgin Islands của Anh, là các công ty Zennon Capital Management, Sino Reliance Networks Corporation và Glory Top Investments.
Có một công ty ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp, nhưng những doanh nghiệp ở nước ngoài đó có thể được sử dụng để rửa tiền và trốn thuế.
Kho email của công ty luật Panama cũng nêu danh các thành viên trong gia đình của 5 cựu đảng viên trong Bộ Chính trị Trung Quốc, cũng như chồng của một trong những người cháu gái của ông Mao Trạch Đông. Người anh em rể của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng mượn công ty này để thành lập 3 công ty ở nước ngoài.
Ông Victor Gao, một giám đốc của Hiệp hội Quốc gia Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói những tiết lộ, tuy quan trọng, có phần chắc không tác động đến cuộc trấn át tham nhũng của Trung Quốc.
Ông nói: “Lập trường của chính phủ Trung Quốc cũng rất rõ ràng. Họ không muốn bị lay chuyển cách này hay cách khác bằng những tiết lộ hay công bố như thế, hoặc trong bất kỳ trường hợp nào bằng những bài tường thuật của báo New York Times hay các nhật báo khác. Điều họ muốn làm là công việc của riêng họ, thu thập thông tin và bằng chứng thông qua các nguồn đáng tin cậy của riêng họ, và đối phó với tham nhũng ở nguyên trạng theo cách riêng của họ”.
Trong mấy tuần lễ gần đây, Trung Quốc đã tăng cường việc kiểm duyệt mọi cuộc đối thoại hay tường trình trên mạng về Hồ sơ Panama. Giới hữu trách đang xóa những cuộc thảo luận qua mạng truyền thông xã hội về những tiết lộ, và “Panama” hiện đang là một trong những từ bị kiểm duyệt nhiều nhất trên mạng internet của Trung Quốc.
Ông Ding Xueliang, một giáo sư tại trường Khoa học Kỹ thuật thuộc Đại học Hồng Kông, nói những tiết lộ của hồ sơ có phần chắc sẽ không tác động mấy đến cách thức chính sự và kinh doanh được tiến hành ở Trung Quốc, một phần lớn bởi vì đa số người dân trong nước không biết về những tiết lộ đó. “Ngay cả một số giáo sư đại học, họ cũng có kiến thức rất ư là hạn chế về những bản tường trình quốc tế về những việc như thế. Và nếu tiếp xúc với người dân bình thường, thì đôi khi họ biết được gì về ai đó, và thường là sẽ rất mơ hồ, không hiểu biết gì về nguồn gốc thông tin cả”.
Những tìm kiếm trên mạng ở Trung Quốc về từ khóa “panama papers” đưa ra một lời cảnh báo rằng kết quả tìm kiếm có thể không phù hợp với các luật lệ và quy định và do đó không thể được trình bày. Hồi đầu tuần này, báo Global Times của nhà nước nói rằng truyền thông Tây phương dùng những tiết lộ đó để gây phương hại cho các nước không phải là Tây phương.