Hoa Kỳ không có nhiều chọn lựa để chấm dứt giao tranh tại Syria

  • Andre DeNesnera

Ngoại trưởng Clinton nói mục đích chiến lược của Mỹ là mau chóng chấm dứt vụ đổ máu và chế độ Assad

Trong những tuyên bố ở trong và ngoài nước, Chính phủ Obama đã nói rõ chính sách của họ về Syria:

Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi.

Trong chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, Ngoại trưởng Hillary Clinton nói “Mục đích chiến lược của chúng tôi là mau chóng chấm dứt vụ đổ máu và chế độ Assad.”

Nhưng các nhà phân tích nói Hoa Kỳ chưa tới chỗ đạt được mục đích đó.

Lập trường của Hoa Kỳ không làm được gì nhiều để giúp lực lượng nổi dậy Syria trong gần 18 tháng nay, và không có dấu hiệu nào cho thấy các phe sẽ buông vũ khí.

Hoa Kỳ không có nhiều chọn lựa.

Các nhà phân tích nói vào lúc này, không có ai thật sự yêu cầu can thiệp quân sự. Nhưng Tổng thống Barack Obama đe dọa sử dụng vũ lực nếu Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Một số chính trị gia Hoa Kỳ đang nói về một chọn lựa khác: thiết lập một khu vực cấm bay trên bầu trời Syria, tương tự như tại Libya trước đây.

Nhưng các chuyên gia cũng nói một đề nghị như vậy sẽ không được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phê chuẩn, vì Nga đã nói rõ rằng họ sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào yêu cầu một vùng cấm bay. Nga và Trung Quốc đã từng phủ quyết nhiều nghị quyết kêu gọi ông Assad từ chức.

Một số nhà phân tích nói rằng, phe nổi dậy, vốn chỉ được võ trang nhẹ, cần phải có thêm vũ khí để tranh đấu chống quân đội Syria võ trang hùng hậu.

Nhiều quốc gia Phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ và Anh, đã cung cấp cho phe nổi dậy Syria những vũ khí không sát thương, như thiết bị truyền tin, tiếp liệu y khoa, và các bộ lọc nước.

Trang bị cho các phần tử nổi dậy có thể phản tác dụng.

Tin tức cũng cho biết, các nước như Qatar và Ả Rập Saudi hoặc cung cấp tiền bạc cho nhiều tổ chức nổi dậy khác nhau để mua vũ khí, hoặc cung cấp trực tiếp vũ khí cho họ.

Nhưng ông Nadim Shehadi, một chuyên gia về vùng Trung Đông làm việc với tổ chức Chatam House tại London nói rằng cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy có thể là một hành động không hay:

“Nó sẽ phản tác dụng, bởi vì tất cả các tổ chức nổi dậy giờ đây đã được võ trang vì mục đích tốt hay không tốt sẽ bị giải giới sau này, và đó sẽ là một tiến trình rất khó khăn. Một cuộc can thiệp quân sự trực tiếp sẽ có lý hơn. Dẹp bỏ một lực lượng chiếm đóng thì dễ hơn là giải tán các tổ chức dân quân sau này.”

Ông Shehadi và những người khác tin là giờ đây Hoa Kỳ phải đóng vai trò dẫn đầu trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria. Nhưng, có người nói sẽ không có gì xảy ra cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 và thậm chí vào sau tháng Giêng, khi người thắng cử nhậm chức.

Assad sẽ tranh đấu tới phút chót.

Ông Fawaz Gerges, một chuyên gia Trung Đông, làm việc ở London, tin là Tổng thống Assad sẽ tranh đấu cho tới phút chót:

“Tất cả những dấu hiệu dường như cho thấy rõ rằng ông đang chuẩn bị một cuộc tranh đấu lâu dài. Chẳng những ông Assad không tin là ông sẽ gặp chung số phận như Gadhafi; ông, những người ủng hộ ông và các đồng minh của ông, đặc biệt là Iran, tin là ông có được đà thuận lợi, ông vẫn còn có thể đè bẹp phe nổi dậy. Nếu ngăn được một sự can thiệp quân sự của quốc tế, ông Assad sẽ có thể sống sót trong một thời gian dài.”

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton thấy một cách khác có thể giải quyết vấn đề ra đi của ông Assad:

“Ta có thể lý luận rằng giải pháp này nhân đạo hơn, cứu được nhiều sinh mạng hơn, và gây ít xáo trộn kinh tế cho Syria hơn, đó là cho phép ông Assad và gia đình tẩu thoát, mang theo một số tiền để chấm dứt vụ xung đột sớm hơn. Nhưng ai có thể bảo đảm an ninh cho ông Assad? Nếu ông không cảm thấy được bảo đảm như vậy, thì ông sẽ quyết định tranh đấu cho tới phút chót. Điều đó có vẻ là những gì ông và chế độ của ông đang làm.”