Thính giả Hoàng Linh, ở Đateh, Lâm Đồng, hỏi như sau:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi Tôi năm nay 62 tuổi, đang bị tiểu đường và suy thận độ 2.
Hơn năm nay tôi bị chứng bệnh tiết ra vị mặn ở miệng và vị giác mất cảm nhận.
Tôi đã đi khám bệnh ở nhiều bệnh viện nhưng không có kết quả.
Xin hỏi Bác sĩ căn bệnh này và phương pháp điều trị, thuốc điều trị.
Xin cám ơn."
Your browser doesn’t support HTML5
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Lúc chúng ta nếm không bình thường, trong y khoa gọi là "dysgeusia", tạm dịch là rối loạn vị giác. Lúc chúng ta mất cảm nhận về nếm, vị giác từ Anh ngữ là "ageusia" (a = không có, geusis = vị giác, nếm). Sở dĩ chúng ta nếm, cảm nhận mùi vị được là nhờ sự hiện diện của những tế bào tiếp nhận (receptor cells) chuyên biệt, không những của lưỡi, mà còn hiện diện trong miệng, trong họng, thanh quản và thực quản. Những tế bào này gởi tín hiệu về bộ óc chúng ta qua những dây thần kinh. Bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng đến các phân đoạn trên đều có thể thay đổi cảm nhận về nếm hay vị giác.
Sau đây là những lý do thường gặp:
1) Bệnh về răng miệng: nhiễm trùng nướu răng (bệnh chu nha=periodontal disease), viêm lưỡi (glossitis, ví dụ do nấm), bệnh tràn dịch bao tử lên thực quản (gastroesophageal reflux).
2) Bệnh nhân sản xuất nước miếng quá ít, có thể vì uống thiếu nước, dùng thuốc làm cho tuyến nước miếng làm việc ít đi, bệnh tuyến nước miếng. Nước miếng cần thiết cho sự hoạt động bình thường của các thụ thể vị giác (taste receptor): nước che chở và tương tác với các thụ thể này. Ví dụ cần ion bicarbonate để cảm giác chua và ion glutamate cho cảm giác ngọt. Chúng ta có cảm giác mặn lúc nồng độ muối (NaCl) cao hơn nồng độ trong nước miếng.
3) Những chứng bệnh về miệng kể trên có thể dễ dàng xảy ra trong các trường hợp hoá trị liệu (chemotherapy) và xạ trị (radiotherapy) cho ung thư. Các tế bào tuyến nước miếng và miệng có thể bị phá huỷ và, theo một cơ chế chưa hiểu rõ, các thuốc trị ung thư như cyclophosphamide, cisplatin, etoposide) cũng làm biến đổi vị giác.
4) Zinc (kẽm) có thể đóng vai trò đáng kể trong cơ năng vị giác.
5) Những bệnh như tiểu đường (diabetes, đái tháo đường), suy thận có thể ảnh hưởng đến vị giác.
6) Một số thuốc như kháng sinh nhóm fluoroquinolone (ví dụ Cipro hay levofloxacin), thuốc hạ áp huyết (vd valsartan), thuốc trị bệnh đau khớp gout (allopurinol) đều có thể làm biến đổi vị giác, cho bệnh nhân một vị tanh (metallic taste) trong miệng, làm bệnh nhân bỏ ăn, sụt cân.
7) Bệnh trầm cảm thường xảy ra ở người già mang bệnh mãn tính, có thể làm cho thay đổi vị giác (tác động từ thần kinh trung ương).
Một số bệnh có vẻ như không dính líu đến vị giác như chấn thương đầu, cổ (đường đi các dây thần kinh lên não bộ), bệnh ở tai (dây thần kinh vị giác chorda tympani đi qua vùng tai), bệnh ở bọng đái có thể làm thay đổi vị giác.
Tóm lại:
1) Nhờ bác sĩ gia đình xét lại toàn bộ tình hình, bác sĩ nha khoa xem lại sức khoẻ răng miệng.
2) Nhờ bác sĩ giúp tính lượng nước uống đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng tốt, xem có cần uống thêm chất kẽm (zinc, ở Mỹ có viên Zinc 30mg) hay không. Một số viên vitamin có chứa chất kẽm..
3) Xem trong các thuốc đang uống có những thuốc ảnh hưởng đến lượng nước miếng (thuốc trị dị ứng như Benadryl [diphenhydramine], thuốc ho).
4) Bệnh dị ứng mũi cũng có thể ảnh hưởng đến vị giác.
5) Bỏ hoặc cai thuốc lá, rượu.
1. Dùng "nước miếng nhân tạo" (artificial saliva)xịt vào miệng ; giúp miệng đỡ khô, như Biotène Moisturizing Mouth Spray; kẹo ngậm (lozenges) chống khô miệng, kích thích tiết nước miếng, kẹo có chứa chất xylitol là một loại đường thực vật không làm hư răng (vd XyliMelts for Dry Mouth). Hoặc có thể uống nước nhiều lần trong ngày để tránh miệng khô.
6) Nên để ý vì rối loạn vị giác, có thể mất cân nhiều, ăn và uống không đầy đủ, có thể bị trầm cảm (depression); tất các các yếu tố đó có thể làm bệnh nặng hơn, gây vòng lẫn quẩn. Cần tham khảo bác sĩ nếu thấy dấu hiệu trầm cảm.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.
--------------------------------------
Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.
Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.
Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.