Hỏi đáp Y học: Nghệ, curcumin và nano-curcumin

“Kính thưa Bác sĩ,

Hiện nay ở Việt nam đang có phong trào dùng nghệ nano được sản xuất theo công nghệ mới của Viện khoa học Việt nam.

Tôi muốn được Bác sĩ tư vấn cho việc dùng nghệ nano có tác dụng gì?

Hiện nay trên thế giới có dùng nghệ nano hỗ trợ điều trị ung thư không?

Và nếu có thì hiệu quả ở mức độ thế nào?

Xin cảm ơn Bác sĩ.”

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Nghệ, curcumin và nano-curcumin

Nghệ, curcumin và nano-curcumin

Nghệ, tiếng Anh là turmeric, xuất phát từ Ấn Ðộ, từng được dùng nhiều ngàn năm nay trong y học cổ truyền Ấn Ðộ (Ayurvedic medicine) và là thực phẩm, gia vị phổ biến cũng như phương thuốc cổ truyền mà ở Việt Nam ai cũng biết, nhất là sau 30 tháng 4 năm 1975, do hoàn cảnh y tế khó khăn, chúng ta dùng viên nghệ trong đủ mọi thứ trường hợp bệnh tiêu hoá vì không có thuốc gì khác hữu hiệu hơn.

Không riêng gì Việt Nam, mà hầu như nước nào cũng muốn đề cao khả năng trị bệnh của những phương thuốc cổ truyền của mình, hay những chất có dược tính trong thực phẩm của mình, ví dụ trà của Á Đông; gừng, tiêu, ớt và ngay cả rượu cũng được đề cao với không ít lòng tự ái dân tộc. Tuy nhiên, chứng minh cho cơ quan phụ trách thực phẩm và thuốc Mỹ (FDA) rằng một dược chất nào đó có thể dùng chữa một bệnh nào đó an toàn và hữu hiệu trên con người thật đòi hỏi rất nhiều khảo cứu lâu dài và tốn kém. Không riêng Việt Nam, giới khoa học thế giới đang nghiên cứu nhiều về các đặc tính dược học của nghệ và các trích tinh từ nghệ, nhất là chất curcumin mà chúng ta sẽ bàn sau.

Tuy nhiên, đối với Mỹ, nghệ hay curcumin chỉ được Cơ quan Thực phẩm và Thuốc (FDA) coi như là “health food”, thực phẩm có tác dụng trên sức khoẻ, có thể dùng như một phụ trợ dinh dưỡng, chứ không công nhận như là một thuốc men dùng với mục đích chữa bệnh. Ngoài ra, nghiên cứu về dược tính của các cây thuốc nhiều khi cũng phức tạp, gây tranh cãi vì được thực hiện ở các nước Á châu, có thể bị các quyền lợi kinh tế ảnh hưởng. Năm 2012, một nhà nghiên cứu nổi tiếng của trung tâm M.D. Anderson, Texas, Mỹ khảo cứu nhiều về khả năng chống ung thư của curcumin và những chất thực vật khác bị tố cáo là gian lận trong công bố của mình. Bài của ông về curcumin từng được các tác giả khác trích dẫn nhiều lần trong 700 bài báo khoa học.

Những nhận xét sau đây chỉ có tính cách thông tin và không có mục đích hướng dẫn trị bệnh.

Nếu chúng ta đọc các bài viết về củ nghệ, chúng ta sẽ thấy người ta gán cho nó nhiều khả năng chống bệnh. Những bệnh được y học ngoài dòng chính (“y khoa lề trái”, gọi là “alternative medicine “) ở Mỹ dùng nghệ để chữa, căn cứ trên truyền thống hay khả năng tiềm ẩn chứng minh trong phòng thí nghiệm (chưa được chứng minh trong y khoa thực chứng) có thể gồm có: khó tiêu, đau bụng, chảy máu, tiêu chảy, sình bụng, ăn không ngon, sạn túi mật, vàng da, nhức đầu, cảm ho, đau nhức cơ và mô xơ mãn tính (fibromyalgia), bệnh cùi (bệnh Hansen), tắt kinh, ung thư (theo Medscape). Tuy nhiên, danh sách dài và không chính xác như vậy cho chúng ta cảm tưởng chung chung rằng công dụng lâm sàng của nghệ hiện nay chưa được xác định và đo lường rõ rệt đếm mức có thể dùng như một thuốc đặc trị cho một bệnh hay loại bệnh chính xác nào đó.

Theo Medscape, tác dụng duy nhất được chứng minh hữu hiệu là trong bệnh "dyspepsia", hay "khó tiêu", mà bệnh này thì cũng không được định nghĩa rõ ràng lắm.

Khi nói đến nghệ, chúng ta nói đến bột nghệ màu vàng (turmeric) lấy từ củ của cây Curcuma longa, có hoa, lá to dùng để gói bánh, xuất phát ở Ấn Độ. Nghệ được phát hiện trong những dụng cụ nấu ăn từ 4.000 năm trước. Cà-ry (curry) làm bằng bột nghệ, và chất có hoạt tính trong nghệ là curcumin, có tác dụng chống oxy hoá (antioxidant) và chống viêm. Tuy nhiên, có rất ít curcumin trong bột nghệ (chừng 3% hoặc ít hơn), và trong bột cà ry lại càng ít curcumin hơn nữa. Cho nên nếu chúng ta ăn cà-ry và hy vọng nhờ vào tác dụng của curcumin trong bột nghệ thì tác dụng ích lợi, nếu có, sẽ không bao nhiêu.

Về dược học của nghệ, vấn đề lớn là curcumin tan trong mỡ (fat soluble), không tan trong nước, rất khó hấp thụ từ đường ruột để vào máu chúng ta và từ đó tác dụng đến các bộ phận cơ thể. Phần lớn curcumin được uống/ăn (40-85%) bị thải ra ngoài phân vì cơ thể không hấp thụ được. Ví dụ ăn nghệ nấu trong mỡ (dầu đậu phụng, dầu mè, nước dừa, bơ), nấu chung với tiêu, nhờ chất piperine trong tiêu có thể tăng hấp thụ của chất curcumin đến 20 lần. Nấu nghệ trong nước sôi như pha trà cũng tăng hấp thụ chất curcumin. Đấy là những điều kiện thường thấy trong cách nấu nướng cà ry và tiêu thụ nghệ của vùng Nam Á hay Đông Nam Á chúng ta.

Công nghệ nano là công nghệ làm việc ở mức rất nhỏ của các vật thể, biến đổi vật thể ở mức nguyên tử hoặc phân tử, ở mức dưới 100 nanometer. Nanometer (nm) là đơn vị chiều dài bằng một phần tỷ (1/1.000.000.000) của một mét. Ví dụ nếu so sánh một nanometer bằng cỡ một hòn bi thì một mét là một trái cầu to bằng trái đất của chúng ta.

Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam có bài viết (10/2013) nói về nghệ nano. “Nano curcumin”, sản xuất ở Việt Nam, trong đó phân tử curcumin được chuyên chở trong những “hạt mi-xen polyme kích thước nano tan trong H2O”, được hấp thụ 40 lần tốt hơn curcumin thường. Cũng như Tân Hoa Xã của Trung quốc có đưa tin tiếng Anh trích nguồn từ báo Thanh Niên là Việt Nam trở thành một trong 10 nước trên thế giới sản xuất được nghệ nano. Tôi không tìm thấy tin này trong các nguồn khác.

Nói chung, áp dụng kỹ thuật nano cho chất curcumin nghệ bằng cách liên kết phân tử curcumin với một chất nào khác (nanocarriers, vd polymeric micellar nanoparticles) có mục đích là curcumin bền vững hơn khi đi qua hệ tiêu hoá, làm curcumin tan trong nước, gia tăng khả năng hấp thụ của curcumin để đi vào máu và các mô của cơ thể (increased bioavailability). Tuy nhiên, kỹ thuật nano áp dụng vào y khoa nói chung là một lãnh vực rất phức tạp, bao gồm nhiều cách tiếp cận, chiến lược khác nhau. Đối với người dùng, có lẽ chúng ta chỉ biết là có thể dùng viên nghệ nano thì hấp thụ được nhiều hơn curcumin, ngoài ra, cần hấp thụ đến lượng bao nhiêu mới tốt, thuốc đi về bộ phận nào nào, mục đích chữa bệnh gì hay ngăn ngừa bệnh gì, có tác dụng phụ gì không so với thuốc nghệ thường, cần hỏi nhà sản xuất thuốc hay các y bác sĩ, dược sĩ bán thuốc liên hệ.

Curcumin chỉ là một chất trong mấy chục chất có tác dụng kháng oxy hóa, kháng sinh, chống ung thư, hay giảm viêm có thể tìm thấy trong nghệ. Cho nên chỉ dùng curcumin thôi chưa chắc đã gặt hái hết các lợi thế của nghệ thiên nhiên.

Trên trang web bán hàng Amazon, một chai 120 viên (250 mg) nano curcumin Mỹ bán giá 50 đôla (dùng cho 120 ngày). Theo thông tin trên chai thì kích thước của thuốc họ là 45nm để có thể đi lọt qua các kênh sinh học trong cơ thể rộng 200nm (“biological channels), so với 250nm của curminin trong viên nghệ thường, mà giá chừng 15-30 đôla/chai. Để so sánh một loại nano curcumin làm tại VN bán 4 hộp dùng cho 30 ngày giá 1.120.000 đồng VN.

Nghệ hay curcumin đang được nghiên cứu và trong ngành “y khoa lề trái”, gọi là “alternative medicine" ở Mỹ được một số người dùng như là một biện pháp bổ túc (supplement) trong các lĩnh vực sau (xin nhắc lại là FDA không công nhận việc dùng nghệ như là thuốc chữa bệnh):

- Cùng chung với hoá trị liệu (chemotherapy) trong các bệnh ung thư.

- Bệnh tiểu đường (diabetes).

- Bệnh trầm cảm (depression) bệnh Alzheimer. Có người dùng chung với thuốc trị trầm cảm như Prozac.

- Bệnh da vẩy nến (psoriasis).

- Giúp lành vết thương.

- Giảm đau khớp do tác dụng giảm viêm.

Về việc dùng bột/viên nghệ nói chung, nên hỏi bác sĩ của mình trước khi dùng liều cao, nên để ý đến các tác dụng phụ sau đây có thể xảy ra:

- Người có thai. Curcumin kích thích tử cung co bóp, có thể sinh non.

- Curcumin có thể là thụ thai khó khăn hơn.

- Người bệnh gan, sạn mật. Curcumin kích thích túi, ống mật.

- Curcumin có thể làm những người đang dùng thuốc "loãng máu" như aspirin, clopidogrel (Plavix) dễ chảy máu hơn. Người uống thuốc NSAIDS như ibuprofen, aspirin để trị sưng khớp, giảm viêm có thể còn dễ bị chảy máu nhiều hơn với curcumin.

- Người bệnh tiểu đường đang dùng thuốc hạ đường máu: curcumin có thể làm đường máu quá thấp (hypoglycemia) làm ngất xỉu.

- Người đang uống thuốc làm giảm acid bao tử (vd proton pump inhibitor: omeprazole), curcumin có thể làm acid dạ dày được sản xuất nhiều hơn.

- Ngoài ra nhiều thuốc có tương tác với curcumin, cũng như chất piperine của tiêu được kèm theo nghệ cho dễ hấp thụ có thể tương tác với một số thuốc như phenytoin (chống co giật), theophylline, propanolol (hạ huyết áp).

Chúc quý thính giả may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.