Hỏi đáp Y học: Ngôn ngữ Y khoa và Đau chân do dây thần kinh chèn ép

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc về vấn đề ngôn ngữ trong y khoa và đau chân do chèn ép dây thần kinh.
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.

Ông Ngô Lương ở Fargo, North Dakota, có thắc mắc về vấn đề ngôn ngữ trong y khoa và đau chân do chèn ép dây thần kinh.

Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

Vấn đề ngôn ngữ trong y khoa & đau chân do chèn ép dây thần kinh

(Professional medical translation - Low back pain).

Trả lời ông Ngô Lương ở Fargo, North Dakota.

Your browser doesn’t support HTML5

Đau chân do dây thần kinh bị chèn ép



1) Vấn đề ngôn ngữ là một vấn đề quan trọng trong y khoa ở Mỹ:

Thường người thông dịch tùy tiện, có thể là bạn bè đi theo, có khi là đứa trẻ con nói được hai, ba thứ tiếng, không phải là một thông dịch viên y tế chuyên nghiệp thông thạo thuật ngữ y khoa của hai thứ tiếng và chính thức có những ràng buộc nghề nghiệp phải giữ bí mật cho bệnh nhân (confidentiality). Cho nên những điều bệnh nhân nói có thể được tiết lộ cho những người ngoài cuộc và gây bối rối lúc khai bệnh hoặc sau này. Ngoài ra, vì người thông dịch không phải chuyên nghiệp nên có thể có những phản ứng chủ quan ảnh hưởng đến sự săn sóc của người bệnh.

Những bệnh viện lớn ở các vùng nhiều người gốc nước ngoài đều có dịch vụ thông dịch cho bệnh nhân và ngay cả người đi theo họ nếu những người này không hiểu rõ tiêng Anh, hoặc vì điếc không nghe rõ tiếng nói. Như hệ thống bệnh viện INOVA vùng thủ đô Washington, có những thông dịch viên chuyên nghiệp y khoa (professional medical interpreters) 24 giờ/ ngày, 7 ngày một tuần (24/7).

Những người này thu phí rất đắt tiền (50-100 đô la/ giờ); tuy nhiên người bệnh không trả thêm một phí khoản nào.Người bệnh được hỏi lúc ghi tên là có cần loại dịch vụ này không, được cung cấp lúc ghi tên (registration), lúc bs giải thích các thủ thuật và bệnh nhân đồng ý cho phép (informed consent), và lúc còn nằm trong nhà thương.

Một số nơi dùng những dịch vụ thông dịch (loại số điện thoại 1-800 của AT &T, “ATT Language Line”) lúc khẩn cấp. Một số phòng mạch, phòng chữa răng của bác sĩ hay nha sĩ Mỹ cũng mướn nhân viên nói tiếng Việt hoặc các ngoại ngữ thông dụng trong vùng.

Nói chung, nếu bác sĩ yêu cầu bệnh nhân quyết định về chọn lựa một trị liệu, một vụ giải phẫu chẳng hạn, mà bệnh nhân không hiểu rõ vì trở ngại ngôn ngữ, nên yêu cầu viết các điều quan trọng như định bệnh (diagnosis), thủ thuật giải phẫu (surgical procedure), trị liệu nguy hiểm, v...v... trên giấy trắng mực đen và xin có đủ thì giờ để xét lại; nên tránh thái độ cứ gật đầu vì mình không hiểu gì cả.

2) Bệnh nhân từng mổ cột sống cổ:

Cơ chế của việc đau tay, đau chân do chèn ép dây thần kinh phát xuất từ tuỷ sống, nguyên nhân có thể là do:

1) Hẹp ống xương sống (spinal stenosis), ví dụ do một đốt sống lệch, trượt ra phía trước hay sau, không vững (spondylolisthesis).

2) Đĩa đệm bị thoái hoá, thoát vị (disc herniation) ra khỏi vị trí bình thường của mình (nằm giữa các đốt xương sống), hoặc phình ra làm nghẽn ống tuỷ xương sống, và làm các rễ thần kinh bị khó chịu (irritation), hoặc đè, ép lên các dây thần kinh này làm cho chúng ta có cảm giác đau.

Một trong những nguyên nhân thường gặp có thể giải thích triệu chứng của ông là bệnh đau dây thần kinh hông lớn (sciatica). (Để cho dễ hiểu và dễ nhớ, cái tên la tinh sciatica này chỉ có nghĩa là đau do dây thần kinh hông [sciatic nerve] bị chèn ép, tổn thương làm cho ta có cảm giác đau trên lộ trình của nó, dọc theo phía sau đùi và cẳng chân).

Thính giả cần đi bác sĩ gia đình khám cũng như chụp hình (imaging: CT, MRI) nếu bs thấy cần, để xem tình trạng xương sống lưng của ông ra sao, và xem hai chân đau nguyên nhân từ sống lưng hoặc do lý do khác.

Tuy nhiên cơ chế do đó các đĩa đệm thoái hoá này gây ra các cơn đau chưa được hiểu tường tận lắm. Có nghĩa là có những người đĩa đệm thoái hoá, thấy đè dây rễ thần kinh trên chẩn đoán hình ảnh nhưng lại không đau gì cả, hoặc đau ít hơn người khác. Ngược lại có những người đau dọc theo dây thần kinh chân tay, nhưng chụp MRI thì không thấy gì bất thường.

Nói như vậy để hiểu rằng giải phẫu chỉ là một trong những phương pháp trị liệu, có thể thành công, nhưng đôi khi không giải quyết được, hoặc không giải quyết hoàn toàn bệnh đau lưng, đau rễ thần kinh xương hông (sciatica). Phần còn lại trong trách nhiệm trị liệu là của bác sĩ tổng quát của bệnh nhân và chính bản thân người bệnh làm giảm những yếu tố nguy cơ (risk factors) làm mình có thể đau tái lại, hoặc đau thêm.

Chữa trị:

Biện pháp bảo thủ cho các trường hợp đơn giản:

1. Đắp nước đá 2-3 ngày lên những vùng đau (lạnh làm giảm sưng/viêm).

2. Nếu cần uống thuốc giảm đau như Acetaminophen (paracetamol, "Tylenol"), giảm viêm nhóm NSAID (non-steroid antiinflammatory drugs) như Ibuprofen (vd Advil, Motrin), naprosyn (Aleve); coi chừng xót ruột, nên uống sau khi ăn, những người loét bao tử, từng chảy máu bao tử nên tránh loại ANSAID này.

3. Không nên nằm một chỗ (bedrest is not recommended).

4. Thể dục để làm bắp cơ lưng và bụng mạnh thêm trước đây dùng nhiều, nay được kết luận là không có lợi.

5. Để tránh tái phát, rất quan trọng:

● Tránh khiêng, nâng, vật nặng, xoay qua lại (twisting) cột xương sống, ít nhất là trong 6 tuần đầu.
● Không bao giờ khom lưng xuống mà nâng một vật nặng lên, nghĩa là không dùng lưng để nâng đồ vật lên. Nếu thật cần, chỉ nên ngồi chồm hỗm (ngồi xổm), và đưa tay ra, đứng lên, nghĩa là dùng hai chân để nâng đồ vật lên.
● Sáng sớm thức dậy, đừng nhảy ra khỏi giường, từ từ đưa chân xuống, chống hai tay và đứng dậy.

Nếu càng ngày càng đau thêm, kéo dài trên 6 tuần không thuyên giảm mặc dù điều trị bằng thuốc men, vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu; hoặc nếu trường hợp phức tạp như chấn thương mạnh, đau kéo dài vài tuần, triệu chứng đường tiểu (tiểu ra máu, són tiểu), đau lúc nằm xuống... cần liên lạc với bs để nếu cần dùng những biện pháp khác như:

1) Chích thuốc corticoid vào khoảng trên màng cứng (epidural injection). Màng cứng, tiếng Anh gọi là dura hay dura mater, là một lớp của màng óc (meninges), lót phía trong ống xương sống bao bọc chung quanh não bộ và tuỷ xương sống).

2) Và đi xa hơn nữa thì nghĩ đến dùng phẫu thuật xương sống lưng.

a) laminectomy: tuỷ xương sống được che chở bởi ống xương sống; phía trước là thân xương sống (body of vertebra), to và dày, chồng lên nhau và có đĩa đệm lót ở giữa hai đốt xương kết tiếp. Phía sau cung xương sống (vertebral arch), có phần mỏng hơn gọi là lamina (=phiến) và giữa các đốt xương có những lỗ thoát ra (foramina) để dây rể thẩn kinh chui ra ngoài, phần này gọi là lamina. Cắt bỏ phiến (laminectomy) làm rể thần kinh không bị đè nén nữa.

b)microdiscectomy: dùng nội soi (endoscopy),rạch đường nhỏ sau lưng, ngang đoạn sống lưng đau, cắt bỏ phần đĩa đệm hư (microdiscectomy), giải toả phần đè lên dây thần kinh gây đau.

Bệnh nhân có thể về nhà cùng ngày, hoặc nằm qua đêm, thành công trên 90%, bn đi làm được sau vài tuần.

c) Nếu tái lại nhiều lần: spinal fusion surgery, ghép xương (bone graft), bắt ốc, làm cho thân 2 đốt xương eo lưng (lumbar vertebrae) gắn dính liền với nhau.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
(Hien V. Ho, MD, FAAP)

---------------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.