Một tòa án Trung Quốc đã tuyên án tù chung thân cho ông Ilham Tohti, một học giả người Uighur nổi tiếng, về tội gọi là “âm mưu chia cắt đất nước.” Ông Tohti, giáo sư kinh tế học, là người thường nghiêm khắc chỉ trích sự đối xử của Trung Quốc đối với người Uighur thiểu số ở Tân Cương, nơi xảy ra những vụ rối loạn giết chết hàng trăm người trong vài tháng qua. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên VOA William Gallo.
Trong phiên xử hai ngày hồi tuần trước, các công tố viên Trung Quốc nói rằng ông Tohti cổ xúy cho chủ trương đòi ly khai và khích động bạo lực trong các bài giảng, bài viết và những cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông nước ngoài.
Theo tin của Tân Hoa Xã, phán quyết của tòa án nói rằng ông Tohti “đã lợi dụng vị trí giáo sư để truyền bá tư tưởng chia rẽ dân tộc, mê hoặc và dụ dỗ sinh viên dân tộc thiểu số” nhằm thành lập “một tập đoàn tội phạm” để chia cắt đất nước.
Cũng theo bản tin này, ông Tohti bị tòa án xét là can tội khích động hận thù sắc tộc “qua việc xuyên tạc nguyên do” của tình trạng rối loạn ở Tân Cương. Tòa án cũng cho rằng ông Tohti “cấu kết với các cá nhân và tổ chức nước ngoài nhằm thổi phồng những vụ việc liên quan tới Tân Cương để biến những vấn đề quốc nội thành những vấn đề quốc tế.”
Học giả 44 tuổi này cực lực bác bỏ tố cáo “âm mưu chia cắt đất nước.” Ông nói rằng ông chỉ ra sức hô hào cho đối thoại và nêu lên những điều bất công. Ông Lý Phương Bình, luật sư của ông Tohti, nói rằng bản án này là “bất công” và thân chủ ông sẽ kháng án.
"Là luật sư của ông Ilham Tohti, tôi nghĩ rằng phán quyết này hoàn toàn không thể chấp nhận. Ông Tohti cũng nói rằng ông vô tội. Chắc chắn ông sẽ kháng án. Dựa trên những ngôn từ của phán quyết, tôi nghĩ rằng vụ án này đã bị chính trị hóa quá độ."
Ông Wiilliam Nie, một nhà nghiên cứu ở Hồng Kông của Hội Ân xá Quốc tế, nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy ông Tohti có những hành vi nhằm chia cắt đất nước. Ông Nie nói với đài VOA rằng việc đàn áp những tiếng nói ôn hòa như vậy có thể làm cho tình hình Tân Cương trở nên căng thẳng hơn nữa.
"Tôi nghĩ rằng bản án này có mục đích đánh đi một thông điệp cho giới trí thức Uighur là nếu các ông hô hào cho những chính sách khác với chính sách của Đảng Cộng Sản hiện nay, các ông sẽ bị làm cho im tiếng. Đương nhiên, ông Tohti là người được biết tiếng vì đã nêu lên nhiều chính sách có tính chất kỳ thị về các vấn đề tuyển dụng nhân viên, ngôn ngữ, sự tham gia chính trị và những vấn đề khác. Và nếu những người khác cảm thấy họ không thể thảo luận những vấn đề này một cách trung thực, nếu không có kênh nào để họ trình bày những sự bất mãn, thì tôi e rằng điều đó sẽ là cho nhiều người trở nên quá khích vì họ không nhìn thấy con đường nào khác ở trước mắt."
Ông Tohti, cùng với một số sinh viên của ông, bị bắt hồi tháng giêng trong lúc Trung Quốc tiến hành cuộc trấn áp chủ nghĩa cực đoan bạo động ở Tân Cương.
Trung Quốc nói rằng họ đang chiến đấu chống lại một cuộc nổi dậy do nước ngoài hỗ trợ ở Tân Cương. Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhân quyền nói rằng bạo động phát sinh từ sự áp bức của Trung Quốc đối với người Uighur theo đạo Hồi.
Trong mấy thập niên nay ông Tohti đã viết nhiều bài viết về sự đối xử của Trung Quốc đối với người Uighurs và đã nhiều lần bị câu lưu hoặc bị sách nhiễu vì quan điểm của ông.
Hồi tháng 11 năm ngoái, trước khi bị bắt, ông Tohti nói với đài VOA rằng cảnh sát thường phục đã tông vào xe ông, cướp điện thoại của ông và dọa giết ông vì những phát biểu của ông với giới truyền thông.
Luật sư Lý Phương Bình cho biết ông Tohti đã bị ngược đãi trong tù, như bị cùm chân và bị bỏ đói nhiều ngày.
Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu Châu và nhiều tổ chức nhân quyền đã nhiều lần lên tiếng hối thúc Trung Quốc trả tự do cho ông Tohti.