Hỏi đáp Y học: Viêm thực quản, ruột khó chịu (IBS) và tiền liệt phì đại

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

Thính giả Lê Hoàng, ở Việt Nam, hỏi:

“Thưa Bác sĩ,

Tôi có vấn đề sau về sức khỏe rất mong Bác sĩ giúp đỡ.

Tôi là Lê Hoàng ở Việt Nam (46 tuổi), vừa qua tôi đi khám bệnh tại Bệnh viện Quân y 108 (Hà Nội), tình trạng của tôi như sau:

1. Tôi có triệu chứng đau dạ dày và đại tràng, qua xét nghiệm, khám, bác sỹ khám kết luận tôi bị viêm dạ dày, viêm ruột kích thích (bác sĩ nói bệnh này rất dễ tái phát?)

2. Có Polys ở trực tràng (có 1 Polys kích thước 0,3 cm, đầu nhẵn, cuống ngắn)

3. Phì đại tiền liệt tuyến 30gr; gan nhiễm mỡ nhẹ

Xin bác sỹ có thể chỉ giúp:

1. Mức độ của bệnh của tôi có nguy hiểm không?

2. Độ nguy hiểm của Polys trực tràng, tôi rất lo lắng về polys. Cách xử lý Polys này?

3. Ba chỉ số xét nghiệm máu có chữ H là gì và có nguy hiểm không?

4. Cách điều trị hiệu quả nhất với các kết luận trên.

Trân trọng cảm ơn Bác sĩ.”

Your browser doesn’t support HTML5

Hỏi đáp Y học: Viêm thực quản, ruột khó chịu (IBS) và tiền liệt phì đại


Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Viêm thực quản, ruột khó chịu (IBS) và tiền liệt phì đại

I. Bệnh trào ngược từ bao tử lên thực quản (gastroesophageal reflux disease, GERD) là do chất dịch tiết trong bao tử, có tánh acid, đi ngược lên trên thực quản, gây ra triệu chứng như rát, đau, buốt trong lồng ngực (heartburn), ợ chua do thức ăn chạy ngược đến miệng (regurgitation). Do acid rất mạnh tấn công lên trên niêm mạc lót trong thực quản, thực quản có thể bị viêm mãn tính (reflux esophagitis), làm thẹo, làm thay đổi các tế bào thực quản (dị sản, metaplasia) và có thể về lâu dài gây ra ung thư (esophageal adenocarcinoma). Acid đi ngược đến thanh quản, khí quản, cuống phổi, cũng có thể gây ra những triệu chứng như ho mãn tính, khan tiếng, viêm thanh quản, đau họng mãn tính (chronic laryngitis), suyễn; những triệu chứng này có thể làm bác sĩ định bệnh sai lạc và chữa trị không hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh trào dịch không tỷ lệ thuận với triệu chứng, có nghĩa là có thể trào dịch nhẹ mà triệu chứng nặng, và ngược lại.

Bệnh GERD tùy theo nhiều yếu tố như tình trạng co thắt của cơ tròn giữa thực quản và bao tử (gastroesophageal sphincter), khả năng thực quản dùng nhu động để đẩy dịch bao tử xuống, khả năng tiết nước miếng để trung hoà acid trong thực quản, khả năng bao tử sản xuất ra acid, khả năng đẩy thức ăn qua ruột nhanh hay chậm, cho nên chữa thuốc có thể thành công nhiều hoặc ít, tái lại hay không.

Thường bs khuyên thay đổi nếp sống như:
1. Tránh đồ ăn chua (chanh, thơm/dứa), ăn lượng thức ăn ít hơn (để bao tử đừng quá căng), những thức gây trào dịch: mỡ, chocolate, peppermint, rượu, hút thuốc lá.
2. Không ăn uống 3 giờ trước khi đi ngủ.
3. Kê đầu giường lên cao 15 cm để thức ăn trong bao tử khó đi ngược lại.
4. Cố gắng sụt cân nếu quá mập.
5. Uống thuốc chống axit như Maalox, Calcium carbonate (Tums).

Esomeprazole (Nexium), thuốc mà vị thính giả uống, phần chính là có tác dụng giảm chất axit trong bao tử bằng cách ức chế các tế bào sản xuất axít HCl (proton pump inhibitor), do đó làm giảm các triệu chứng khó chịu do axit gây ra.

Chỉ định chính:
- Ngắn hạn (4-8 tuần)
1. Để chữa bệnh tràn dịch bao tử-thực quản.
2. Viêm loét thực quản.
3. Và chữa bệnh loét bao tử hay loét đầu ruột non do H. pylori, kết hợp với 2 - 3 thuốc khác như amoxicillin, clarithromycin, Pepto Bismol.
- Dài hạn: Trong những trường hợp đặc biệt, hiếm do một điều kiện được định bệnh rõ rệt: như hội chứng Zollinger-Ellison trong đó bướu gastrinoma trong tuỳ tạng (pancreas) hay trong bao tử, ruột sản xuất chất gastrin kích thích các tế bào sản xuất quá nhiều acid trong bao tử, làm loét bao tử, thực quản, ruột non.

II. Hội chứng ruột dễ bị khó chịu (Irritable Bowel Syndrome, IBS; Irritable=làm cho khó chịu, bực dọc) là một bệnh gồm những triệu chứng chính sau đây:

- Đau bụng, đau quặn (cramps), tức hơi.
- Sình hơi.
- Đi tiêu không đều, lúc bón , lúc tiêu chảy, cảm giác cần phải đi cầu gấp rút, đi nhiều lần trong ngày, đi cầu xong mà vẫn có cảm giác chưa hết.
- Ăn không ngon.
- Đi cầu phân có nhớt (mucus).

Thường được chẩn đoán sau khi đã loại hết các nguyên nhân có thể gây ra những triệu chứng đó (diagnosis by exclusion). Ví dụ người lớn tuổi, bác sĩ cần loại bỏ khả năng họ có bị ung thư ruột già hay không, người trẻ hơn, cần xem họ có mắc chứng viêm ruột mãn tính (IBD) hay không (như bệnh Crohn làm loét đoạn cuối ruột non và đầu ruột già,nhưng có thể liên hệ bất cứ nơi nào của ống tiêu hoá; bệnh viêm loét ruột già gây đi cầu ra nhớt máu và chỉ làm tổn thương ruột già). Do đó có thể bác sĩ tìm bệnh nhân có nhiễm vi trùng Helicobacter pylori làm viêm dạ dày, làm đau bụng, khó tiêu. Có thể dùng đến nội soi ruột già (colonoscopy) hay dạ dày (gastroscopy) cũng trong mục đích trên. Bác sĩ cũng có thể xem các triệu chứng như đau bụng có phải do các bộ phận khác như nhiễm trùng ruột, nhiễm trùng các bộ phận lân cận gây ra hay không, như đau ở gan hay túi mật, ống dẫn mật, tuỳ tạng. Do đó có thể thử máu tìm cơ năng gan (liver function) có gì rối loạn không, làm siêu âm soi các bộ phận trong bụng.

Khi đã loại khả năng các bệnh kia, nếu không có gì đáng kể để giải thích những cơn đau bụng, tức bụng, rối loạn đại tiện, người ta mới dùng chẩn đoán: “hội chứng ruột dễ khó chịu, hay bị kích thích”, còn gọi là "ruột già hay co thắt", theo tiếng Pháp: "hội chứng ruột già khó chịu" (syndrome du colon irritable), có nghĩa thủ phạm chính bị nghi ngờ là ruột già.

Chừng 58 triệu người Mỹ được định bệnh chứng này, có nghĩa là nói chung chừng 100 người thì 7-10 người mắc bệnh. Tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở một số nước tây phương, nhất là ở phụ nữ. Tuy nhiên, có người bệnh chỉ một vài tuần, có người tái đi tái lại suốt đời. Đại đa số bị triệu chứng nhẹ thôi, quá nữa không thấy cần phải đi bác sĩ để khám bệnh. Một khi đi bác sĩ khám, thì như chúng ta giải thích ở trên, bác sĩ có nhiệm vụ phải "làm cho ra lẽ" trước khi quyết định là bệnh nhân chỉ có khúc ruột già dễ bực dọc, khó chịu (irritable colon), không cần chữa trị gì nhiều. Và chính những thử nghiệm hàng loạt này, thế nào cũng sản xuất ra những kết quả đi ra ngoài các mức "chuẩn", nhưng thật ra cần được bác sĩ giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân. Người bị IBS bản chất là người hay lo, nhạy cảm với sự đau đớn, cho nên những kết quả được đánh dấu là "không bình thường” (“H”=high, cao) rất dễ làm họ lo lắng thêm.

III. Trong các kết quả thử nghiệm của vị thính giả:

- MCV (Mean Corpuscular Volume) có nghĩa là thể tích trung bình của hồng cầu (vd 99.2 [normal 75-96]. Thiếu vitamin B12 là một trong những nguyên nhân.
- Triglycerides là chất mỡ được chuyên chở trong máu; sau một bữa ăn chất này lên cao. Ví dụ: 3.8 millimole [normal <2.3]. GGT (gamma-glutamyl transferase) là một men (enzyme) của gan; 72, trên mức bình thường (<50) là hơi cao. GGT tăng cao trong bệnh gan (viêm gan, thiếu máu vào gan, xơ gan), bệnh suy tim, bệnh tùy tạng (pancreas), bệnh phổi, bệnh nhân từng dùng thuốc ảnh hưởng tới gan.
- Hai men kia là SGOT (AST), SGPT (ALT) cũng phản ảnh cơ năng gan.
- Gan nhiễm mỡ (“fatty liver”, fatty infiltration of the liver) có nghĩa là tế bào gan chứa nhiều mỡ hơn bình thường, có thể kèm theo bệnh nghiện rượu hoặc không phải do rượu, nhưng do bệnh mập, ít vận động, ăn uống quá nhiều đường mỡ. Hết 25-50% người lớn làm siêu âm gan sẽ được cho là có gan nhiễm mỡ ở mức độ nào đó. Tuy nhiên nếu nhẹ thì không có gì nguy hiểm. Áp dụng những biện pháp cần thiết như không uống rượu (kể cả rượu thuốc, bia), ăn ít đường, mỡ, dùng dầu thực vật như dầu olive, ăn ít thịt đỏ, ăn cá, trứng. Ăn theo giờ đều đặn; đừng ăn nhiều rồi kiêng nhảy bữa ăn sau; tránh ăn trước giờ đi ngủ. Nếu bị IBS, giữ một trang nhật ký, xem món ăn nào không chịu, gây triệu chứng thì tránh. Có thể lên mạng tìm hiểu các thức ăn ở VN thích hợp.
- Tập thể dục, đi bộ đều đặn trong mức sức khoẻ cho phép chừng 20-30 phút mỗi ngày. Những biện pháp giản dị như vậy không những tốt cho sức khỏe gan mà còn tốt cho sức khỏe tổng quát. Nếu cần biết chi tiết hơn về chuyện men gan đi đôi với gan nhiễm mỡ, nên khám bác sĩ nội khoa nay bác sĩ chuyên về gan và đường tiêu hoá.
- Phì đại tuyến tiền liệt (prostate enlargement, benign prostate hyperplasia): thường trên siêu âm thể tích trên 30ml thì cho là quá lớn; cần được bác sĩ khám, xét về các triệu chứng có kèm theo hay không (tiểu khó, vòi nước tiểu chậm, nhiễm trùng hay không vv).
- Về các polyp nhỏ ở trực tràng, cần bác sĩ ruột theo dõi, từng trường hợp. Bệnh polyp thường gặp: 30-40% người lớn có polyp trong ruột già. Thường thì bác sĩ cắt bỏ những polyp lớn hơn 5mm (1/2cm) và sau đó làm sinh thiết để phân loại. Loại polyp do tăng sản (hyperplastic polyp) thường nằm cuối ruột già, không biến thành ung thư. Loại polyp loại u tuyến (adenomatous polyp, adenoma) có khả năng biến thành ung thư, nhưng trung bình mất chừng 10 năm để một polyp nhỏ biến thành ung thư.
- Rất ít polyp hay ung thư ruột già được tìm thấy trên người dưới 40 tuổi, trừ trường hợp ảnh hưởng di truyền. 90% xuất hiện sau tuổi 50, do đó ở Mỹ người ta sàng lọc (screen) bệnh nhân từ 50 tuổi để truy tầm ung thư ruột già, một trong những biện pháp là soi ruột già (colonoscopy). Tuỳ theo loại polyp, hoàn cảnh bệnh nhân, bác sĩ có thể nội soi từ 2 năm đến 10 năm một lần. Ví dụ, 3 năm sau khi cắt adenoma, soi lại khả năng adenoma xuất hiện lại là 30%. Cần hỏi bác sĩ rõ ràng về vấn đề theo dõi này. Hút thuốc lá, ăn thịt đỏ, thịt nướng, thịt chế biến (xúc xích, hamburger, thịt hộp), uống nhiều alcohol (rượu, bia), ít ăn trái cây, rau cải, quá mập có thể tăng cơ nguy u bướu ruột già.
- Các thuốc men của vị thính giả bao gồm nhiều mặt của hoàn cảnh bệnh lý. Có thuốc chữa về vật thể; vd esomeprazole (Nexium) giảm acid trong dạ dày. Có thuốc chữa về tâm lý bệnh nhân (ví dụ Devodil chữa trầm cảm cũng như giúp tiêu hoá), cho nên bệnh nhân cần theo dõi với bác sĩ của mình là tốt hơn hết.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 15 tháng 11 năm 2016

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.