Hôm 9/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trừng phạt một cựu công an của Việt Nam bằng hình thức cấm nhập cảnh do những hành động vi phạm nhân quyền “trắng trợn”. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Hoa Kỳ đối với chính sách bảo vệ nhân quyền toàn cầu, chỉ vài ngày sau khi Washington đưa Hà Nội vào danh sách “Theo dõi Đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 9/12/ 2022 đã đưa ông Vo Thanh Dung (Vo), cựu công an thuộc Công an Thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận vào danh sách trừng phạt theo Khoản mục 7031(c), vì “việc ông này tham gia vào một hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn, cụ thể là tra tấn, vào tháng 1 năm 1987”.
Mục 7031(c) quy định rằng trong những trường hợp có thông tin đáng tin cậy rằng các quan chức của chính phủ nước ngoài có liên quan đến tham nhũng nghiêm trọng hoặc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, những cá nhân đó và các thành viên gia đình trực hệ của họ sẽ không đủ điều kiện nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, ông Vo Thanh Dung nằm trong số hơn 65 cá nhân và tổ chức có liên quan đến tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở 17 quốc gia bị Hoa Kỳ trừng phạt hôm 9/12. Danh sách này được Bộ Ngoại giao và Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ công bố nhân ngày Ngày Quốc tế Phòng chống Tham nhũng 9/12 và Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12.
“Hoa Kỳ đang thực hiện hàng chục hành động để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với nạn tham nhũng và lạm dụng nhân quyền trên khắp thế giới. Khi làm như vậy, chúng tôi đang sử dụng một loạt các công cụ buộc trách nhiệm, bao gồm các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu và cơ chế hạn chế thị thực nhập cảnh theo khoản mục 7031(c) của Bộ Ngoại giao”, ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA. Công an Bình Thuận và chính quyền các cấp ở Bình Thuận cũng chưa phản hồi.
Trước đó, hôm 2/12, Ngoại trưởng Blinken đưa Việt Nam vào danh sách “Theo dõi Đặc biệt” vì thực hiện hoặc dung dưỡng các vi phạm tự do tôn giáo.
Trao đổi với VOA về việc chính phủ Hoa Kỳ chế tài một cựu quan chức ở Bình Thuận này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc của tổ chức BPSOS có trụ sở ở Mỹ, nói: “Điểm lạ là sự việc xảy ra năm 1987. Các biện pháp chế tài của Hoa Kỳ thường chỉ ứng dụng cho các vi phạm trong 5 năm trở lại”.
Ông Thắng cho biết thêm: “Có lẽ đây là tín hiệu cảnh báo hơn là trừng phạt thực sự vì ông Dung giờ này có lẽ đã về hưu”.