Truyền thông chính thống Trung Quốc phản bác các thông tin của truyền thông quốc tế cho rằng Việt Nam và Nhật Bản, hai quốc gia cùng có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, nâng cấp mối quan hệ là để kiềm chế Trung Quốc.
Việt Nam và Nhật Bản hôm 27/11 nâng cấp quan hệ từ Đối tác chiến lược sâu rộng lên Đối tác chiến lược toàn diện, mức quan hệ ngoại giao cao nhất mà Việt Nam đang có với 5 nước trước đó, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ. Việc nâng cấp này diễn ra không lâu sau khi Hà Nội đưa Washington lên trở thành một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của mình.
Việc nâng cấp quan hệ Việt-Nhật được công bố trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Tokyo. Tại đây, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tuyên bố rằng Việt Nam là “đối tác quan trọng trong việc đạt được một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, một chiến lược do Mỹ dẫn đầu nhằm đối chọi sức mạnh gia tăng của Trung Quốc.
Đưa tin về mối quan hệ mới của Việt Nam và Nhật Bản, hãng tin Mỹ AP nói rằng hai nước nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, hãng tin Anh Reuters cho rằng động thái này nhấn mạnh vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh có căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây, giúp chuyển dịch đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang quốc gia Đông Nam Á.
Cũng nhận định về mục tiêu của việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản, báo Nhật Nikkei Asia viết rằng Thủ tướng Kishida và Chủ tịch Thưởng nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa về an ninh, có thể liên quan đến chương trình viện trợ quốc phòng mới của Tokyo, khi Hà Nội “ngày càng lo ngại hơn về việc xây dựng quân sự trên biển của Trung Quốc”.
Theo Gobal Times, tức Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, truyền thông phương Tây cũng nhấn mạnh rằng cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang vướng vào các tranh chấp hàng hải riêng rẽ với Trung Quốc. Tờ báo, chuyên bình luận về các vấn đề quốc tế từ góc độ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, cho rằng đây là ý đồ của phương Tây “nhằm tận dụng cơ hội để chia rẽ Trung Quốc với Việt Nam và phóng đại sự ‘thù địch’ của Việt Nam với Trung Quốc”.
Giáo sư Hứa Lợi Bình, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, được Hoàn cầu Thời báo trích dẫn nói rằng một số cơ quan truyền thông nước ngoài “dường như đã phóng đại những khác biệt nhất định trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam”.
“Mặc dù thực sự có những tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhưng những tranh chấp này không làm lu mờ phát triển chung của quan hệ Trung-Việt”, ông Hứa nói.
Tranh chấp chủ quyền hàng hải luôn là một vấn đề nhức nhối trong mối quan hệ giữa hai quốc gia Cộng sản láng giềng khi Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động quân sự hóa Biển Đông trong khi Việt Nam nhiều lần phản đối các tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình.
Hoàn cầu Thời báo cho rằng các nước như Mỹ và Nhật Bản “từ lâu đã tìm cách lôi kéo Việt Nam làm con tốt trong quá trình kiềm chế Trung Quốc”.
“Tuy nhiên, đối với Việt Nam, muốn nâng cấp quan hệ với Nhật Bản không nhất thiết có nghĩa là xung đột trực tiếp với Trung Quốc”, Hoàn cầu Thời Báo nhận định.
Chính phủ Việt Nam cho biết Chủ tịch Thưởng và Thủ tướng Kishida nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện “vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Theo Báo Chính phủ, Việt Nam và Nhật Bản thống nhất ủng hộ đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Nói về lập trường của Việt Nam với Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo nhắc đến việc Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vào ngày 25/11 rằng “Việt Nam và Trung Quốc cùng là đồng chí, anh em”.
Thủ tướng Chính hôm 25/11 tiếp đón Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, trong đó người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng việc duy trì và phát triển mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc là “lựa chọn chiến lược” và “ưu tiên hàng đầu” trong đường lối đối ngoại của Hà Nội.