Hỏi đáp Y học: Viêm gan B mãn tính và thai nghén

Thính giả Cao Thị Cao ở Quảng Ngãi, hỏi như sau:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi tên Cao Thị Cao, năm nay 27 tuổi đã lập gia đình.

Tôi và chồng tôi đều bị nhiễm virut viêm gan B mạn tính chưa phải dùng thuốc. Vợ chồng tôi chưa sinh con vì sợ lây truyền bệnh cho con.

Trân trọng kính nhờ Bác sĩ tư vấn cho tôi bằng cách nào để tôi sinh con mà không truyền bệnh cho con -- từ lúc mang thai đến lúc sinh và nuôi dưỡng.

Xin cảm ơn Bác sĩ"

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Viêm gan B mãn tính và thai nghén

Viêm gan B mãn tính: chừng 1-2 % dân số Mỹ mang vi rút viêm gan B trong máu (hepatitis B virus, HBV). Người viêm gan B mãn tính là người máu thử kháng nguyên HBV dương (Hepatitis B Surface antigen- HBSAg) trong khoảng thời gian trên 6 tháng. Người sinh ra ở Việt Nam, hay nói chung châu Á, Đông Âu, Trung Mỹ hay Nam Mỹ có tỷ số mắc bệnh cao hơn. Người gốc Việt chừng 12-13% mắc viêm gan B mãn tính.

Hiện nay, viêm gan HBV mãn tính không phải là một trở ngại cho việc thai nghén. Tuy nhiên, nếu không phòng ngừa ngay sau khi bé ra đời, cơ nguy bé nhiễm HBV gần như 100%. Nếu phòng ngừa đúng cách, đa số các bé sẽ không bị nhiễm HBV, trừ một số tỷ lệ nhỏ thất bại:

1) Do chích thuốc ngừa quá trễ,
2) Hoặc do mẹ em bé có lượng vi rút quá cao trong máu trong quý thứ 3 (third trimester) của thai kỳ (trên 100 triệu bản HBV DNA/ML) (hay trên 20 triệu IU (đơn vị quốc tế). Trường hợp này, em bé có cơ nguy nhiễm HBV cao hơn. Nếu đã có một thai kỳ mà ngừoi mẹ từng truyền HBV cho con, thì lần có bầu kế tiếp, bác sĩ nghĩ đến biện pháp dùng thuốc kháng vi rút lamivudine cho người mẹ trong quý thứ 3. Đối với những người mẹ có lượng virus thấp (<20.000 IU/ML), biện pháp này không có ích.

Mẹ nhiễm HBV, trẻ sơ sinh có thể nhiễm HBV do tiếp xúc với máu và chất tiết của người mẹ lúc sinh ra. Đa số trẻ em nhiễm lúc mới sinh sẽ không có đủ sức đề kháng để thanh toán HBV và bệnh sẽ trở thành viêm gan siêu vi B mạn tính (kinh niên, chronic hepatitis B).

Hiện nay đại đa số trường hợp nhiễm virus viêm gan B (HBV) từ người mẹ qua trẻ sơ sinh đều có thể ngừa được bằng cách chích ngừa cho em bé ngay lúc mới sinh ra (trong vòng 12 giờ đồng hồ): một mũi chích là kháng thể chống HBV (HB Immunoglobulin, HBIG) để thiết lập sức đề kháng chống HBV ngay cho cơ thể em bé (miễn nhiễm thụ động, passive immunization), một mũi thứ hai là vắc xin HBV (hepatitis B vaccine) để kích thích hệ miễn nhiễm của em bé sản xuất ra kháng thể của chính nó (active immunization).

Em bé cần được chích ngừa tiếp với vaccine chống HBV, lúc 1-2 tháng, và liều thứ ba lúc 6 tháng. Vài tháng sau khi chích mũi cuối, ở Mỹ, người ta thử máu xem em bé có kháng thể chống HBV hay chưa (Hepatitis B Surface Antibodies). Nếu chưa, cần chích 3 mũi thuốc ngừa trong thời gian 6 tháng thêm lần nữa. Nếu bé có virus HBV trong máu, xem như phòng ngừa thất bại, và bệnh nhân cần được bác sĩ nhi khoa hay bs chuyên về gan nhi khoa theo dõi như là một trường hợp viêm gan B mãn tính.

CDC, Hàn Lâm viện Nhi Khoa Mỹ (AAP) và Tổ chức Y tế quốc tế (WHO) cho rằng người mẹ nhiễm HBV vẫn có thể cho con bú sữa mẹ. Thứ nhất, cơ nguy lớn nhất là lúc sinh ra tiếp cận với máu và chất tiết đường sinh dục đã qua rồi; thứ hai, ở Mỹ tất cả các trẻ em có mẹ nhiễm HBV đều được chủng ngừa HBV (HBIG và HB vaccine) lúc mới sinh; thứ ba, chưa có bằng chứng nào cho thấy em bé bú sữa mẹ có cơ nguy nhiễm HBV cao hơn. Tuy nhiên, người mẹ nhiễm HBV nên giữ gìn núm vú không nứt nẻ, chảy máu; DNA của HBV đã từng được phát hiện trong sữa mẹ, và nếu núm vú chảy máu, có thể tăng khả năng HBV hiện diện trong sữa mẹ.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

--------------------------------------

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Qúy vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com> để sắp xếp hẹn trả lời cho buổi phát thanh kế tiếp.

Các bác sĩ của chuyên mục Hỏi đáp Y học Trực tiếp của đài VOA sẽ cố gắng giải đáp các thắc mắc về y học của qúy vị.