Trong khi một giới chức Hoa Kỳ gợi ý rằng cuộc bầu cử sắp tới ở Myanmar có thể dẫn đến sự giao tiếp thêm, giới chỉ trích nói rằng quân đội Myanmar vẫn còn quá nhiều quyền lực. Hôm qua, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói các giới chức chính đang theo dõi sát cuộc bầu cử ngày chủ nhật này tại Myanmar để xem có dấu hiệu tiến bộ nào đi từ độc tài quân trị đến dân chủ hay không.
Phát ngôn viên John Kirby cho biết Đại sứ Hoa Kỳ Derek Mitchell, nhân viên đại sứ quán, Phó giám đốc USAID Jonathan Stivers và các nhân viên quốc hội sẽ theo dõi suốt thời gian bầu cử. Tại một cuộc họp báo ở Washington, ông Kirby nói: “Hoa Kỳ đã cung cấp việc huấn luyện theo dõi bầu cử và hỗ trợ cho các tổ chức xã hội dân sự ở đó. Các tổ chức này sẽ điều động 5 ngàn cố vấn bầu cử độc lập, phi đảng phái và chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi chính phủ Myanmar để cho các quan sát viên được tiếp cận trước cuộc bầu cử tại các doanh trại quân đội.”
Một vấn đề mà việc tiến hành bầu cử có thể vấp phải là việc ủy ban bầu cử Myanmar có thể không chung quyết được danh sách cử tri vài ngày trước cuộc bỏ phiếu. Ông Kirby nói tiếp: “Chúng tôi tập trung bảo đảm việc tiến hành và kết quả bầu cử càng khả tín, minh bạch và toàn diện càng tốt … Chúng tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh đến sự quan trọng là các cơ chế chính trị của Myanmar tôn trọng kết quả của tiến trình đó.”
Hoa Kỳ đã chi hàng triệu đôla trong mấy năm vừa qua để củng cố các cơ chế dân chủ của Myanmar, trong đó có giáo dục cử tri, huấn luyện nhân viên và các quan sát viên bầu cử và hợp tác với các cơ chế để giúp các chính đảng phát triển cương lĩnh của họ.
Các cuộc bầu cử của Myanmar được coi là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chuyển đổi chính trị ra khỏi nhiều thập niên độc tài quân trị. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước này kể từ khi một chính phủ dân sự trên danh nghĩa được hình thành vào năm 2011.
Năm 2012, trong khi nới lỏng các hạn chế để các công ty của Hoa Kỳ có thể làm ăn có trách nhiệm ở Myanmar, tức Miến Điện, Tổng thống Obama cũng ký một lệnh hành pháp để mở rộng phạm vi các biện pháp chế tài hiện hữu đối với những người vi phạm nhân quyền hay góp phần vào những vụ xung đột sắc tộc.
Hồi đầu tuần này, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia về Thông in Liên lạc Sách lược, ông Ben Rhodes, người vừa đi Myanmar, nói với một cử tọa ở Washington rằng “có rất nhiều lợi ích tiềm ẩn nay mai.”
Điều đó có thể được coi như việc có thêm sự giao tiếp với Hoa Kỳ và tây phương, kể cả việc bãi bỏ hay nới lỏng thêm các biện pháp chế tài đối với Myanmar.
Ông David Steinberg của trường Đại học Georgetown tin rằng cuộc bầu cử sẽ đẩy Myanmar hướng tới đa nguyên như bước đầu tiến tới dân chủ thực sự. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài VOA, ông Steinberg nói cuộc bầu cử sẽ đem lại nhiều lợi ích.
Ông David Steinberg nói: “Thứ nhất, để thiết lập truyền thống bầu cử tự do trong nước trong tương lai’ thứ hai, sẽ là điều rất quan trọng đối với nhận định của thế giới ở phương tây, nhất là về tương lai của nước này.”
Nhưng trong một điện thư, ông Phil Robertson, phó giám đốc đặc trách châu Á của tổ chức Human Rights Watch, nói với đài VOA rằng “Chính phủ Hoa Kỳ không nên xét tới việc nới lỏng chế tài bởi vì bên dưới lớp vỏ bọc chính trị Miến Điện hay kinh tế, vẫn là Quân đội Miến Điện.”
Mặc dầu chính phủ Myanmar đã thực thi một số cải cách từ năm 2011, giới chỉ trích cho rằng vẫn còn những thách thức đáng kể. Họ nói một số trở ngại về cấu trúc đối với một nền dân chủ công bằng và toàn diện bao gồm những hạn chế hiến định về sự tham gia chính trị và phân biệt đối xử nhắm vào các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo.
Một thí dụ khác được giới chỉ trích nêu ra là việc gạt ra ngoài lề một cách ồ ạt hàng chục ngàn người thuộc các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo, kể cả người Hồi giáo Rohingya.
Ông Robertson nói Hoa Kỳ có thể làm một số việc để trừng phạt tình trạng kỳ thị liên tục nhắm vào các nhóm thiểu số Hồi giáo, nhưng có phần chắc chính phủ sẽ tiếp tục chính sách “giao tiếp và thuyết phục.”