Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel cảnh báo rằng Nhà Nước Hồi giáo không chỉ là một nhóm khủng bố tiêu biểu, mà còn hơn thế nữa, là một mối đe dọa cấp thời đối với Hoa Kỳ.
Nói chuyện với các phóng viên ở Ngũ Giác Đài, Bộ trưởng Quốc phòng Hagel nói các cuộc không kích do Hoa Kỳ thực hiện đã giúp chặn lại đà tiến của các phiến quân Nhà Nước Hồi giáo, và giúp các lực lượng Kurd lấy lại thế đứng của họ.
Tuy nhiên, ông dự kiến quân nổi dậy Hồi giáo có thể tập hợp lại và phát động một cuộc tấn công mới. Ông Hagel phát biểu:
“Họ không thuần chỉ là một nhóm khủng bố. Họ liên kết ý thức hệ với một khả năng tinh vi về chiến lược và chiến thuật. Họ được tài trợ hết sức đầy đủ. Đây quả thực vượt quá những gì mà chúng ta từng thấy trước đây.”
Ông Hagel mô tả các chiến binh Nhà Nước Hồi giáo là dã man, và nói bọn chúng đề ra một mối đe dọa nghiêm trọng cho Hoa Kỳ và các quốc gia khác:
“Họ không có một chuẩn mực nào về lễ nghi phép tắc, về cách cư xử của một con người có trách nhiệm, và tôi nghĩ là thành tích của họ đã vạch khá rõ ra điều đó. Đúng thế, họ là một mối đe dọa cấp thời đối với mọi lợi ích của chúng ta, dù là ở Iraq hay bất cứ nơi nào khác.”
Đại Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng Liên Quân Hoa Kỳ, nói rằng Nhà Nước Hồi giáo có thể đề ra một mối đe dọa cho các nước Tây Phương, qua việc trở về nước của các công dân Mỹ hay Âu Châu đã từng chiến đấu cho nhóm chủ chiến này ở Syria hay ở Iraq.
Đại Tướng Martin Dempsey nói:
“Nhóm “Nhà nước Hồi giáo Iraq và miền Cận Đông”- ISIS, chỉ thực sự bị đánh bại khi nào nhóm này bị từ bỏ bởi 20 triệu người Sunni bị gạt ra ngoài lề và sinh sống trong khu vực giữa Damascus và Baghdad.”
Các nhận định vừa kể được đưa ra vài ngày sau khi các phần tử chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo công bố một băng video cho thấy nhà báo Mỹ James Foley bị chặt đầu. Ông Foley là một phóng viên làm việc cho GlobalPost khi ông bị bắt ở Syria hồi năm 2012.
Hãng tin của ông nói rằng những kẻ bắt cóc đã đòi 132 triệu đôla để thả ông ra.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ Marie Harf nói rằng từ lâu chính sách của Mỹ là không trả tiền chuộc mạng trong những trường hợp các công dân Mỹ bị cầm giữ trong những khu vực giao tranh. Bà Harf nói:
“Chính phủ Hoa Kỳ vững tin rằng trả tiền chuộc mạng cho những kẻ khủng bố đem lại cho chúng một công cụ dưới hình thức tài trợ, giúp chúng truyền bá thêm những gì chúng đang làm. Vì thế chúng tôi tin chắc rằng chúng tôi sẽ không làm điều đó.”
Các binh sĩ biệt kích Mỹ đã tìm cách giải cứu ông Foley và nhiều người Mỹ khác ở Syria. Tuy nhiên sứ mạng này thất bại bởi vì các con tin không có mặt tại địa điểm được cho là họ đã bị cầm giữ.