Hỏi đáp Y học: Chảy máu tử cung do rối loạn cơ năng

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc của bà Thu Nguyễn, ở Ontario, Canada về chứng chảy máu tử cung do rối loạn cơ năng.
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Bà Thu Nguyễn, đang định cư ở Ontario, Canada thắc mắc về chứng chảy máu tử cung do rối loạn cơ năng. Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

Chảy máu tử cung do rối loạn cơ năng (Dysfunctional uterine bleeding)

Thính giả nữ 53 tuổi ở Canada hỏi về vấn đề chảy máu thất thường, quá nhiều, tái đi tái lại lúc đang hoặc sau khi mãn kinh. Loại chảy máu tử cung này tiếng Anh gọi là metrorrhagia, do chữ “metro” là tử cung, “rrhagia” là bật ra, ào ra (chảy máu).

Nền y tế Canada bao gồm mọi chi phí cho bệnh nhân, cho nên vấn đề tốn kém có lẽ không đặt ra, và tôi đoán vấn đề chuyển tuyến chữa trị từ bs primary care (bs gia đình) qua bs chuyên khoa cũng được rõ ràng, không cần hướng dẫn. Có lẽ, chúng ta chỉ nên có vài nhận xét chung chung để giúp bịnh nhân hiểu thêm về loại bệnh này, và nói chuyện với bs cũng như thi hành những y lệnh dễ dàng hơn, từ đó bớt lo lắng và chữa trị hiệu quả hơn.


(Xin bấm vào nút PLAY hình tam giác để nghe toàn bộ câu hỏi và phần giải đáp của bác sĩ)

Your browser doesn’t support HTML5

Chảy máu tử cung



1) Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường: Não bộ (hypothalamus) điều khiển tuyến yên (hypophysis)nằm dưới não bộ, tuyến yên tiết hormon FSH kích thích buồng trứng (ovaries), nang (follicles) trong buồng trứng phát triển tiết ra chất estrogen, estrogen kích thích làm nội mạc tử cung cho mọc dày ra (giai đoạn tăng sinh, proliferative phase). Đến giữa chu kỳ, tuyến yên lại tiết vào máu chất LH (Luteinizing Hormone) làm trứng rụng (ovulation)đồng thời hình thành thể vàng (corpus luteum) ở buồng trứng. Corpus luteum sản xuất chất hormon progesteron để chuẩn bị nội mạc tử cung (secretory phase, giai đoạn phân tiết) cho trứng đến mọc.Sau khi được tống xuất khỏi buồng trứng, nếu thụ tinh,trứng sẽ đến "cắm rễ"( implantation) trong màng nội mạc tử cung được chuẩn bị sẳn sàng để nuôi dưỡng nó thành phôi thai (embryo). Nếu không có thụ thai, nội mạc tử cung sẽ không được bảo tồn nữa, và cuối chu kỳ, bị tróc ra (shedding), nghĩa là chảy máu kinh nguyệt trong vài ngày (<7 ngày).

2) Ở người phụ nữ gần tắt kinh, buồng trứng yếu đi, và dù được FSH kích thích nhiều hơn, không có đủ estrogen để gây ra rụng trứng, và vì trứng không rụng, giai đoạn progesteron do thiếu corpus luteum không xảy ra, chu kỳ kinh nguyệt bình thường không xảy ra. Nội mạc tử cung thiếu progesteron chuẩn bị sẽ chảy máu thất thường, cận kề từng đợt (dưới 21 ngày) hoặc tắt kinh thời gian lâu (amenorrhea) và lượng máu quá nhiều ( thường trên 80 ml).

3) Bác sĩ phải tìm xem có nguyên nhân nào khác có thể gây chảy máu tử cung bất bình thường, như u bướu, ung thư nội mạc tử cung, bệnh suy tuyến giáp trạng (hypothyroidism), bệnh máu không đông (bleeding disorder). Do đó, có thể phải thử máu, làm siêu âm, sinh thiết nội mạc tử cung...Sau đó mới có thể kết luận là chảy máu do rối loạn cơ năng (DUB, dysfunctional uterine bleeding), đa số trên người thanh thiếu nữ, hoặc đàn bà trên 45 tuổi do chu kỳ không rụng trứng (anovulatory cycle).

4) Chữa trị DUB:
a) Bs cho chích những hormon estrogen lúc cần chặn chảy máu khẩn cấp, kèm theo truyền nước biển hoặc truyền máu nếu cần.
b) Theo sau đó, hoặc trường hợp nhẹ hơn, bs có thể dùng thuốc viên ngừa thai (gồm estrogen và progestin )trong nhiều tháng,
c) Hoặc chỉ dùng một chất progestin (giống progesteron) chích hoặc uống như medroxyprogesteron (Provera), uống 10 -14 ngày mỗi tháng, trong nhiều tháng.
d) Đặt vòng trong lòng tử cung (intra-uterine device, IUD) có chứa chất progestin
e) Những trường hợp nặng, có thể cần phá huỷ nội mạc tử cung (endometrial ablation) dùng laser, sức nóng,microwave, lạnh; hoặc cắt bỏ tử cung (hysterectomy).
f)Thuốc Cyclokapron bệnh nhân dùng có mục đích cầm máu (tranexamic acid; tên khác Lysteda)
g) Uống thuốc chống viêm loại NSAID (non steroid anti inflammatory drugs)như ibuprofen (Advil, Motrin) lúc bắt đầu có kinh.

Tóm lại, bệnh nhân nên để ý tìm hiểu về căn bệnh này, để có thể đặt những câu hỏi cần thiết với bs của mình. Cần biết thế nào là chảy máu bình thường, thế nào là quá nhiều (ví dụ có nhiều máu cục, giữa đêm phải thức dậy thay băng vệ sinh, phải thay băng mỗi giờ), cần hỏi bs thuốc mình uống tác dụng ra sao, chính xác là phải uống bao nhiêu ngày, có biến chứng gì, uống hàng tháng, mấy tháng hay chỉ một lần thôi, bao giờ đi khám lại.

Cần liên lạc thường xuyên với bác sĩ gia đình để giải quyết những ưu tư lo âu của mình. Nếu bệnh nhân sợ một loại thuốc mình uống thì khó mà uống thuốc đúng theo chỉ định, chương trình được.

Chúc bệnh nhân may mắn.
BS Hồ Văn Hiền.


-----------------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.