Hoa Kỳ sẽ đánh dấu sự trở lại cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu hôm 25/1 thông qua việc tham gia các cuộc đàm phán cấp cao về các cách để bảo vệ tốt hơn cho con người và nền kinh tế khỏi những tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, theo Reuters.
Chưa đầy một tuần sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố đưa Hoa Kỳ trở lại Hiệp định khí hậu Paris 2015, Đặc phái viên về khí hậu John Kerry của ông Biden sẽ cùng với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng), Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà lãnh đạo khác gặp gỡ trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh về Thích ứng Khí hậu.
Hội nghị trực tuyến này do Hà Lan đăng cai tổ chức, nhằm đề ra các giải pháp và kế hoạch thiết thực để ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn đến năm 2030.
Your browser doesn’t support HTML5
Trước hội nghị thượng đỉnh, hơn 3.000 nhà khoa học từ khắp nơi trên toàn cầu đã thúc giục các nhà lãnh đạo bảo vệ tốt hơn cho mọi người khỏi tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học, trong đó có 5 người đoạt giải Nobel, cho biết trong một tuyên bố: “Thế giới đang nóng lên nhanh chóng đang trải qua những gián đoạn lớn do hạn hán khốc liệt hơn, hỏa hoạn, sóng nhiệt, lũ lụt, lốc xoáy nhiệt đới hủy diệt và các hiện tượng cực đoan khác.”
“Trừ khi chúng ta đẩy mạnh và thích ứng ngay bây giờ, còn nếu không thì nạn nghèo đói, thiếu nước, thiệt hại về nông nghiệp và mức độ di cư sẽ tăng vọt với một thiệt hại to lớn về tính mạng con người.”
Đơn vị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng (GCA) cho biết biến đổi khí hậu có thể làm suy giảm sản lượng lương thực toàn cầu tới 30%, trong khi nước biển dâng và những cơn bão lớn hơn có thể khiến hàng trăm triệu người ở các thành phố ven biển phải rời bỏ nhà cửa.