Một hội đồng trưởng lão của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vừa được thành lập và Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, người từng bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình, được suy tôn làm lãnh đạo cao nhất của giáo hội này.
Trong một công bố ngày 1/9, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ cho biết Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV) được tái lập ngày 21/8 và hội đồng này đã suy cử ngài giữ chức Chánh thư ký Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống.
Công bố cho biết bước đi này được thực hiện theo di nguyện của cố Tăng thống Thích Quảng Độ, người viên tịch vào ngày 22/02/2020. Trước đó, vào 25/11/2018, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã ra quyết định giải thể Hội đồng Giáo phẩm Trung ương của UBCV.
Một buổi lễ trao truyền di chúc, ấn tín, và khai ấn được cử hành ngày 22/8 vừa qua tại chùa Từ Hiếu ở Tp. Hồ Chí Minh, vẫn theo công bố.
Hoà Thượng Thích Nguyên Lý, trụ trì chùa Từ Hiếu, đồng thời là một trong 10 thành viên của Hội đồng, cho VOA biết thêm về việc suy tôn người đứng đầu UBCV – một giáo hội không được chính quyền công nhận.
“Người đứng đầu là Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh thư ký kiêm xử lý thường vụ Viện Tăng Thống. Hội đồng Trưởng lão đã cung thỉnh ngài giữ ngôi vị lớn nhất trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”.
Công bố cho biết Hội đồng Giáo phẩm Trung ương “kế thừa sự nghiệp hoằng pháp”, “pháp huy lý tưởng phụng sự dân tộc và nhân loại” như đã minh định trong Hiến chương của UBCV, “vì một đất nước thanh bình an lạc, vì một truyền thống nhân ái bao dung, vì một xã hội đạo đức tôn trọng phẩm giá của con người, tôn trọng các quyền tự do bình đẳng giữa người với người”.
Từ Canberra, Australia, Hòa Thượng Thích Quảng Ba, Viện trưởng Tu viện Vạn Hạnh, nguyên Phó Hội chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Úc-Châu, nói với VOA hôm 1/9:
“Thầy Thích Tuệ Sỹ rất xứng đáng. Bây giờ có thể nói là thầy là lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
“Những gì cần phải làm là rất nhiều: tái lập lại cơ cấu, mời bổ sung các nhân sự cho Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, tổ chức đại hội để thành lập nhân sự cho Hội đồng Viện Tăng Thống và Hội đồng Viện Hóa Đạo”.
Công bố của Hòa Thượng Thích Tụy Sỹ nhắc lại rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không phải là một hiệp hội thế tục, do đó, “không tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của bất cứ quyền lực thế tục, không là công cụ bảo vệ sự tồn tại của xu hướng chính trị” và cũng không hoạt động “theo bất kỳ ý thức hệ nào”.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là tổ chức Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở miền Nam, nhưng sau năm 1975, chính quyền Việt Nam phủ nhận sự tồn tại của giáo hội này, trong khi ủng hộ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện do Hòa thượng Thích Trí Quảng giữ chức Quyền Pháp chủ, cũng thường xuyên lên tiếng chỉ trích các hoạt động của các tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
VOA đã liên lạc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ để tìm hiểu phản ứng của họ trước việc tái lập của Hội đồng Trưởng lão và suy tôn Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, nhưng chưa được phản hồi.
Sau khi Hòa thượng Đôn Hậu, Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, qua đời vào tháng 4/1992, Hòa thượng Huyền Quang đảm nhận vai trò này, tiếp tục lãnh đạo UBCV cho đến năm 2008. Chức tăng thống sau đó được Hòa thượng Thích Quảng Độ đảm nhận cho đến năm 2020.
Chính quyền Việt Nam thường xuyên trấn áp và sách nhiễu các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ngăn cản và quản thúc các vị lãnh đạo của tổ chức tôn giáo này.
XEM THÊM: Bức thư Mùa Vu Lan của Hòa thượng Tuệ SỹHòa thượng Thích Tuệ Sỹ, 79 tuổi, được biết như là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư của Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam.
Một thành viên Hội đồng Trưởng lão cho VOA biết rằng Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ hiện đang ngụ tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai.
Ngày 1/4/1984, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ và Hòa thượng Thích Nguyên Giác bị bắt tại chùa Già Lam ở Tp. Hồ Chí Minh, trong khi Hòa thượng Thích Trí Siêu và Thích Như Minh bị bắt tại Viện Phật học Vạn Hạnh.
Ngày 30/9/1988, trong phiên tòa xét xử tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”, thầy Tuệ Sỹ và thầy Trí Siêu bị chính quyền Việt Nam xử tử hình, nhưng nhờ áp lực quốc tế đến năm 1998, thầy Tuệ Sỹ và Trí Siêu được thả.
Vào tháng 4/2000 công an đã đến khám xét chùa nơi cư ngụ của Hòa thượng Thích Quảng Độ và Thích Tuệ Sỹ, và vào năm 2003, ông bị chính quyền quản chế hành chính hai năm.