Trong chương trình Hỏi đáp Y học tuần này, thính giả của đài VOA, Trương Lưu Thủy, gửi câu hỏi thắc mắc về chứng bệnh phù mạch (angioedema).
Thính giả Trương Lưu Thủy hỏi như sau:
“Xin kính chào Bác sĩ Hồ Văn Hiền,
Tôi tên Trương Lưu Thủy, có người chị năm nay 63 tuổi, sống ở Pháp, sức khỏe bình thường, không có bệnh gì đáng kể.
Cách đây khoảng một tháng rưỡi, chị tôi bị sưng bàn tay mặt, sưng nhưng không đau, chỉ khó nắm tay lại hoặc làm việc nhiều bằng bàn tay. Tôi tưởng là chị bị trượt té và do phản xạ tự nhiên, chống tay xuống đất, nên bị trật gân, nhưng chị nói là không có. Cũng không bị con gì cắn hay mụt nhọt gì cả. Bác sĩ gia đình cho đi chụp X-ray, không phát hiện ra điều gì bất thường. Tóm lại, hoàn toàn không biết lý do. Bác sĩ có cho thuốc Cortancyl, chị uống 1 tuần thì bàn tay hết sưng.
Sau đó khoảng một tuần, chị tôi lại bị sưng phần mặt bên phải, cũng không đau nhức gì cả. Sưng không nhiều lắm, nhưng nhìn là thấy ngay. Vòng quanh mắt có lúc sưng đỏ lên khiến chị khó chịu, nhưng có lúc xẹp xuống, bớt đỏ. Bác sĩ gia đình cho chị đi khám răng hàm mặt, khám tai, chụp X-ray mặt, làm echography mặt, hoàn toàn không phát hiện ra điều gì bất thường cả. Bác sĩ cũng lại cho chị uống Cortancyl 1 tuần. Đến nay (gần 1 tháng kể từ ngày mặt bắt đầu sưng), có bớt, nhưng vẫn còn sưng. Mặc dù chị không bị đau nhức, không ngứa ngáy, chỉ hơi khó chịu vì da mặt căng lên, nhưng tôi lo lắng vì nghĩ là phải có một nguyên nhân nào đó mới có hiện tượng này.
Tôi xin nói rõ thêm là ngoài hai chỗ kể trên, những chỗ khác trên cơ thể hoàn toàn bình thường, không có sưng hay đau nhức gì cả, vì vậy tôi không nghĩ là chị bị dị ứng; vả lại, trước nay chị tôi không hề bị dị ứng, và gần đây cũng không có ăn uống thức gì lạ hơn bình thường, có thể gây dị ứng.
Tôi muốn xin ý kiến của bác sĩ, đây có thể là triệu chứng của bệnh gì, có đáng lo ngại không, cách chữa trị và đề phòng như thế nào; và có sự liên hệ giữa hiện tượng sưng ở bàn tay và hiện tượng sưng ở mặt không ?
Tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của bác sĩ và của quý đài.
Trương Lưu Thủy."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Phù mạch (angioedema)
Tôi xin nhấn mạnh là cuộc nói chuyện này hoàn toàn có tính cách thông tin, để chúng ta cùng học hỏi, và không thể dùng để thay thế vai trò người bác sĩ riêng chữa bệnh cho thính giả.
Sau đây tôi xin bàn về chứng angioedema hay phù mạch. Tiếng Anh angioedema: angio là mạch, edema là phù. Nhưng, trước hết tôi xin bàn về một bệnh thường gặp hơn và liên hệ đến chứng angioedema, đó là bệnh mề đay (hives, urticaria). Hai chứng này liên hệ với nhau về nguồn gốc, có thể đi đôi với nhau. Mề đay khác với angioedema ở chỗ trong angioedema da sưng nhiều hơn, liên hệ luôn những mô dưới da và niêm mạc; ngoài ra những trường hợp angioedema không phải do dị ứng có thể không ngứa, không đau.
Mề đay là những vết mẩn ngoài da, ngứa, đỏ, sần lên, có thể sờ được (wheals,welts), lớn bằng một vết muỗi đốt, hay to hơn, bằng đồng tiền, có thể nối liền với nhau, lan rộng và bao phủ một vùng da của cơ thể. Mỗi mụt (wheal) mề đay tồn tại vài phút hoặc vài giờ, rồi xuất hiện đợt khác, chừng 3 ngày thì hết.
Những vết mề đay không nằm cố định một chỗ mà di chuyển chỗ này qua chỗ khác, như một đám mây, rồi từ từ biến mất, có thể chỉ trong vài giờ, tuy có thể tái phát lại. Nếu kéo dài quá 6 tuần, chúng ta gọi là mề đay hay angioedema mãn tính (kinh niên, chronic).
Người ta ước lượng 20% trong chúng ta có thể bị mề đay. Mề đay cấp tính thường do dị ứng (do thức ăn, thuốc uống, xà phòng tắm, giặt). Trong khoảng nửa số trường hợp, chúng ta không biết được nguyên nhân gây ra mề đay (idiopathic urticaria).
Đi kèm theo, urticaria hoặc riêng rẽ, có thể một hiện tượng liên hệ gọi là angioedema (“phù mạch” [angioedema là phù]): một vùng ở mặt, tay hay chân bị sưng vù lên, không ngứa, không đỏ, nhưng lại tê (numb), rát và đau. Nếu sưng nhiều, kèm theo sưng ở môi, họng, sưng thanh quản có thể làm người bệnh khó thở, nghẹt thở, có thể gây tử vong (laryngeal edema).
Angioedema có 4 loại:
1. Do dị ứng:do thức ăn, thuốc như penicillin, aspirin, latex (mủ cao su).
Dị ứng là gì?
Theo nghĩa trong y khoa không phải cái gì ngứa cũng do dị ứng. Theo phân tích chữ allergy: all [allos]= khác, khác thường, ergy[do ergon]=hoạt động, chúng ta dùng: dị=khác, ứng=đáp lại, đối lại.
Nói cách khác, dị ứng là một phản ứng bất thường của hệ miễn nhiễm của một cơ thể đối với một chất mà bình thường không gây hại.
Do một lý do chưa được hiểu rõ, khi tiếp xúc với một chất nào đó nào đó thường vô hại với người khác (gọi là “kháng nguyên” hay allergen), cơ thể bị dị ứng có những kháng thể (antibodies, IgE) tương ứng với chất đó trong những tế bào chuyên biệt (basophils, mast cells), những kháng thể này kết gắn (binding) với các allergen đó, gây cho tế bào này sản xuất ra những chất hoá học như histamine, leukotriene, gây ra những hiệu ứng như sưng, đỏ, ngứa thường thấy trong hoàn cảnh có hiện tượng dị ứng.
Họng bệnh nhân angioedema có thể sưng, làm nghẹt thở. Nếu kèm những triệu chứng khác như hạ huyết áp, phải nghĩ đến phản vệ và cần chích epinephrine ngay tức khắc theo lời dặn trước của bác sĩ (thường bác sĩ cho mua sẵn thuốc chứa trong một ống (tên Epipen) chích tự động, cấn rút chốt và dí vào đùi là thuốc được bơm vào bắp thịt đùi).
2. Một số trường hợp do thuốc chữa bệnh khác gây ra: ví dụ thuốc hạ huyết áp loại thuốc ức chế men angiotensin converting enzyme [ACE inhibitor] (như lisinopril, captopril; thuốc an thần (bupropion); thuốc chống trầm cảm (antidepressant); thuốc trị viêm không phải corticoid (NSAIDS/Non Steroid Anti Inflammatory Drugs) thường dùng để giảm sưng, giảm đau (vd ibuprofen); thuốc trị bệnh quá nhiều acid trong bao tử (thuốc ức chế bơm proton/[proton pump inhibitor] như omeprazole [Prilosec]). Phù mạch có thể kéo dài hàng tháng sau khi ngưng thuốc.
3. Idiopathic angioedema: không rõ nguyên nhân chính xác, có thể do nhiễm virus, trời quá nóng, quá lạnh, lo âu, căng thẳng thần kinh, thiếu vitamin B12, folic acid.
4. Hereditary angioedema (HAE). Do yếu tố di truyền, rất hiếm khi xảy ra. Bệnh nhân thiếu một gen liên hệ tới một chất ngăn không cho mạch máu giãn nở nhiều quá.
Trong những trường hợp angioedema do dùng thuốc ức chế ACE (ACE inhibitors) cũng như trong bệnh angioedema di truyền (HAE), trong trường hợp hiếm, bệnh nhân có thể bị phù mạch ở ruột (intestinal angioedema), với triệu chứng đau bụng, ói mửa, mất nước, chụp CT thấy vách ruột sưng và dày ra, cùng với hiện diện của tràn dịch trong màng bụng (ascites). Nếu bệnh nhân từng bị phù mạch, nên cho bác sĩ biết vì bệnh phù mạch ruột dễ lầm lẫn với những bệnh như viêm ruột, hay những bệnh vần giải phẫu như viêm phúc mạc, ruột thừa.
Chữa trị:
Mề đay hay angioedema nhẹ, có thể không cần chữa trị. Có thể tắm nước lạnh cho đỡ ngứa, tránh nước nóng. Nếu nghi do thức ăn uống hay một chất, thuốc nào đó, ngưng dùng ngay. Nghỉ ngơi, tránh ra nắng nóng, tránh ra mồ hôi.
1. Nếu ngứa nhiều, có thể dùng thuốc kháng histamine (antihistaminic drugs). Thuốc mua tự do (over the counter) ở Mỹ như:
• Diphenhydramine (Benadryl) dạng viên 25mg/ viên, hoặc dạng xy rô (syrup)12.5 mg/ 5ml (12.5mg /teaspoon). Người lớn uống chừng 1-2 viên, 6 giờ uống lại, nếu cần. Cần theo đúng hướng dẫn trong toa kèm theo thuốc.
• Cetirizine (Zyrtec) là một thuốc chống histamine (anti-histaminic), cũng bán tự do, ít buồn ngủ hơn, chỉ cần uống 1 lần trong 24 giờ.
Mề đay có thể đi kèm theo các triệu chứng cấp tính, ảnh hưởng toàn thân của anaphylaxis (phản vệ), có thể nguy hiểm, như:
• khò khè (wheezing), khó thở, hụt hơi (short of breath)
• chóng mặt, muốn ngất xỉu
• đau bụng, ói mửa, buồn nôn
• angioedema, sưng môi, miệng, sưng thanh quản nói ở trên.
2. Cortancyl là tên ở Pháp của thuốc corticoid prednisone. Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể dùng corticoid cho chóng bớt.Tuy nhiên thuốc corticoid dùng lâu có thể có nhiều biến chứng. Trong trường hợp mề đay kinh niên (mãn tính), kết quả có thể nhanh nhưng bệnh có thể tái lại lúc ngưng thuốc.
3. Cần chữa trị cấp cứu. Nếu có Epipen bs đã cho mua sẵn, cần chích Epipen theo hướng dẫn, có albuterol inhaler, (Ventolin, Proair) cần hít thuốc để giảm co thắt cuống phổi, phế quản. Gọi 911 nếu cần.
4. Trường hợp nhẹ nhưng kéo dài, tái đi tái lại đã lâu, nên đến bác sĩ khám để tìm hiểu nguồn gốc bệnh trạng, chữa trị và theo dõi thích ứng. Nói chung, nếu không có dấu hiệu gì khác, trong các trường hợp mề đay mãn tính, thuốc chống histamine loại không làm buồn ngủ (non- sedating antihistaminic) như loratadine (Claritin), fexofenadine(Allegra) cũng đủ kiểm soát bệnh. Ngược lại, những thuốc: diphenhydramine (Benadryl), cetirizine (Zyrtec) có thể gây buồn ngủ, lừ nhừ, không đủ tỉnh táo, nhanh nhẹn để lái xe, làm việc dùng máy móc nguy hiểm.
5. Danazol, một chuyển hoá chất từ hormone nam (androgen derivative), có thể dùng để chặn những cơn mạch phù tái hồi di truyền (HAE).
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
-----------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại dành cho mục Hỏi đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ Ba và thứ Năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi bằng điện thư đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com.