Bắc Kinh muốn kiểm soát hoàn toàn vùng biển thuộc đường chín đoạn mà họ tuyên bố có chủ quyền nên họ mới áp lực buộc Manila quy phục, các học giả Philippines cho biết tại một hội thảo Biển Đông trong khi một quan chức Mỹ nói rằng cam kết bảo vệ Philippines là ‘sắt đá’.
Những căng thẳng gần đây giữa Manila và Bắc Kinh xung quanh bãi Cỏ Mây đã chi phối hội thảo thường niên về Biển Đông năm nay do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 11/7 tại thủ đô Washington D.C., quy tụ các học giả và nhà nghiên cứu từ nhiều nước.
‘Biểu tượng của sự kháng cự’
Tại hội thảo, Giáo sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện nghiên cứu Các vấn đề trên biển và Luật Biển thuộc Đại học Philippines, đã tố cáo những hành động gây hấn ngày càng leo thang của Trung Quốc đối với Philippines trong thời gian.
Cụ thể, hải cảnh Trung Quốc đã liên tục quấy rối và ngăn cản tàu hải quân Philippines tiếp tế cho một con tàu mà hải quân Philippines cố tình để mắc cạn ở bãi Cỏ Mây, tức Second Thomas Shoal, mà Manila gọi là bãi Ayungin còn Bắc Kinh gọi là Nhân Ái Đảo, để đánh dấu chủ quyền.
Đỉnh điểm là vụ việc hôm 17/6 khi hải cảnh Trung Quốc chặn, nhảy lên tàu tiếp tế Philippines mang theo dao và giáo khiến cho một quân nhân Philippines bị thương.
“Ý định của Trung Quốc là rõ ràng, nó được thể hiện rất rõ qua những hành động của họ,” Giáo sư Batongbacal lên án. “Họ muốn kiểm soát hoàn toàn vùng biển trong đường chín đoạn.”
“Điều này đòi hỏi Philippines phải khuất phục bằng sự phục tùng (trước Trung Quốc) như quan chức ở Đại sứ quán Trung Quốc từng tiết lộ với báo chí Philippines. Rõ ràng là họ muốn đánh tín hiệu đến công chúng Philippines về điều mà họ muốn,” ông nói thêm và cho rằng điều đó có nghĩa là Manila ‘phải từ bỏ những quyền trên biển dưới sự cưỡng ép, áp lực và giờ là bạo lực thẳng thừng’.
Giáo sư Jay Batongbacal đã từng trực tiếp lên thuyền cao su nhỏ đối đầu với hải cảnh Trung Quốc khi ông tiến hành khảo sát khoa học biển gần đảo Thị Tứ và đã nói chuyện với những ngư dân Philippines bị hải cảnh Trung Quốc xua đuổi khỏi ngư trường truyền thống của họ, ông cho biết.
Theo lời ông thì sáu tháng đầu năm nay sự đối đầu giữa hai nước ở Bãi Cỏ Mây ‘ngày càng căng thẳng và khiêu khích’ và gọi sự kiện ngày 17/6 là ‘sử dụng vũ lực nhằm vào một nước khác’, ‘cuộc tấn công tàn bạo’ và ‘rõ ràng là vô cớ’. Ông mô tả phía Philippines chỉ có tàu cao su nhỏ đem theo thực phẩm, nhu yếu phẩm trong khi không có vũ khí để sẵn sàng đối phó với hải cảnh Trung Quốc.
Ông gọi con tàu Sierra Madre mà Manila để mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây cùng lực lượng đồn trú luân phiên ở đó là ‘biểu tượng chủ quyền’ của Philippines theo luật pháp quốc tế’.
Ông nói con tàu gỉ sét, bất động giữa biển khơi này ‘không thể là mối đe dọa cho bất cứ ai’. Tuy nhiên, Bắc Kinh đặc biệt để ý đến nó vì đối với họ, ông nói, ‘đó là biểu tượng kháng cự trước sức mạnh áp đảo của Bắc Kinh’, ‘biểu tượng phản kháng đường chín đoạn’.
“Đó là lý do tại sao Bắc Kinh không dung thứ cho sự hiện diện của nó [ở Bãi Cỏ Mây],” ông nói.
Ông cho biết những hành động của Trung Quốc ‘đã gây ra hậu quả cho ngư dân và ngành năng lượng Philippines’ và chỉ ra nguồn cung năng lượng của Philippines mùa hè vừa qua đã trở nên căng thẳng ‘một phần là do Philippines không thể khai thác trữ lượng dầu của mình ở Biển Đông’.
‘Thử nghiệm cho tương lai’
Bên cạnh hành động quấy rối trên Biển Đông, Bắc Kinh còn có hành động tuyên truyền mà Giáo sư Jay Batongbacal gọi là ‘chiến tranh tâm lý’, chẳng hạn lập luận hy sinh chủ quyền để có lợi ích kinh tế với Trung Quốc, hay hiệp ước an ninh ‘chẳng đảm bảo được Mỹ sẽ bảo vệ Manila’, hay ‘Manila làm như vậy là do bị ông chủ Mỹ giật dây’. Ngoài ra, Bắc Kinh còn khai thác sự miễn cưỡng của các phía đối với chiến tranh bằng cách tăng cường sự rủi ro khi hoạt động trên Biển Đông.
Phiên thảo luận tại trụ sở CSIS ở thủ đô Washington D.C. đôi khi bị gián đoạn bởi những tiếng la ó phản đối ‘Mỹ quân sự hóa Biển Đông’ từ phía cử tọa, điều mà ông Batongbacal nói là ‘khiến ông lo sợ vì họ không hề nói gì về việc Trung Quốc quân sự hóa hoàn toàn Biển Đông’.
Giáo sư Jay Batongbacal còn chỉ ra ‘đạo đức giả của Bắc Kinh’ khi họ ‘thậm chí chẳng tuân thủ nguyên tắc cùng chung sống hòa bình do chính họ đặt ra là tôn trọng chủ quyền của nước khác’.
“Họ thể hiện sự quan tâm muộn màng cho môi trường… và tác động của việc đánh bắt truyền thống của những chiếc tàu nhỏ do dân thường Philippines điều khiển với chỉ không quá 4-5 ngư dân một tàu trong khi không ngó ngàng gì đến tác động của đội tàu 300-400 chiếc của họ đi lại xung quanh những bãi san hô khác nhau ở Biển Đông. Hàng ngàn chiếc tàu cá của họ tham gia vào hoạt động khai thác không chỉ tôm cá mà còn các sinh vật tối nguy và san hô,” ông nói.
“Ngay lúc này, Trung Quốc đang sử dụng Philippines để thử nghiệm cho những hành động tương lai nhằm vào các nước tranh chấp khác,” ông phân tích. Ông cũng chỉ ra hợp tác giữa Manila và Hà Nội đang tiến triển nhưng cho rằng các nước ASEAN có khác biệt rất xa về lợi ích địa chiến lược và không có tầm nhìn xa.
Lập trường thay đổi
Chính quyền của Tổng thống Ferdinand Marcos đã áp dụng chính sách lên án các hành động của Trung Quốc [call China out] và điều này đã vạch trần chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh trên Biển Đông, bà Charmain Willoughby, phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học De La Salle, nói tại hội thảo.
Tuy nhiên, bà cho rằng mặc dù mặt tốt của việc này là phơi bày mọi hành động của Trung Quốc dưới ánh sáng nhưng có tiêu cực là nó ‘không nằm trong một chiến lược tổng thể’. “Dường như chúng tôi la lớn về Trung Quốc chỉ đơn giản là la lớn về Trung Quốc,” bà bình luận.
Bà chỉ ra lập trường của Manila trên Biển Đông ‘không nhất quán’ và có sự quay ngoắt từ chính quyền Rodrigo Duterte sang chính quyền Ferdinand Marcos. Chủ trương ‘xoay trục sang Trung Quốc’ (pivot to China) của chính quyền Duterte đã giúp giảm căng thẳng với Bắc Kinh và giúp ông Duterte giành được sự hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của ông.
Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của chính sách này là Manila ‘không thể tranh thủ được phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông hồi năm 2016’, bà nói và lưu ý phán quyết được đưa ra cũng là lúc ông Duterte lên nắm quyền.
“Chúng tôi đã bỏ lỡ thời cơ tranh thủ phán quyết của trọng tài. Đó là những năm mất mát đối với Philippines,” bà nói.
“Một bất lợi nữa của chính sách ‘xoay trục sang Trung Quốc’ là Tổng thống Duterte đã giảm nhẹ tối đa sự nghiêm trọng của các sự cố trên biển, của những hành động mà phía Trung Quốc đã làm đối với ngư dân Philipppines,” vị học giả này nói thêm và cho biết chính quyền Duterte ‘câm lặng trước tất cả các sự cố trên biển’.
Cuối cùng, cả chính sách ‘la lớn’ của ông Marcos hay ‘xoay trục sang Trung Quốc’ của ông Duterte ‘đều không thay đổi được cách hành xử của Trung Quốc’, bà Willoughby chỉ ra và cho rằng điều quan trọng là Manila ‘phải đề ra được một chiến lược cụ thể và rõ ràng để đối phó Trung Quốc trên Biển Đông’.
Bà cho rằng sự hiện diện của Washington trong khu vực, mặc dù bị Bắc Kinh lên án, ‘là rất quan trọng’. “Việc Mỹ tăng cường hệ thống liên minh của họ ở khu vực là rất được ghi nhận. Đặc biệt là đối với Philippines, hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư vào các cơ sở quân sự trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) giữa hai nước vào năm 2014,” bà nói.
Dưới chính quyền của Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã tăng cường các liên minh ba bên giữa Mỹ-Nhật-Hàn và Mỹ-Nhật-Philippines để đối phó Trung Quốc.
‘Cam kết sắt đá’
Cũng tại hội thảo này, đại diện chính quyền Mỹ là ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã khẳng định cam kết sắt đá (iron-clad) của Washington đối với Manila trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng vệ tương hỗ (MDT).
Theo Hiệp ước này, thì Mỹ và Philippines có trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau nếu một nước bị bên ngoài tấn công. Khi được hỏi hành động thế nào của Trung Quốc đối với Phillippines trên Biển Đông sẽ kích hoạt điều khoản này, ông Ratner nói: “Tôi không muốn đi vào giả thuyết, nhưng tôi sẽ nói những gì có thật. Đó là Mỹ đã nhiều lần nói rằng cam kết của chúng tôi đối với Philippines là sắt đá. Chúng tôi đã nói điều đó công khai cũng như riêng tư.”
Ông cho rằng cách tiếp cận của Manila trên Biển Đông đã cho thấy rõ ràng mọi hành động của Trung Quốc mà ông mô tả là ‘không phù hợp với luật pháp quốc tế, cưỡng ép, gây bất ổn’.
“Philippines đã hành động hợp pháp để bảo vệ binh lính của mình và thực thi quyền của mình theo luật pháp quốc tế,” ông Ratner nói và chỉ ra rằng Bãi Cỏ Mây nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
“Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Mây vào lúc này không thêm được uy tín nào so với khi Tòa Trọng tài ra phán quyền hồi năm 2016,” ông nói thêm và khẳng định rằng mọi quốc gia đều có thể cho tàu bè hay máy bay đi lại ở bất cứ nơi đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.
Ông nói ông không chỉ quan ngại về hành động của Bắc Kinh đối với Manila, mà còn đối với những nước có tranh chấp khác như Việt Nam mà ông cho là ‘cũng cưỡng ép và can thiệp vào hoạt động hợp pháp’.
Vị quan chức quốc phòng này chỉ ra rằng ngoài Trung Quốc, không có nước tranh chấp nào khác có những hành hung hăng và cưỡng ép như Trung Quốc Ông nói cảm thấy khích lệ trước các nước tranh chấp khác đã dùng ngoại giao để dàn xếp và xử lý phần nào tranh chấp
Chính quyền Biden và chính quyền Marcos đã nâng tầm quan hệ Mỹ-Philippines lên trở thành ‘một trong những mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ nhất của Mỹ trên thế giới’, theo lời ông Ratner, và liên minh giữa hai nước trong giai đoạn vừa qua ‘đã thật sự chuyển hóa và mang tính quyết định’.
“Chúng tôi đã kề vai sát cánh với Manila trong môi trường an ninh biến đổi. Chúng tôi đạt được những thỏa thuận quan trọng cho sự hiện diện luân phiên của quân Mỹ ở Philippines. Chúng tôi đã có những bước tiến lớn để tăng cường sự hiệp đồng tương tác [interoperability] cũng như ủng hộ quá trình hiện đại hóa quân đội Philippines, và chúng tôi cũng theo đuổi những cơ hội để đưa Philippines hợp tác đa phương với các đối tác khác có cùng chung chí hướng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn ủng hộ tầm nhìn chung về khu vực mở và tự do,” ông phát biểu.
Dưới chính quyền Biden và Marcos, quan hệ quốc phòng hai nước đã chứng kiến ‘những cái nhất và đầu tiên’, cũng theo lời ông Ratner, chẳng hạn như diễn tập trên biển kết hợp đầu tiên trong nhiều năm ở Biển Đông, cuộc tập trận Balikatan lớn nhất trước giờ, chuyến thăm Philippines đầu tiên của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, cuộc tuần tra trên không kết hợp đầu tiên…
“Chúng tôi đang làm việc với các đồng minh ở mức độ chưa từng thấy, đến mức mà vấn đề đặt ra không phải là liệu Mỹ có răn đe Trung Quốc hiệu quả hay không mà là liệu Mỹ và các đồng minh có có răn đe Trung Quốc hiệu quả không,” ông nói.