Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm trong tháng Tư, một cuộc khảo sát chính thức hôm 1/5 cho thấy, tín hiệu cho thấy thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt để duy trì động lực phục hồi kinh tế của quốc gia này.
Theo cục thống kê chính phủ và một hiệp hội ngành chính thức, chỉ số quản lý thu mua (PMI) hàng tháng đã giảm từ 51,9 hồi tháng 3 xuống còn 49,2 trên thang 100 điểm mà trong đó mức điểm dưới 50 cho thấy hoạt động suy giảm.
Các chỉ số đo lường sản xuất, số đơn hàng mới và việc làm đã giảm so với tháng trước, Cục Thống kê Quốc gia và Liên đoàn Hậu cần & Mua hàng Trung Quốc cho biết. Nhưng họ cho biết chỉ số sản xuất vẫn trên 50 điểm, tức là vẫn có tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng tốc trong quý đầu tiên của năm nay sau khi kết thúc đột ngột các biện pháp kiểm soát chống virus. Nhưng các nhà chức trách cảnh báo rằng nước này có thể sẽ phải đối mặt với áp lực xuất nhập khẩu trong những tháng tới trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn và cảnh báo về nhu cầu thị trường nội địa không đủ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một chuyên viên thống kê cấp cao của cục là Triệu Thanh Hà hôm 30/4 nói rằng chỉ số quản lý thu mua sản xuất sụt giảm một phần là do nhu cầu thị trường yếu và chỉ số nền tương đối cao được ghi nhận trong quý đầu tiên khi nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.
Số liệu chính thức cũng cho thấy chỉ số đo lường các hoạt động thương mại phi sản xuất đã giảm từ 58,2 điểm trong tháng 3 xuống 56,4 điểm. Chỉ số PMI tổng hợp giảm từ 57 điểm hồi tháng trước xuống còn 54,4 điểm.
Đầu năm nay, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức ‘khoảng 5%’, mục tiêu thận trọng vốn chỉ đạt được nếu GDP tăng nhanh hơn trong những tháng tới.
Chính phủ Trung Quốc trước đó cho biết họ sẽ thực hiện các chính sách khác nhau để ‘ổn định tăng trưởng’ và kích thích nhu cầu nội địa, cũng như giúp hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp mới nổi.